- Hơn 35 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
- Trao 20 suất quà tết cho nạn nhân chất độc da cam
- Huyện Năm Căn chủ động chăm lo nạn nhân chất độc da cam
Ông Nguyễn Văn Trỗi, 49 tuổi, ngụ Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, là tấm gương tiêu biểu của tinh thần ấy. Bản thân ông Trỗi là nạn nhân da cam, con gái ông, chị Nguyễn Thị Như Ý (24 tuổi) cũng chịu di chứng khiến cơ thể không phát triển bình thường. Không vì thế mà nản lòng, vợ chồng ông vẫn miệt mài lao động. Hiện gia đình đang nuôi 6 con heo, trồng bồn bồn trên diện tích đất thuê, hơn 1 ha, kết hợp nuôi cá đồng. Mô hình này cho thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình thoát nghèo từ đầu năm 2023.
Ông Trỗi tâm sự: “Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, là hộ nghèo của ấp. Nhờ Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng và tiền tích góp, chúng tôi xây được căn nhà khang trang. Xong nhà là tôi xin thoát nghèo, tập trung tăng gia sản xuất. Bồn bồn trồng bán được giá từ 15-20 ngàn đồng/kg tuỳ theo sỉ, lẻ. Mỗi ngày làm chăm chỉ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, tổng cộng khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước nhiều”.
Mô hình trồng bồn bồn của anh Nguyễn Văn Trỗi, ấp 14 xã Khánh An, huyện U Minh hằng đem về nguồn thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm.
Ở Ấp 6, xã Khánh Lâm, ông Lê Hoàng Thân (70 tuổi), cũng là minh chứng cho sự kiên cường của nạn nhân da cam. Ông Thân bị nhiễm chất độc hoá học từ năm 1970, con gái út của ông, chị Lê Hồng Nhi, năm nay đã 39 tuổi nhưng trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên 3. Cuộc sống gia đình từng vô cùng chật vật, vợ ông chèo đò thuê. Năm 2001, ông quyết tâm mở xưởng cưa nhỏ, từng bước gây dựng lại cuộc sống.
Ông Thân chia sẻ: “Gia đình khó khăn, tôi không thể buông xuôi. Vợ chồng cùng vay mượn, đầu tư làm xưởng cưa. Lúc đầu nhỏ lẻ, chủ yếu cưa bạch đàn, tràm bông vàng. Sau này tôi dành dụm mua máy cưa lớn, cho con trai đi học nghề về phụ giúp. Giờ tôi già yếu, chỉ phụ con và thuê thêm 2 nhân công. Nhờ xưởng này, gia đình dần khấm khá, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm”.
Ông Nguyễn Thanh Ðoàn, 52 tuổi, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, nhiễm chất độc da cam từ khi mới lọt lòng, cũng không chịu khuất phục số phận. Dù chân trái bị dị tật nhưng ông vẫn quyết chí lập nghiệp.
Mô hình nuôi tôm quảng canh của ông Nguyễn Thanh Ðoàn giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Ðoàn chia sẻ: “Cha mẹ cho 8 công đất vuông lập nghiệp, ban đầu nuôi tôm khó lắm, nhưng tôi cố bám trụ. Sau này tôi kết hợp thả cua, thu nhập tăng lên. Giờ cuộc sống khấm khá hơn, mua thêm đất, mở rộng lên hơn 1 ha. Mỗi con nước thu nhập trên 10 triệu đồng”.
Ông Ðặng Văn Mỹ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, nhận xét: “Những tấm gương vươn lên như ông Trỗi, ông Thân, ông Ðoàn... là biểu tượng của nghị lực phi thường. Họ không chỉ tự cứu mình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh. Ðó là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất và khát vọng vươn lên của nạn nhân da cam”./.
Hoàng Vũ
Nguồn: https://baocamau.vn/nghi-luc-nhung-nan-nhan-da-cam-a38245.html
Bình luận (0)