BHG - Đúng dịp tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh, sinh năm 1954, hiện là Tổ trưởng tổ 14, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. Chú Thịnh đã có một hành trình lịch sử từ Hà Giang tới Sài Gòn và được hòa trong giờ phút chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh trưa 30.4.1975.
Năm 1972, khi chưa đầy 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai dân tộc Tày Nguyễn Đức Thịnh lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, chú Thịnh trải qua 3 tháng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng 4.1973, chú được điều về Đoàn 301, Quân đoàn 4 tham gia giải phóng tỉnh Phước Long. Để chuẩn bị cho đà nước rút thần tốc, đơn vị của chú Thịnh và Quân đoàn 4 vượt qua sông Tà Lài lên Phương Lâm, Lâm Đồng rồi đánh xuống Long Khánh, Xuân Lộc, những địa bàn diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, khi đó địch thả cả bom hóa học.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh đã có hơn 10 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố và là người có uy tín ở địa phương. |
Với nỗ lực của Quân đoàn 4, gần cuối tháng 4.1975 cánh cửa phía Đông Sài Gòn được mở ra, cùng sự thần tốc của quân ta, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quân đoàn 4 là một trong những đơn vị chủ lực, được coi là “nắm đấm thép” hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh từ 26 – 30.4.1975. Chú Thịnh nhớ lại, trên đường tiến vào Sài Gòn khi đó bên đường đầy quân tư trang ngụy vứt lại, xác xe pháo, ô tô ngổn ngang. Ở những địa bàn ta giải phóng, ngớt tiếng đạn pháo, bà con ùa ra đường đón quân giải phóng, hình ảnh đó làm ai cũng xúc động. Chú Thịnh kể tiếp, Quân đoàn 4 là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập khi ta giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, vì trận đánh ở Xuân Lộc quá ác liệt khiến bước tiến bị chậm lại và nhiệm vụ vinh dự này được trao cho Quân đoàn 2.
Vượt qua cánh cửa Xuân Lộc, 12h30, trưa 30.4.1975, đơn vị của chú Thịnh có mặt tại trung tâm Sài Gòn và tiếp quản Trại lính Lê Văn Duyệt, nơi được coi là trung tâm chiến tranh chính trị của ngụy quyền. Trung tâm ở ngay cạnh Dinh Độc Lập và chú Thịnh nhớ lại, lúc đó trong và ngoài Dinh rất đông xe tăng, thiết giáp và quân giải phóng bảo vệ. Sài Gòn lúc này có rất nhiều người dân mang cờ hoa vẫy chào quân giải phóng. Tâm trạng của mỗi người lính chúng tôi đều phấn khởi, tự hào, vì đây là thành quả của bao năm chiến đấu gian khổ, dân tộc ta đã chiến thắng một kẻ thù hùng mạnh.
Sài Gòn được giải phóng, Quân đoàn 4 và đơn vị chú Thịnh được giao quân quản Sài Gòn. Chú Thịnh nhớ lại, chúng ta đã giải phóng được thành phố mà ít phải đổ máu, thành phố được giữ gần như nguyên vẹn. Nhưng những ngày đầu quân quản vẫn còn người hy sinh vì tàn quân ngụy bắn lén quân giải phóng khiến tinh thần cảnh giác vẫn được đề cao.
Những tưởng chiến thắng sẽ tới ngày đoàn tụ. Nhưng, năm 1977 trước sự hung hăng của Pôn Pốt, chú Thịnh cùng đơn vị và Quân đoàn 4 tiếp tục tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tiêu diệt quân Pôn Pốt, giải phóng thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Suốt từ 1979 – 1983, chú cùng đơn vị tham gia truy quét tàn quân Pôn Pốt đến tận biên giới Thái Lan...
Chú Thịnh xúc động tâm sự: Gia đình tôi có tôi và anh trai cùng đi B. Suốt hơn 11 năm chiến đấu ác liệt, đó là quãng thời gian mà bố mẹ tôi đều không tin con mình còn sống cho đến khi tôi được về phép. Lúc đó thông tin rất khó khăn, có thời điểm nhiều năm không thể liên lạc thư từ với gia đình. Trong 11 năm chiến đấu tôi được về phép thăm nhà 2 lần. Có lần về phép phải đi mất 15 ngày mới đến nhà, về nhà thấy tôi đen xạm vì nắng gió, ai cũng mừng và tin tôi còn sống. Trên tường ngôi nhà tôi ở xã Đạo Đức, Vị Xuyên có treo một tấm bản đồ Việt Nam, bố tôi đánh dấu lên đó những địa danh từ những lá thư tôi gửi về. Ở nhà gia đình nuôi một con lợn rất lâu và rất to, nhiều người mới khiêng được, để chờ anh em tôi trở về mổ thịt.
Tháng 10.1983, sau hơn 11 năm chiến đấu qua nhiều chiến trường gian khổ, chú Nguyễn Đức Thịnh được chuyển ngành, qua nhiều đơn vị công tác rồi nghỉ hưu tại Công ty Ô tô Hà Giang năm 1993. Sau khi nghỉ chế độ, chú Thịnh nhiệt tình tham gia công tác xã hội, hiện chú đang làm Tổ trưởng tổ 14, phường Minh Khai được 10 năm và là người có uy tín ở địa phương. Vợ chồng chú sinh được 2 người con, đều trưởng thành.
Chú Thịnh xúc động chia sẻ, dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, tôi được thăm lại chiến trường xưa, khi trở lại, tất cả đều đã đổi khác, phố xá cao đẹp. Đất nước hôm nay đổi thay vượt bậc, xứng đáng với những hy sinh của cả dân tộc ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Bài, ảnh: HUY TOÁN
Nguồn: https://baohagiang.vn/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/202504/nguoi-ha-giang-co-mat-o-sai-gon-trong-chien-thang-3041975-ab87d9b/
Bình luận (0)