
Chủ động từ sớm
Sở Xây dựng Hải Phòng đang quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long và 7 tuyến quốc lộ (quốc lộ 5, 10, 17B, 18, 37, 38 và 38B) với tổng chiều dài 382 km; 41 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 811km; 496 km đường đô thị; khoảng 983 km đường thủy nội địa, 4 bến phà lớn gồm (Lại Xuân, Dương Áo, phà Giải, Đồng Bài) cùng hàng loạt công trình công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng và thoát nước đô thị cả phía đông và phía tây thành phố.
Những ngày qua, công tác chuẩn bị ứng phó trước, trong và sau bão được được chủ động triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Từ ngày 17/7, ngành xây dựng thành phố đã kích hoạt chế độ trực 24/24 giờ.
Đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, các đơn vị, nhà thầu quản lý bảo trì cầu, đường bộ tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các điểm có nguy cơ ngập lụt, cây xanh gãy đổ, sạt lở ta luy trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh. Cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở, bảo đảm giao thông, an toàn tại khu vực cảng biển, logistics ven biển, khu hậu cần dịch vụ cảng... Qua rà soát có 34 điểm nguy cơ sạt lở, đã bố trí lực lượng, máy móc, nguyên vật liệu sẵn sàng xử lý nếu có sự cố phát sinh.

Công tác rà soát các điểm nguy cơ ngập úng đô thị cũng được đẩy mạnh. Toàn thành phố có 32 'điểm đen' ngập úng tại các phường Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Gia Viên, An Biên, Đồ Sơn, Hải Dương, Hải Tân… Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước tăng cường các biện pháp bơm tiêu nước đệm trong hệ thống kênh, mương, hồ điều hòa đề phòng ngập úng. Kiểm tra các máy phát điện dự phòng, dự trữ nhiên liệu sẵn sàng hoạt động khi mất điện lưới. Khơi thông dòng chảy, nhất là tại các điểm trọng yếu, trọng điểm dễ gây ngập úng.
Bảo đảm an toàn
Đối với hệ thống giao thông đường thủy, Cảng vụ Đường thủy nội địa Hải Phòng tạm dừng cấp phép cho các phương tiện thủy rời cảng, bến, khu neo đậu kể từ 17 giờ ngày 20/7 nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong điều kiện thời tiết xấu.

Các đơn vị quản lý các bến phà trên địa bàn thành phố tổ chức cấm hoạt động theo các điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy phà hoặc theo chỉ đạo đột xuất của chính quyền địa phương nơi đặt bến phà cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại.
Sở Xây dựng cấm hoạt động phà Giải (vượt sông Lai Vu, trên đường tỉnh 390E, thuộc địa phận xã Hà Nam và xã An Thành) khi gió từ cấp 6 trở lên hoặc lũ báo động từ cấp 2 trở lên; phà Lại Xuân (vượt sông Đá Bạch, trên đường tỉnh 352, thuộc xã Việt Khê, TP Hải Phòng) và phường Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) khi gió từ cấp 5 trở lên hoặc tốc độ dòng chảy từ 2,5 m/s trở lên; phà Dương Áo, vượt sông Văn Úc trên đường tỉnh 363, thuộc xã Kiến Hưng và xã Hùng Thắng khi sức gió từ cấp 4 trở lên hoặc tốc độ dòng chảy từ 2,5 m/s trở lên; phà Đồng Bài – Cái Viềng (ven biển, trên đường tỉnh 356, thuộc đặc khu Cát Hải) khi gió từ cấp 4 trở lên, có sóng chiều chao sóng từ 0,8 - 1m.
Các đơn vị quản lý bến phà tổ chức neo giữ phương tiện chắc chắn, quản lý, tổ chức trực chỉ huy tại bến, sẵn sàng điều động nhân lực, phương tiện phà tham gia các hoạt động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khi chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền yêu cầu.
Các đơn vị quản lý các cầu vượt sông tổ chức cấm các phương tiện lưu thông qua các cầu lớn vượt sông theo các điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khai thác hoặc theo chỉ đạo đột xuất của chính quyền địa phương nơi cầu đi qua cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại.
Các cầu có thiết kế đặc biệt gồm cầu Hoàng Văn Thụ, Đình Vũ – Cát Hải, Kiền, Bính khi tốc độ gió lớn hơn từ 15 m/s đến dưới 20 m/s thì phải cấm xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, thô sơ, người đi bộ qua cầu. Khi tốc độ gió lớn hơn 20 m/s đo trên mặt cầu thì phải đóng cầu, cấm toàn bộ người và phương tiện qua cầu...
Các đơn vị quản lý cầu vượt sông sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ các biện pháp để cấm cầu theo các điều kiện thời tiết, chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, công an khu vực để tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình cầu.

Một trong những nguy cơ lớn trong bão là tình trạng cây xanh bị bật gốc, gãy đổ gây cản trở giao thông, mất an toàn. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, các công ty phối hợp với cơ quan liên quan xử lý hơn 800 cây sâu mục; cắt tỉa, thu gọn tán hơn 2.800 cây, chằng chống hơn 4.400 cây; tiếp tục kiểm tra, cắt tỉa thu gọn tán cây bóng mát, chằng chống cây bóng mát, cây cảnh đến sát thời điểm bão đổ bộ.
HÀ NGANguồn: https://baohaiphongplus.vn/no-luc-bao-dam-giao-thong-thong-suot-khi-mua-bao-416899.html
Bình luận (0)