Tại cảng cá Cà Ná (Thuận Nam), chúng tôi ghi nhận không khí chuẩn bị cho những chuyến biển dài ngày của ngư dân sôi động và khẩn trương vận chuyển nhiên liệu, lương thực lên tàu, chuẩn bị xuất bến ra khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân Nguyễn Văn Minh, thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná cho biết thời điểm này đang cuối vụ cá bấc, tình hình thời tiết trên biển khá thuận lợi, nên 2 chiếc tàu cá của gia đình chuyên hoạt động nghề lưới vây, trong mỗi chuyến đi khoảng 10 ngày, gia đình thu được hơn 40-50 giỏ cá các loại, thu lãi vài chục triệu đồng. Ông Minh chia sẻ: Trước đây, gia đình chủ yếu đánh bắt gần bờ, mặc dù sản lượng đánh bắt được nhiều những giá trị kinh tế lại không cao, nên thu nhập không ổn đinh. Khi có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa, gia đình đã đầu tư đóng 2 chiếc tàu công suất lớn, mỗi chiếc tàu trên 700CV, đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi ra khu vực Trường Sa, DK1... đánh bắt hải sản. Nhờ có ngư trường thuận lợi, 2 tàu vươn khơi đều được nhiều hải sản có giá trị cao, nên mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định khoảng trên 1 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 1.996 tàu cá có chiều dài 6m trở lên; trong đó, tàu cá từ 6m đến 12m có 634 chiếc; tàu cá từ 12m đến 15m có 440 chiếc; tàu cá từ 15m trở lên 892 tàu. Để giúp ngư dân trong tỉnh vươn khơi đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền trên biển, thời gian qua, ngành thủy sản đã tập trung vận động ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu thuyền; tổ chức mở các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt ngư dân trên địa bàn tỉnh, giúp ngư dân nâng cao tay nghề và có điều kiện pháp lý trong việc hành nghề khai thác hải sản; vận động ngư dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và trang bị các thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt hải sản; vận động ngư dân nhân rộng mô hình đánh bắt hiệu quả kết hợp khai thác hải sản với mở rộng chế biến, dịch vụ hậu cần, nhằm hướng tới phát triển nghề cá theo chuỗi giá trị trong khai thác và chế biến hải sản. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận đông ngư dân tham gia khai thác ở vùng biển xa; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin ngư trường đến ngư dân; thành lập các tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển để cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ thông tin trên biển; vận động các chủ tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ngoài ra, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ, tỉnh ta đã tập trung xây dựng hạ tầng cảng cá Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân, hình thành các trung tâm nghề cá và khu neo đậu tránh trú bão đáp ứng được phần lớn nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Qua đó, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng biển, ngoài các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, mở ra cơ hội mới cho kinh tế biển phát triển mạnh mẽ. Trong đó, chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi kịp thời giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho ngư dân có thêm kinh phí sửa chữa, nâng công suất tàu cá lớn hơn để tăng sản lượng đánh bắt. Ngư dân Trịnh Văn Lý, thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná cho biết: Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48 của Chính phủ cho ngư dân có tàu cá công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ đã tạo động lực để mỗi ngư dân đầu tư tàu công suất lớn quyết tâm bám biển, vươn khơi và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên sản lượng khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh hằng năm tăng khá. Chỉ tính riêng trong năm 2024, sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt trên 132.641 tấn hải sản các loại.
Đồng chí Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Thời gian tới, đơn vị tăng cường bám sát địa bàn, thường xuyên nắm bắt tình hình khai thác, kịp thời thông tin ngư trường để ngư dân có kế hoạch di chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý, hiệu quả; chủ động phối hợp với các địa phương ven biển vận động ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa và thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền an ninh biển. Cùng với đó, xây dựng các giải pháp nâng cấp tàu cá, cải tiến ngư lưới cụ, chuyển giao các ứng dụng thiết bị hàng hải hiện đại vào khai thác, hướng tới phát triển nghề cá bền vững, lâu dài.
Nhìn những con tàu vươn ra biển lớn khai thác hải sản mang theo màu cờ Tổ quốc không chỉ tiếp thêm động động lực, khí thế để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển với hy vọng nguồn lợi từ biển sẽ nuôi sống và làm giàu cho người dân các vùng biển mà còn khẳng định những “cốt mốc sống” vững chắc nhất trên biển, đảo Tổ quốc Việt Nam.
Tiến Mạnh
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152414p1c30/nhung-con-tau-vuon-ra-bien-lon.htm
Bình luận (0)