Vướng mắc cả trên thực tế và pháp lý
Thu hút đầu tư vào các dự án điện rác là mục tiêu quan trọng của Việt Nam nhằm giải quyết đồng thời các nhóm vấn đề bức thiết trong bảo vệ môi trường, chống biển đổi khí hậu, phát triển bền vững và xây dựng kinh tế tuần hoàn.
Với các quốc gia đang phát triển, nhu cầu về chuyển dịch đầu tư công sang khu vực tư sẽ tận dụng được nguồn lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm quốc tế về đầu tư, xây dựng, vận hành các dự án điện rác.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các dự án điện rác tại Việt Nam gần như không đạt hiệu quả bởi nhiều rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ, xuất phát từ sự chồng chéo, bất cập, thiếu quy định hướng dẫn chi tiết trong hệ thống pháp luật về đấu thầu, môi trường, quản lý ngân sách, đầu tư…
Thông tin này được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024” và báo cáo “đánh giá về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” ngày 22/4 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo thuộc Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo quy định của pháp luật, dự án đầu tư vào điện rác là lĩnh vực ưu đãi đầu tư Nhà nước muốn khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2023 mới có 15 dự án được triển khai, chỉ có 4 dự án đưa vào phát điện.
Để thực hiện dự án về điện rác sẽ có 3 phương thức: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đối tác công tư PPP, với những dự án hiện có thì chuyển đổi công nghệ.
Theo VCCI, cả 3 phương thức này đều có những điểm vướng cả trên thực tế lẫn pháp lý. Đối với những dự án chuyển đổi công nghệ hoặc lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư phản ánh hiện tại cơ chế pháp lý thiếu cam kết dài hạn với nhà đầu tư.
Theo quy trình của pháp luật, để thực hiện điện rác, nhà đầu tư phải trải qua một quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư. Sau đó, muốn cung cấp dịch vụ xử lý rác thải, nhà đầu tư sẽ phải tham gia đấu thầu hoặc Nhà nước đặt hàng để xử lý rác thải. Nhà nước sẽ thực hiện lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thông qua phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu. Nếu đặt hàng, theo quyết định chỉ giới hạn 1 năm, còn đấu thầu tối đa là 5 năm.
"Thử tưởng tượng xem một nhà đầu tư đầu tư dự án về điện rác cần mức vốn đầu tư cực kỳ lớn nhưng khi họ đã đầu tư xong, cơ chế hoạt động rất ngắn, không bảo đảm chắc chắn rằng sau khi được đấu thầu 5 năm hay đặt hàng theo hàng năm thì họ có tiếp tục được thực hiện tiếp theo không. Bởi vì địa phương vừa là đơn vị cung cấp về nguyên liệu đầu vào vừa là đơn vị sử dụng dịch vụ.
Nếu như địa phương không có cam kết dài hạn kéo dài cả về chiều dài dự án đầu tư thì rõ ràng nhà đầu tư sẽ không nhận thấy tính khả thi của dự án đầu tư. Ngân hàng cũng không nhìn thấy được tính khả thi đầu tư dự án này để cho vay vốn", bà Hồng chia sẻ.
Với đầu tư PPP, thiếu các hướng dẫn chi tiết, đây là khó khăn lớn nhất. Hiện nay Luật PPP hay Nghị định 35 quy định các hình thức đầu tư PPP nhưng chỉ có quy định khung, gây lúng túng cho các địa phương...
Cũng đề cập đến vướng mắc, bất cập trong đầu tư vào điện rác, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho biết, phần lớn các dự án điện rác hiện nay đều đang gặp phải nhiều bế tắc đối với cả nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương khiến cho việc triển khai dự án rất khó khăn và không đạt được tiến độ theo đúng kì vọng.
Bà Hà chỉ ra những rào cản pháp lý đang “kìm chân” nhà đầu tư và gây khó cho cơ quan quản lý địa phương bao gồm quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đấu thầu lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); thiếu quy định, cơ chế để cơ quan có thẩm quyền đưa ra cam kết về khối lượng rác đầu vào cho dự án xử lý CTRSH; thiếu quy định về bảo đảm tài chính, hỗ trợ thu xếp vốn, cơ chế chia sẻ doanh thu; chưa bảo đảm tính khoa học, đồng bộ giữa các quy hoạch liên quan đến quản lý CTRSH.
Liên quan đến quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đấu thầu lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH, bà Hà cho biết: Theo Luật Đầu tư 2020, Luật Đấu thầu 2023 và Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường, dự án xử lý CTRSH phải thực hiện hai thủ tục đấu thầu: lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa phân biệt rõ hai thủ tục này, chưa tính đến đặc thù dự án điện rác, gây vướng mắc cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Việc đấu thầu hằng năm khiến nhà đầu tư đối mặt rủi ro tài chính lớn, do thiếu cam kết ổn định nguồn rác đầu vào.
Đặc biệt, nhiều địa phương vẫn quan ngại về việc phải đấu thầu để bảo đảm giá cạnh tranh qua so sánh giá dịch vụ xử lý CTRSH theo công nghệ lạc hậu với giá dịch vụ xử lý CTRSH theo công nghệ hiện đại để bảo đảm cạnh tranh.
"Chúng tôi cho rằng các quan ngại này là không phù hợp bởi việc tăng chi phí xử lý CTRSH theo công nghệ mới là điều tất yếu khi muốn đạt được mục tiêu thu hẹp dần (tiến đến xoá bỏ) các nhà máy xử lý CTRSH theo công nghệ cũ, lạc hậu để chuyển đổi công nghệ hiện đại theo các chiến lược, mục tiêu về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn", bà Hà phân tích.
Cần bổ sung các cơ chế đặc thù
Để tháo gỡ các rào cản pháp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án điện rác tại Việt Nam, bà Hà kiến nghị bổ sung các cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm cho phép được áp dụng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH đối với các dự án điện rác. Có thể bổ sung các điều kiện chi tiết về áp dụng hình thức đặt hàng, thời điểm và thời hạn đặt hàng, các nguyên tắc về điều chỉnh giá dịch vụ… áp dụng riêng cho dự án điện rác.
Cần có cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm quy định về các hình thức mà cơ quan quản lý địa phương có thể cam kết về việc cung cấp khối lượng rác đầu vào cho các dự án điện rác đã được phê duyệt phù hợp với các quy định có liên quan.
Việc rà soát và hoàn thiện quy hoạch quản lý chất thải cấp tỉnh, vùng, liên vùng cũng cần được lưu tâm.
Ngoài ra, cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và hợp đồng mẫu đối với các dự án điện rác có định hướng kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư tham gia theo hình thức PPP.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/dau-tu/nhung-rao-can-phap-ly-kim-chan-nha-dau-tu-vao-dien-rac/20250422052358225
Bình luận (0)