Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguyên nhân nào khiến giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục?

Việt NamViệt Nam20/04/2025


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, chênh lệch giá trong nước và thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp và đã có tờ trình sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Giá vàng liên tục lập đỉnh

Trong những ngày qua, giá vàng miếng SJC đã vượt qua đỉnh 120 triệu đồng/lượng bán ra và nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chỉ trong vòng hai ngày, giá vàng đã tăng thêm 10 - 12 triệu đồng/lượng. Bất chấp vàng liên tục tăng giá và chưa có điểm dừng, nhiều người vẫn chuẩn bị số tiền lớn “đu” đỉnh mua vàng.

Theo đó, ngày 17/4, khi chưa mở cửa, nhiều người đã xếp hàng phía trước trụ sở Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (quận 3, TPHCM) chờ mua vàng. Đến tầm 10 giờ trưa, bảo vệ phải từ chối bớt khách hoặc khuyên nên quay lại vào đầu giờ chiều vì bên trong, lượng khách chờ mua vàng đã rất đông. Thậm chí có người chờ hơn cả giờ đồng hồ vẫn chưa được gọi tên để mua vàng.

Sáng 17/4, giá vàng SJC tăng thêm 3 triệu đồng/lượng chiều mua và 2,5 triệu đồng/lượng chiều bán, niêm yết ở mức 115,5 triệu đồng/lượng mua vào và 118 triệu đồng/lượng bán ra. 

Nguyên nhân nào khiến giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục
Người dân xếp hàng mua vàng khi giá tăng lên mốc 120 triệu đồng/lượng ngày 17/4. ảnh: U.P

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc vàng vượt 120 triệu đồng/lượng là chưa từng có tiền lệ nhưng thực tế đã đạt được và có khả năng chưa dừng lại. Theo ông Hiếu, sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã đẩy giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục mới, kéo giá vàng trong nước tăng mạnh. Thậm chí, kim loại quý này vẫn còn dư địa tăng tiếp khi danh sách các tài sản trú ẩn an toàn ngày càng thu hẹp. “Trong bối cảnh căng thẳng thuế quan chưa giảm nhiệt, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một nơi trú ẩn trong căng thẳng thương mại toàn cầu” - ông Hiếu cho biết.

Nên mua hay bán vàng lúc này? Ông Hiếu cho rằng, người dân và nhà đầu tư vàng nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30% là hợp lý. Trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận khoảng 30% là có thể nghĩ tới việc chốt lời để bảo toàn lợi nhuận. Hoặc nếu muốn mua vàng lúc này cần cân nhắc dư địa tăng giá còn nhiều hay không. Chúng ta đừng chạy theo phong trào và đừng quá lo lắng khi thấy giá vàng lên xuống, điều quan trọng là cần có chiến lược và mục tiêu lợi nhuận. Tôi vẫn luôn nói rằng “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ngoài vàng, chúng ta có thể đa dạng kênh đầu tư vào chứng khoán và bỏ một phần tiền vào ngân hàng” - ông Hiếu khuyến nghị.

Nguyên nhân do đâu?

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Kinh tế và tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2025.

Trong đó, liên quan đến thị trường vàng, NHNN cho biết, nhờ loạt giải pháp được đưa ra, đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp. Theo đó, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước quy đổi từ mức 25% tại thời điểm cao nhất (18 triệu đồng/lượng - PV) xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5-7%) cuối năm 2024.

Trong quý I/2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục trước đó, tăng từ mức 2.635 USD/oz (ngày 02/01/2025) lên mức cao nhất tại 3.047 USD/oz vào ngày 19/03/2025.

Nguyên nhân nào khiến giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục
Theo NHNN, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước.

NHNN chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng là:

Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ hai, nhiều Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng;…

Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới, từ mức 84,05 triệu đồng/lượng vào ngày đầu năm 2025, tăng lên quanh mức 100,4 triệu đồng/lượng ngày 19/3/2025.

NHNN cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%), đến nay còn khoảng 2-4 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 3~5%), nhiều thời điểm giá mua vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.

"Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp", NHNN khẳng định.

Về quản lý thị trường vàng, NHNN cho hay đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động quản lý kinh doanh vàng, trong đó trọng tâm là tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3332 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc liên quan đến diễn biến giá vàng trong nước.

Sau khi xem xét báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ về tình hình thị trường vàng cùng ngày, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế.

Cơ quan điều hành cần "khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng" trích văn bản chỉ đạo. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ động triển khai các biện pháp thông tin, truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.



Nguồn: https://baodaknong.vn/nguyen-nhan-nao-khien-gia-vang-lien-tuc-tang-cao-ky-luc-250032.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm