Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những lá thư chở vận mệnh non sông

Một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc ta là cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở thế kỷ 20. Diệu kỳ thay chúng ta có thể chiêm ngưỡng điều đó qua những lá thư. Đó là thư viết tay, đánh máy của Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi tướng lĩnh, lãnh đạo miền Nam. Thư chuyển những mật lệnh, chỉ thị tối cao, những quan điểm, luận thuyết và cả kỹ chiến thuật chiến đấu. Và thư cũng thấm đẫm tình đồng chí, đồng bào; cũng tha thiết tâm tư một người con nước Việt. Thư đó sau này được in thành tuyển tập “Thư vào Nam” với những giá trị đặc biệt và độc đáo cho hậu thế.

Thời ĐạiThời Đại26/04/2025

Những lá thư chở vận mệnh non sông
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng thăm Sài Gòn - Gia Định sau ngày toàn thắng.

Tầm nhìn thời đại

Đất nước vừa ra đời đã bị dìm vào cơn binh lửa “3000 ngày không nghỉ”. Kháng chiến chống Pháp 9 năm trường đã khiến nhân dân mệt nhọc; kinh tế, lương thực, vũ khí... cạn kiệt. Nhưng chính lúc này, số phận lại đẩy chúng ta vào cuộc chiến mới. Kẻ thủ siêu cường hơn, tham vọng hơn. Trên thế giới lúc này tư tưởng sợ Mỹ, phục Mỹ tràn lan ở nhiều quốc gia. Nhất là nhìn vào tương quan giữa ta và Mỹ, không ít người nao núng.

Lúc đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định chúng ta sẽ chắc chắn chiến thắng. Bởi ông cho rằng: “Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, không có đế quốc nào thua nhiều như Mỹ” và “Hiện nay ở Việt Nam, Mỹ yếu cả chính trị lẫn quân sự” hoặc “Ở đây Mỹ không mạnh về quân sự”.

Tại sao ông lại nhận định như vậy trong khi quân đội Mỹ có lực lượng đa dạng, đông đảo nhất, vũ khí, trình độ tác chiến hiện đại nhất? Trong thư “Gửi anh Bảy Cường” (ngày 10/10/1974) ông chỉ rõ: “Nói đến mạnh yếu là nói về lực lượng so sánh nhất định, trong thời gian và không gian nhất định... Song nói mạnh yếu là theo quan điểm cách mạng, quan điểm phát triển, là căn cứ vào sự đánh giá tổng hợp cả quân sự và chính trị; cả thế, lực và thời cơ, cả điều kiện khách quan và nghệ thuật lãnh đạo; là xem xét các yếu tố ấy trong quá trình vận động; trong không gian và thời gian nhất định. Không thể chỉ lấy số lượng quân đội, đơn vị, đồn bốt, số lượng vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh để so sánh và đánh giá mạnh yếu.”

Qua những phân tích, nhận định theo phương pháp trên, ông kết luận: thất bại của Mỹ là một tất yếu và là một thất bại toàn diện, không chỉ về chính trị mà cả về quân sự. Đánh giá Mỹ chắc chắn thua vì ông còn cho rằng: Khi chiến tranh của Mỹ đã lên đến đỉnh cao, tức là đến giới hạn không thể vượt qua nữa mà vẫn không thể thắng được, thì tất phải xuống thang và chịu thua. Nhận xét về vấn đề này, Viện Mác - Lê Nin đã viết: “Một dân tộc nước không rộng, người không đông như Việt Nam, đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ, mà rút ra được kết luận đó, đương nhiên không phải dễ dàng”.

Tuy nhiên, nhận định của ông không chủ quan, duy ý chí. Bởi ông đánh giá đối phương rất sát thực, khoa học. Ông viết: “Nếu ta đã đánh và thắng Pháp trong chín năm thì phải có hai lần thời gian đó để thắng Mỹ”. Với tiên liệu này, ngay từ năm 1954, khi tiễn các đồng chí của mình tập kết ra Bắc, ông hẹn “20 năm nữa chúng ta lại gặp nhau”. Tức là, ông dự liệu cuộc chiến này ta sẽ thắng lợi nhưng phải 20 năm sau.

Trong thư “Gửi anh Mười Cúc và Trung ương cục miền Nam" (tháng 7/1962) ông phân tích: “Đế quốc Mỹ phải thua nhưng có thể thua đến mức nào. Ta phải thắng nhưng có thể thắng đến mức nào. Đó là điều phải đo lường cho chuẩn xác”. Và sau này ông nói thêm: Chúng ta sẽ thắng Mỹ nhưng không thể thắng theo như kiểu đã thắng Pháp tức là bao vây tiêu diệt. Mà với Mỹ, ta chỉ có thể thắng bằng cách kéo Mỹ xuống nấc thang thấp nhất. Tức là buộc chúng phải từ bỏ tham vọng nô dịch Việt Nam, cuốn cờ về nước.

Đọc “Thư vào Nam” chúng ta có thể cảm nhận được sự quan trọng của vấn đề cơ mật, tính nghiêm cẩn và đanh thép của mệnh lệnh quân sự song ở nhiều thư lại đậm tính học thuật về chiến lược quân sự, triết luận khoa học, chính trị và quan điểm cách mạng.

Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Ông xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là “Không tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng quân sự giải phóng toàn bộ đất nước như Trung Quốc đã làm mà đi theo con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân”. (Thư "Gửi anh Mười Cúc và các đồng chí Nam bộ", ngày 7/2/1961).

Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1979. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Tây Hiếu, tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1979. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ đạo trực tiếp các cuộc chiến tại chiến trường. Và qua từng trận đánh, ông có thể phân tích và nhận định, nắm bắt chuẩn xác cục diện chiến trường. Ông đã khái quát quá trình thất bại của Mỹ trong “chiến tranh đặc biệt” qua một câu ngắn gọn: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong “chiến tranh đặc biệt”. (Thư gửi anh Xuân, tháng 2/1965). Đến trận “Vạn Tường”, ông kết luận ta có thể thắng Mỹ trong chiến tranh cục bộ. Năm 1968, ông nhận định “Mỹ ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược” và “Những cố gắng chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam hiện nay đã tới đỉnh cao nhất”. Khi chúng đã cố gắng nhất mà vẫn không thắng ta, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ thất bại.

Khi giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận mà kết quả bước ngoặt là ép đối phương ký được Hiệp định Pa-ri ông phân tích và chỉ rõ: “Đối với ta, điều quan trọng của hiệp định Pa-ri không phải là chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam Bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn với tiền phương thành một dải liên hoàn thống nhất; thế trận tiến công của ta vẫn vững. Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam đề tiến lên tiếp tục tiến công địch...” (Thư "Gửi anh Bảy Cường", ngày 10/10/1974)

Thời điểm năm 1962, trong thư gửi Bí thư Xứ ủy lúc đó là đồng chí Mười Cúc, ông viết: “Chúng tôi chỉ nhắc lại phải luôn luôn nắm vững phương châm càng đánh càng mạnh, không chắc thắng thì không đánh”. Quan điểm đấu tranh của ông lúc này là lấy chắc chắn làm trọng. Nhưng 10 năm sau, tình thế chiến trường và thế giới đã khác. Nhận thấy thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, ông hạ quyết tâm trong hội nghị Bộ Chính trị và cũng như trong thư “Gửi anh Bảy Cường”, ngày 10/10/1974: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ông phân tích và dự báo thêm: Khi Mỹ thất bại phải rút ra thì khó mà quay trở lại, còn các thế lực xâm lược khác muốn vào “lấp chỗ trống” thì chưa có cơ hội. Nên “ngoài thời cơ này không còn thời cơ nào khác”, “nếu để chậm mươi mười lăm năm nữa thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”. Kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai ba năm, vạch ra từ năm 1974 hết sức tỉ mỉ, quyết tâm nhưng cũng cực kỳ linh hoạt, có độ mở cao để tận dụng tình hình các mặt khác ngoài chiến trường, nội bộ địch, mặt trận ngoại giao, tình hình thế giới... Và vì vậy khi có cơ hội, kế hoạch này liên tục được rút xuống 1 năm, sáu tháng, rồi hai tháng. Tưởng như chủ quan và phiêu lưu nhưng thực chất là ông và Bộ Chính trị đã nhìn thấy được những hiện tượng mới, khả năng mới xuất hiện trên chiến trường thấy được những “trận đánh báo hiệu” các khả năng đó như Phước Long, Buôn Ma Thuột...

Và đến tháng 1/1975, tức là hơn 2 tháng sau hội nghị Bộ Chính trị, ông tuyên lệnh: “Tiến tới trận quyết chiến chiến lược tại sào huyệt cuối cùng của địch bằng con đường nhanh nhất” và “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải "tấn công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp”. (Thư "Gửi anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn" 14 giờ ngày 1/4/1975).

Ông còn đưa ra lý luận về kết thúc chiến tranh, thắng địch một cách bất ngờ và nghệ thuật giải quyết vấn đề này. “Ta không những quyết đánh và quyết thắng Mỹ mà còn phải biết đánh và biết thắng. Đã biết mở đầu đúng, biết đánh lâu dài thì chúng ta phải biết kết thúc đúng”.

