Ngày 15/7, Apple đã công bố cam kết mua nam châm đất hiếm trực tiếp từ MP Materials, công ty duy nhất tại Mỹ có chuỗi cung ứng đất hiếm tích hợp đầy đủ từ khai thác đến chế biến.
Động thái này nhằm củng cố chuỗi cung ứng của Apple tại Hoa Kỳ và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, theo thông tin từ CNN.
Thỏa thuận hợp tác này không chỉ bao gồm việc mua sắm trực tiếp mà còn thiết lập một dây chuyền tái chế, tái sử dụng các vật liệu đất hiếm tại California để phục vụ sản xuất sản phẩm của Apple.
Đây là một phần trong khoản đầu tư 500 tỷ USD mà Apple đã công bố đầu năm nay, nhằm mở rộng hoạt động và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Một máy xúc di chuyển quặng thô bên trong hố tại mỏ Mountain Pass do MP Materials điều hành tại California (Ảnh: Joe Buglewicz - Bloomberg).
Đất hiếm là nguyên liệu thiết yếu cho nhiều thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính đến máy bay phản lực quân sự, và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc chiếm tới 92% sản lượng đất hiếm toàn cầu trong giai đoạn chế biến.
Trong một thông cáo báo chí, CEO Apple Tim Cook nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào khi tăng cường sự đầu tư vào Hoa Kỳ. Đất hiếm là vật liệu rất cần thiết để phát triển công nghiệp tiên tiến, sự hợp tác này sẽ tăng cường nguồn cung cấp các vật liệu quan trọng tại Hoa Kỳ".

Nam châm đất hiếm được cho là một trong những nam châm vĩnh cửu quan trọng và mạnh mẽ nhất và có nhiều ứng dụng trong khoa học công nghệ (Ảnh: Getty).
Mặc dù tên gọi "đất hiếm" có thể gây hiểu lầm, loại vật liệu này thực tế được tìm thấy khá phổ biến trong vỏ trái đất nhưng lại rất khó để chiết xuất và xử lý. Chúng đóng vai trò quan trọng trong nhiều sản phẩm từ TV, tuabin gió đến pin xe điện và máy MRI.
Theo kế hoạch, một cơ sở của MP Materials tại Fort Worth, Texas sẽ phát triển dây chuyền sản xuất nam châm mới dành riêng cho các sản phẩm của Apple. Công ty dự kiến các lô hàng đầu tiên sẽ bắt đầu được sản xuất vào năm 2027, hỗ trợ cho hàng trăm triệu sản phẩm của Apple.
Thỏa thuận này cũng được xem là một động thái chiến lược của Apple nhằm đáp ứng yêu cầu từ chính quyền Mỹ. Trước đó, vào tháng 5, cựu Tổng thống Trump đã đăng trên Trump Social, bày tỏ mong muốn iPhone được sản xuất tại Hoa Kỳ, nếu không Apple sẽ phải đối mặt với mức thuế ít nhất 25%.

Bài viết gây chú ý của tổng thống Trump trên Trump Social đề cập đến việc Apple sẽ phải đóng thuế 25% nếu sản xuất sản phẩm của họ ngoài lãnh thổ Mỹ (Ảnh chụp màn hình).
Việc hợp tác với MP Materials không chỉ giúp Apple tránh được các rắc rối về thuế mà còn thúc đẩy các nỗ lực của hãng trong việc kết hợp nguyên liệu tái chế vào sản phẩm.
Kế hoạch này đã được Apple đề ra từ trước khi ông Trump nhậm chức. Đầu năm nay, dòng iPhone 16e đã ra mắt với 30% thành phần tái chế. Apple cũng cho biết họ đang sử dụng đất hiếm tái chế trong nhiều sản phẩm khác như iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook và Mac mới nhất.
Apple kỳ vọng việc mở rộng nguồn cung đất hiếm trong nước sẽ tạo ra hàng chục triệu việc làm và sẽ cùng MP Materials đào tạo, phát triển nguồn nhân lực sản xuất nam châm tại Hoa Kỳ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/nguyen-lieu-gi-khien-apple-dau-tu-500-trieu-usd-phuc-vu-san-xuat-iphone-20250724214226252.htm
Bình luận (0)