Mặc dù thời gian thu hoạch mật ong kéo dài quanh năm nhưng tháng 3, tháng 4 mới là thời điểm thu hoạch mật nhiều và thơm ngon nhất.
Ở cái tuổi ngót ngét 80, ông Đinh Minh Châu (thôn Sấm 2, xã Cúc Phương) là một trong những người có thâm niên nuôi ong lâu đời nhất ở Cúc Phương. Ông Châu “bén duyên” với con ong từ những năm 1987 khi các chuyên gia nước ngoài về rừng Cúc Phương hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển sinh kế, trong đó có dạy nghề nuôi ong lấy mật.
Ông Châu cho biết: Mùa tháng 4, trên rừng có hàng trăm các loại hoa, trong đó có nhiều loại hoa quý có tác dụng chữa bệnh như dây Búng báng, Đơn xương, Đà nam, Quéo, Sang, Lắt léo, Chân chim, Dẻ... Đặc biệt là nhãn rừng, lâu lắm rồi mới có được một mùa nhãn rừng sai hoa như năm nay. Cũng theo ông Châu, năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn hoa rừng dồi dào nên từ đầu mùa đến giờ ông đã quay được 4 lần mật, trung bình cứ sau 5 ngày là các cầu ong đã bắt đầu vít nắp và thường thường ông sẽ để thêm 7-10 ngày để cho mật thật già mới bắt đầu đưa vào quay. Với 200 đàn ong, dự kiến năm nay gia đình ông sẽ thu được khoảng 3 tấn mật, hơn năm ngoái khoảng 0,5 tấn.
Cùng chung niềm vui được mùa mật, chị Đinh Thị Xuân (thôn Sấm 3, xã Cúc Phương) chia sẻ: Năm nay được mùa hoa nên cứ trung bình 10 ngày, đàn ong của gia đình cho quay mật một lần, mỗi đàn mỗi lần quay cho khoảng 1,2-1,5 lít mật. Với 60 đàn ong, riêng từ đầu vụ tới giờ gia đình đã thu hoạch được khoảng 300 lít mật, với giá bình quân 200 nghìn đồng/lít, gia đình bà đã thu về 60 triệu đồng.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình ông Bùi Văn Thuận, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương, vừa hay lúc ông cùng các thành viên HTX tổ chức quay mật, không khí vô cùng nhộn nhịp, ai nấy mỗi người mỗi việc. Trước tiên, một người sẽ mở nắp thùng ong, hun khói nhằm làm dịu bầy ong, sau đó kiểm tra các cầu ong, nếu đạt chất lượng thì sẽ đưa về điểm tập trung để quay mật. Những người còn lại sẽ cắt nắp và cho vào thùng ly tâm để quay mật.
Chia sẻ kinh nghiệm để có được những mẻ mật đạt chất lượng sáng vàng, tinh túy, ông Thuận cho biết: Đầu tiên là phải có đàn ong khỏe mạnh, kế đến là yếu tố thời tiết, nguồn mật, thời tiết nắng ráo, nguồn hoa dồi dào thì mật mới ngon. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phải chọn được thời điểm quay mật phù hợp. Chỉ quay mật khi kiểm tra thấy các cầu ong được vít nắp trên 80% bề mặt. Nếu quay sớm hơn, mật chưa được ong quạt hết hơi nước sẽ loãng, chất lượng không đảm bảo.
Được biết, hiện nay, những người nuôi ong ở xã Cúc Phương đã cùng nhau thành lập HTX, những người có kinh nghiệm sẽ hỗ trợ những hội viên mới về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh, kiểm tra từng tổ ong, hướng dẫn các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật... Vì vậy những năm qua, đàn ong của HTX không bị dịch bệnh, năng suất mật ngày một tăng, chất lượng mật ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, HTX còn đầu tư máy tách thủy phần, tạp chất, chú trọng khâu đóng gói, tem nhãn, bao bì truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.
Không chỉ ở Cúc Phương, phát huy lợi thế tự nhiên có nhiều diện tích núi đá và rừng đặc dụng, với nhiều loài hoa rừng, cây dược liệu, cây ăn quả…, những năm trở lại đây, người dân nhiều xã khác của huyện Nho Quan như Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Lâm, Kỳ Phú, Phú Long... cũng đã đẩy mạnh phát triển đàn ong. Hiện, số lượng đàn ong toàn huyện là gần 13 nghìn đàn. Không chỉ gia tăng về số đàn, hình thức tổ chức sản xuất của người dân cũng trở nên chuyên nghiệp hơn với việc chú trọng đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2019, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Mật ong Cúc Phương dùng cho sản phẩm mật ong sản xuất trên địa bàn huyện.
Giờ đây nuôi ong lấy mật trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững ở huyện miền núi này. Bên cạnh giá trị từ mật, việc nuôi ong mang lại nhiều hiệu quả về môi trường sinh thái như giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ tính đa dạng sinh học của môi trường tự nhiên. Con ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường, đặc biệt là khói bụi và các hóa chất. Vì vậy, người dân sẽ ý thức hơn trong việc giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-nguoi-nuoi-ong-phan-khoi-vao-vu-thu-hoach-mat-848931.htm
Bình luận (0)