Từ một số ngành nghề truyền thống có quy mô nhỏ lẻ, công nghiệp Bình Thuận đã cho thấy những bước tiến đáng ghi nhận và dần khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của địa phương…
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975) trên địa bàn tỉnh ghi nhận có khoảng 500 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu tập trung ở số ngành nghề truyền thống: Sản xuất nước mắm, nước đá, cưa xẻ gỗ, đóng sửa tàu thuyền, sửa chữa ô tô… Tuy nhiên vào thời điểm đó, hầu hết các cơ sở hoạt động theo quy mô gia đình kiểu “cha truyền con nối”, sử dụng thiết bị lạc hậu và thu hút không nhiều lao động tham gia. Còn với tình hình sản xuất điện năng thì càng khó khăn gấp bội do chịu ảnh hưởng bởi bao vây, cấm vận kinh tế nên sản lượng điện không đủ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Kể từ khi chia tách tỉnh vào năm 1992 cho đến nay, ngành công nghiệp Bình Thuận được tập trung đầu tư phát triển nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ. Đồng thời các Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (nay là phát triển công nghiệp) lần lượt được Tỉnh ủy ban hành đã định hướng cho ngành vươn lên mạnh mẽ. Theo đó, cơ cấu nội bộ ngành chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là tăng nhanh tỷ trọng sản xuất điện năng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vị trí chủ đạo của công nghiệp địa phương. Ngoài chế biến nông - hải sản thì công nghiệp địa phương cũng hình thành một số sản phẩm mới: Đồ gỗ trang trí nội thất, giấy dính cao cấp, may mặc, chế biến khoáng sản titan…
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 9 khu công nghiệp (KCN) và hiện có 7 KCN xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng, gồm: KCN Phan Thiết giai đoạn 1, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II, KCN Sông Bình, KCN Tuy Phong, KCN Tân Đức. Còn lại KCN Sơn Mỹ 1 và KCN Sơn Mỹ 2 đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục cho thuê đất… Tính đến cuối năm ngoái, các KCN được đầu tư hạ tầng đã thu hút 89 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký gần 16.825 tỷ đồng và trên 293 triệu USD, trong đó 65 dự án đã đi vào sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động. Đó còn chưa tính 3 dự án (nhà máy nhiệt điện và kho cảng LNG) tại KCN Sơn Mỹ 1 có tổng vốn đăng ký lên đến 5,4 tỷ USD đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được cho thuê đất. Ngoài ra với 15 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng tại địa phương, đến nay cũng thu hút gần 180 dự án, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 lao động.
Đặc biệt trên lĩnh vực năng lượng, nếu như thời điểm năm 1992 toàn tỉnh thống kê có chưa tới 1/2 số xã - phường - thị trấn với 35% tổng số hộ dân được sử dụng nguồn điện, thì nay Bình Thuận đã cho thấy dáng dấp của một trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện gồm 4 nhà máy nhiệt điện, 7 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy điện diesel, 9 nhà máy điện gió, 26 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 6.523,21 MW. Nhờ vậy, Bình Thuận không những cung cấp đủ nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (kể cả huyện đảo Phú Quý) mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Với bước tiến mạnh mẽ, công nghiệp Bình Thuận cũng đang hướng tới trở thành trụ cột và tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vững chắc như kỳ vọng của địa phương. Tin rằng thời gian tới, trụ cột kinh tế này sẽ tiếp tục đạt những thành tựu mới mà nhất là về lĩnh vực có tiềm năng như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Công nghiệp năng lượng, điện (điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG…).
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-cong-nghiep-binh-thuan-nhung-buoc-tien-dang-ghi-nhan-129489.html
Bình luận (0)