Giản dị mà cách mạng

Cách đây 30 năm, những lá thư chỉ đạo chiến trường miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn được công bố. Vì những thư này, trước đó là tài liệu tuyệt mật có tính quyết định số phận cuộc chiến mà rộng hơn là quyết định cả số phận dân tộc lúc đó. Là những tài liệu tuyệt mật, bàn những vấn đề tối cao nhưng không đề nhân danh hay chức vụ, mà chỉ viết “gửi các anh” hoặc “gửi anh”. Dưới thư, bao giờ ông cũng chỉ ký một chữ BA, tức là tên gọi tên mật của ông: Ba Duẩn... Lời đầu thư ông thường vào thẳng vấn đề một cách rất giản dị như “Tình hình chuyển biến mau lẹ” hoặc “Bộ Chính trị đã họp ngày...” hay “Sáng nay tôi vừa nhận được...”. Với những thư gửi cán bộ lãnh đạo các địa phương thì ông thường động viên bằng những dòng thân mật đầu thư như “Các anh thân mến!” hoặc ở cuối thư ông viết “Chào thân ái và quyết thắng”.

Những lá thư chở vận mệnh non sông
Bìa Tuyển tập “Thư vào Nam”.

Đọc “Thư vào Nam” chúng ta có thể cảm nhận được sự quan trọng của vấn đề cơ mật, tính nghiêm cẩn và đanh thép của mệnh lệnh quân sự song ở nhiều thư lại đậm tính học thuật về chiến lược quân sự, triết luận khoa học, chính trị và quan điểm cách mạng. Ở “Thư vào Nam” tuy về cơ bản mang khẩu khí của tác giả là điềm tĩnh, thẳng thắn, trực chỉ, rõ ràng, súc tích... lại mang văn phong của chỉ thị, mệnh lệnh và khoa học chính trị quân sự. Tuy nhiên người đọc vẫn có thể cảm nhận được cảm xúc của ông qua trước những tình hình cách mạng, cục diện chiến trường.

Điều đó được thể hiện rõ nét nhất là những thư chỉ thị cho chiến trường miền Nam giai đoạn cuối năm 1974, đầu năm 1975. Những lá thư hừng hực khí thế và người đọc như được đứng trước ba quân gươm súng sáng lòa, muôn tiếng hò reo và lời hiệu triệu âm vang của thủ lĩnh. Ông viết: “18 giờ ngày 27 tháng 3 năm 1975.... Chiến thắng oanh liệt ở Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên đã tạo ra thời cơ giải phóng Đà Nẵng. Ta phải tập trung lực lượng từ hai phía, từ Thừa Thiên - Huế đánh vào và từ Nam - Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở Đà Nẵng, không cho chúng rút chạy để co cụm về giữ Sài Gòn. Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay... Phải có biện pháp đặc biệt để hành quân nhanh nhất, kịp thời khống chế, chiếm lĩnh các sân bay, bến cảng, bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch...” (Thư “Gửi anh Năm Công và anh Hai Mạnh”).

Trong thư “Gửi anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn” có đoạn: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm. Do vậy Bộ Chính trị quyết định: chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng tư năm nay, không để chậm, hành động phải "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp...”.

Có những lá thư không dài tới 100 chữ, thể hiện tính khẩn cấp và quân lệnh, ông viết “Tình hình chuyển biến nhanh, cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy anh Tuấn nên vào sớm gặp anh Bảy Cường ở Trung ương Cục để bàn ngay kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn. Anh Sáu sẽ vào luôn trong đó họp. Anh Bảy Cường và anh Tư Nguyễn không ra Tây Nguyên nữa” (Thư “Gửi anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn”, 11 giờ ngày 31/3/1975).

Càng gần đến ngày giải phóng, tin thắng trận dồn dập, Tổng Bí thư cũng không giấu niềm vui và lời cổ vũ tướng lĩnh, lãnh đạo miền Nam. Ông thường viết cuối thư: “Tôi gửi đến các anh lời chào quyết thắng”, “Chúc các anh khỏe” hoặc “Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng!”. Và thật hiếm hoi trong thư ông viết như đang nở nụ cười với tướng sĩ: “Bộ Chính trị khen ngợi những chiến thắng giòn giã của quân, dân Khu 5 và chờ tin đại thắng của mặt trận Đà Nẵng.” (Thư "Gửi anh Năm Công và anh Hai Mạnh", ngày 27/3/1975). Hay thư “Gửi anh Bảy Cường” hồi 16 giờ ngày 29/3/1975 ông bày tỏ tình cảm như một người anh viết cho em: “Chúc các anh khỏe và thắng to”.

Và lá thư cuối cùng của ông phải gửi đi cho cuộc chiến này là ngày 30/4 lịch sử. Đó là thư khen của Tồng Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Nguồn: https://thoidai.com.vn/nhung-la-thu-cho-van-menh-non-song-213023.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm