Bàn giao nhà Đại đoàn kết cho 2 hộ gia đình Ma Thàm và Ma Bàng tại thôn Biang, xã Tà Hine, Đức Trọng |
• THÊM NHỮNG CĂN NHÀ ĐƯỢC XÂY MỚI
Khi bước vào ngôi nhà mới của mình vừa được bàn giao, bà Ma Thàm - thôn Biang, xã Tà Hine, Đức Trọng đã không giấu được niềm vui. Theo Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong giữa tháng 3 vừa qua, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện Đức Trọng đã tổ chức trao 2 căn nhà Đại đoàn kết cho hai hộ người dân tộc thiểu số ngụ tại xã Tà Hine. Đó là hộ bà Ma Thàm (hộ nghèo) và hộ bà Ma Bàng (hộ cận nghèo), cả hai đều là người sinh sống tại thôn Biang của xã. Căn nhà Đại đoàn kết của bà Ma Thàm được xây dựng với diện tích 70 m2, tường xây gạch, mái lợp tôn, nền lát gạch bông, trị giá căn nhà là 130 triệu đồng, trong đó, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” của huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình đối ứng. Còn căn nhà Đại đoàn kết của hộ bà Ma Bàng có diện tích 28 m2, tường xây gạch, mái lợp tôn, nền lát gạch bông, trị giá căn nhà là 80 triệu đồng, trong đó, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” Đức Trọng hỗ trợ 50 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình đối ứng.
Như đại diện Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện Đức Trọng cho biết, những căn nhà Đại đoàn kết được trao cho các hộ gia đình khó khăn, không chỉ mang đến niềm vui mà còn tạo thêm niềm tin cho các hộ gia đình, sớm “an cư lạc nghiệp” và có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Trong năm 2024, Lâm Đồng đã tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” do Trung ương phát động trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh cũng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát; tổ chức Lễ tiếp nhận ủng hộ Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tại tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh cho biết, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong 2 năm 2024 và 2025 trên địa bàn tỉnh là 1.972 hộ, trong đó nhu cầu xây mới 1.580 căn nhà; cải tạo, sửa chữa 392 căn nhà với tổng kinh phí là 106,56 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2025, Lâm Đồng đã phân bổ 40,75 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa nhà ở cho 884 hộ, trong đó xây mới 746 căn và sửa chữa 183 căn.
• THÊM NHIỀU XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
Đã có thêm 2 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2024 vừa qua.
Như ngành chức năng tỉnh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể người dân trong tỉnh. Trong tháng 3/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 1668/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn năm 2024, yêu cầu các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục hưởng ứng, đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng NTM”.
Tỉnh cũng đã cho rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí về xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Trong xây dựng NTM, các địa phương phải gắn với thực hiện có hiệu quả về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; vận động và phát huy vai trò chủ thể của người dân; huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Cho đến nay, Lâm Đồng có 106/106 xã đạt chuẩn NTM, 39 xã NTM nâng cao (36,79%), 14 xã NTM kiểu mẫu (13,2%); có 3 huyện đạt chuẩn NTM gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
GIẢM GẦN 1,2% HỘ NGHÈO Lâm Đồng cũng thực hiện tốt Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” từ cấp tỉnh đến cơ sở với các nội dung, hình thức phong phú; thiết thực, phù hợp với thực tiễn của các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng như tuân thủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ngành chức năng, phong trào thi đua được gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Một cuộc rà soát trong cuối năm 2024 đầu năm 2025 của ngành chức năng tỉnh cho biết, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 1,97% (7.122 hộ), giảm 1,19% so với năm 2023; trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 5,47% (4.492 hộ), giảm 3,28% so với năm 2023.
• NÂNG TỶ LỆ THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Phong trào thi đua “Phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” giai đoạn 2023 - 2025 cũng là một điểm sáng của tỉnh trong năm 2024 vừa qua.
UBND tỉnh Lâm Đồng trong đầu năm 2024 đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp. Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương cũng được kiện toàn, có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao ý thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT; công tác truyền thông được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, thường xuyên,chú trọng tính hiệu quả nên đạt được kết quả rất tốt.
Ước tính đến cuối năm 2024, tổng số người tham gia BHXH, BHYT 1.284.863 người, đạt 99,31% kế hoạch năm 2024, tăng 2,24% so với năm 2023 với 28.196 người; trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 102.425 người, đạt 94,71% kế hoạch; số người tham gia BHXH tự nguyện là 20.395 người, đạt 69,49% kế hoạch; số người tham gia BHYT là 1.264.468 người, đạt 100% kế hoạch.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202503/nhung-diem-sang-trong-phong-trao-thi-dua-cua-tinh-91f0d8e/
Bình luận (0)