Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những 'cánh chim không mỏi' từ nước Mỹ vì nền hòa bình Việt Nam

Ngay trong lòng nước Mỹ, những người bạn lớn của Việt Nam dành hàng chục năm vì công cuộc "chữa lành vết thương" của hai dân tộc nằm cách nhau một vòng đại dương.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế24/04/2025

Phiên thảo luận với chủ đề Ngoại giao Việt Nam và chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Quang Hòa)

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” vào ngày 23/4, do Bộ Ngoại giao tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như ngày hội trở về quê hương của những người con xa xứ, các học giả Mỹ đã chia sẻ nhiều thông điệp xúc động về công cuộc tái thiết, xây dựng quan hệ song phương sau khi chiến tranh bị đẩy lùi.

Hàn gắn vết thương “xuyên Thái Bình Dương”

Virginia B. Foote, Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)
Virginia B. Foote, Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham). (Ảnh: Đào Quang Hòa)

Là người bạn lớn của Việt Nam hơn 30 năm, bà Virginia B. Foote chứng kiến hết những chương sử khó tin của quan hệ Việt-Mỹ, từng bước “vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai”, từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.

Cũng bởi “ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ, nghiện đồ ăn Việt Nam hơn đồ ăn Mỹ”, mà tấm chân tình của bà dành cho đất nước hình chữ S đã chuyển hóa thành nhiều đóng góp cụ thể cho hành trình bình thường hóa và phát triển quan hệ song phương. Vì những nỗ lực không ngừng đó, bà được vinh dự nhận Huân chương Hữu Nghị của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2016.

Nói về chặng đường 30 năm cho “sự khởi đầu của hòa bình thực sự”, bà cho rằng Mỹ và Việt Nam đang chung tay vun đắp tương lai cho một mối quan hệ mới và một nền hòa bình mới. Ngược dòng thời gian, có thể thấy Hiệp định Paris không chỉ chấm dứt chiến tranh, mà còn đặt những viên gạch đầu tiên cho “ngôi nhà” quan hệ song phương vào thời bình. Trong quá trình đàm phán thỏa thuận Paris, hai nước đã thiết lập những mối liên hệ mật thiết, tạo nền tảng cho giai đoạn kế tiếp, xây dựng quan hệ mới tốt đẹp hơn.

Trong suốt bước tiến của quan hệ Việt-Mỹ, không thể thiếu dấu chân đóng góp lặng lẽ mà vĩ đại của thế hệ cựu chiến binh hai nước. Ngay từ thập niên 1980, đã có sợi dây liên hệ đặc biệt thời hậu chiến giữa những người lính vốn từng ở hai bờ chiến tuyến, đan xen trong sứ mệnh chung là giải quyết di sản chiến tranh.

Tại đây, hai nhân vật có tiếng nói trong chính trường Mỹ về hàn gắn vết thương “xuyên Thái Bình Dương” là thượng nghị sĩ John Kerry và thượng nghị sĩ John McCain. Dù nhiều quan điểm mâu thuẫn về cuộc chiến, nhưng hai người đều chung một chí hướng lớn: xây dựng nền hòa bình lâu dài cho quan hệ Việt-Mỹ. Từ đó, hai thượng nghị sĩ nhất trí gạt bỏ bất đồng để cùng vun đắp lý tưởng, với sự chung tay của nhiều cựu binh khác.

Không hoài công sức của những người lính yêu chuộng hòa bình, chính phủ và người dân hai nước đã dắt tay nhau đi qua nhiều bước ngoặt, để rồi đạt được dấu mốc quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và tròn 10 năm sau, mở ra chương mới của quan hệ song phương khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Hợp tác giữa hai nước trải rộng trên đa dạng lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục. “Có được ngày hôm nay, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cả hai phía: từng bộ ngành của Việt Nam và từng cơ quan của Mỹ, để tạo ra mối liên hệ toàn diện, gắn bó, cùng vững vàng vượt qua những năm tháng hậu chiến khó khăn”, bà Virginia B. Foote khẳng định.

37 năm "phá đá mở đường"

a

Ông Tim Rieser, Cố vấn cao cấp của thượng nghị sĩ Peter Welch, Trợ lý cao cấp về chính sách đối ngoại của thượng nghị sĩ Patrick Leahy phát biểu trực tuyến tại Hội thảo.

Cần mẫn và hết lòng vì sự nghiệp hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ trong suốt 37 năm cùng thượng nghị sĩ Patrick Leahy, ông Tim Rieser đã không quản khó nhọc, vất vả để góp sức vào nỗ lực của Washington trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại nước ta. Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, nhưng những đóng góp của ông Tim Rieser trong các dự án rà phá bom mìn, xử lý ô nhiễm chất độc, hỗ trợ người khuyết tật, xác định hài cốt quân nhân Mỹ và Việt Nam mất tích vẫn vẹn nguyên giá trị, góp phần “dọn đường” cho hai nước tiến tới những mốc son mới trong quan hệ song phương.

Theo ông Tim Rieser, việc bình thường hóa quan hệ năm 1995 không chỉ chấm dứt thế đối đầu, mở khóa cánh cửa hy vọng cho tương lai hai nước, mà còn đánh dấu điểm khởi đầu cho công việc kéo dài suốt 37 năm qua giữa ông và thượng nghị sĩ Leahy, kế thừa di sản mà thượng nghị sĩ Kerry và McCain để lại trong hàn gắn vết thương chiến tranh với Việt Nam.

Dù từng đi qua thời chiến, thấu hiểu sâu sắc hệ quả tàn khốc mà cuộc xung đột gây ra với hai dân tộc, thượng nghị sĩ Leahy và ông Tim Rieser chưa bao giờ nghĩ bản thân có cơ hội “phá đá mở đường” cho hợp tác Việt-Mỹ. Nhưng sự kiện bình thường hóa quan hệ đã làm sáng lên những tia hy vọng. Ông Patrick Leahy, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ và phụ tá là ông Tim Rieser đã có thể tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, vốn gây nhiều khó khăn và là “hòn đá tảng” cản bước phát triển quan hệ lên nấc thang mới.

Đặc biệt, hai người có sự sát cánh của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người chung tầm nhìn với thượng nghị sĩ Leahy, muốn hai nước "dìu nhau" đứng dậy khỏi vũng lầy quá khứ, hướng đến “ánh sáng cuối đường hầm”.

Tướng Vịnh và thượng nghị sĩ Leahy có thời gian làm việc rất chặt chẽ và trở thành những người bạn thân thiết. “Trong nhiều năm, chính mối quan hệ ấy đã trở thành động lực cho chúng tôi, cùng với sự hỗ trợ từ USAID, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ, cùng các cơ quan tương ứng của Việt Nam bắt đầu quá trình giải quyết di sản chiến tranh”, ông Tim Rieser chia sẻ.

Từ đây, Mỹ bắt đầu tham gia công việc xử lý và loại bỏ dioxin tại sân bay Đà Nẵng và hiện tiến hành công việc tương tự tại sân bay Biên Hòa. Washington cũng đang triển khai các chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại 10 tỉnh ở Việt Nam, những người bị thương tật nặng cả thể chất lẫn nhận thức do bom mìn hoặc phơi nhiễm chất độc da cam.

Ông Tim Rieser nhấn mạnh, “Trước hết, chúng ta cần thay đổi góc nhìn và cách ứng xử với nhau, do còn tồn tại một số nghi kỵ, oán giận do chiến tranh để lại. Do đó, chúng ta cần thay đổi cách suy nghĩ và tìm ra giải pháp biến nỗi oán giận đó thành cơ hội hợp tác”.

Khơi dậy mạch nguồn phát triển từ Việt Nam

John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD)
Ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển (FRD). (Ảnh: Quang Hòa)

“Tôi phản đối chiến tranh Việt Nam bởi cả cái lý và tình”, đấy là câu nói nổi tiếng của Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển (FRD) John McAuliff trong dịp trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023).

Lời khẳng định trên được ông đúc kết từ quãng thời gian tham gia phong trào phản chiến sôi nổi tại Mỹ từ năm 1967-1975. Chính ông là một trong những người tích cực vận động ký kết Hiệp định Paris năm 1973, góp sức vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam trước thế lực bên kia Thái Bình Dương.

Những năm qua, các hoạt động ngoại giao nhân dân do ông và FRD thực hiện đã giúp kết nối, tăng cường trao đổi giữa những cá nhân, tổ chức phi chính phủ của Mỹ và Việt Nam. Vì những cống hiến đó, ông được trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) năm 2018 và Huân chương Hữu nghị năm 2024.

Phát biểu về “Triển vọng ngoại giao hòa giải của Việt Nam”, ông John McAuliff khẳng định, “Việt Nam là đất nước đã dạy tôi gần như tất cả những gì tôi biết về ngoại giao sáng tạo trong suốt gần 50 năm qua”. Thời gian tới, Việt Nam có thể tận dụng, phát huy vai trò trung gian hòa giải, đối thoại trong xung đột quốc tế, thông qua sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin giữa các nước. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của VUFO trong kết nối, mở rộng mạng lưới đối ngoại giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp thế giới.

Thứ hai, Việt Nam có thể tiến hành công cuộc đổi mới sâu rộng từ bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển, qua đó giải phóng sức sáng tạo và năng lực sản xuất toàn dân, đồng thời vẫn giữ vững giá trị của chủ nghĩa xã hội. “Hãy cho thế giới thấy lợi ích của việc mở cửa với các nguồn đầu tư thương mại. Chính công cuộc Đổi Mới đã góp phần thúc đẩy việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam”.

Thứ ba, Việt Nam có thể phát huy vai trò dẫn dắt, hòa giải, hoàn thành tốt trọng trách quốc tế bên cạnh việc tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chủ động hỗ trợ giải pháp nhân đạo tại các khu vực xung đột.

Nửa thế kỷ trước, nhân dân Việt Nam, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng trên toàn thế giới, thậm chí ngay trong lòng nước Mỹ, đã vượt qua một thế lực được cho là “bất khả chiến bại” sau năm 1945. Ngày nay, ông mong muốn Việt Nam hãy thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong duy trì ổn định, thịnh vượng và khơi dậy khát vọng phát triển cho các quốc gia trên thế giới.

Nguồn: https://baoquocte.vn/nhung-canh-chim-khong-mo-i-tu-nuoc-my-vi-ne-n-ho-a-bi-nh-viet-nam-312147.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm