Những dọc khoai to, vươn cao, quanh năm xanh tốt; phía dưới gốc, từ củ vươn ra những ngọn dải khoai (còn gọi là ngó khoai) mập mạp, có màu xanh nhạt hoặc trắng ngần, ngọn hình nhọn, vươn dài. Khi dải đã vươn dài, người dân hái về chế biến món ăn hoặc bán tại chợ phiên.
Món canh dải khoai dân dã, ngọt lành, mang đậm dư vị đồng quê. |
Dải khoai hái về chế biến ngay khi còn tươi non là ngon nhất. Dùng tay tước bỏ vỏ lụa bên ngoài, dùng dao cạo sạch vỏ dưới gốc dải để lộ ra màu trắng rồi bẻ ngắn chừng nửa gang tay, rửa sạch. Dải khoai ngon nhất là nấu canh với nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: xương heo, cánh gà, cá đồng, cua đồng hoặc nấu canh nhạt một mình dải khoai cũng ngon không kém.
Dù nấu canh dải khoai với nguyên liệu gì thì cũng chỉ cần xào, nêm nguyên liệu với các loại gia vị, ninh nhừ cho thịt mềm, nước ngọt rồi mới cho dải khoai vào. Dải khoai cho vào đun chừng 15 phút là được bởi nếu nấu lâu quá, khoai sẽ bị mềm nhũn, giảm độ ngon. Trước khi tắt lửa, đừng quên cho vào nồi canh các loại rau thơm thái nhỏ. Nếu nấu canh với cua đồng thì xào dải khoai cho ngấm gia vị, đun cho khoai mềm rồi đổ nước cua vào, khi thịt cua và gạch cua nổi lên, cho rau thơm vào là có thể thưởng thức.
Canh dải khoai thưởng thức cả khi nóng và nguội đều ngon miệng. Khi ăn, dải khoai mềm, giòn, ngọt, phần gốc dải khoai nhiều chất bột nên dẻo và thơm, mang lại cảm giác lạ miệng cho người thưởng thức. Vào những trưa hè oi ả hay những chiều thu se se lạnh, bát cơm chan canh dải khoai đưa lên miệng ăn như hưởng trọn dư vị dân dã nơi đồng quê. Món canh dân dã này bổ dưỡng nhờ giá trị dinh dưỡng từ dải khoai non.
Cứ ngỡ, món ăn này chỉ dành cho người nghèo ở đồng quê mà nay lại trở thành đặc sản nơi phố thị…
Nguồn: https://baodaklak.vn/du-lich/202504/ngot-buicanh-dai-khoai-ce302d5/
Bình luận (0)