Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với các sở ngành tích cực tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chương trình. Các văn bản được ban hành kịp thời, đầy đủ là căn cứ pháp lý quan trọng để các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các cấp thực hiện chương trình và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” sâu rộng, hiệu quả. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình đã cấp phát 600 cuốn "Kỷ yếu các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025".
Cập nhật tin tức, kết quả, văn bản, quy định, hướng dẫn về xây dựng nông thôn mới trên cổng thông tin điện tử Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thô mới tỉnh Quảng Bình (website: nongthonmoiquangbinh.vn). Các sở, ngành, đoàn thể cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối về nông thôn mới. Các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các sự kiện, các ngày lễ hội, xây dựng các pano áp phích, cấp phát tờ rơi; các phòng ban đoàn thể cấp huyện tuyên truyền thực hiện chương trình thông qua các hoạt động như: Đoàn thanh niên phát động thực hiện Phong trào thắp sáng đường quê; Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức phong trào xây dựng đoạn đường kiểu mẫu, đường hoa…qua đó nâng cao nhận thức, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần huy động sự vào cuộc của người dân.
Tỉnh Quảng Bình cũng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Địa phương đã mua sắm trang thiết bị (lắp đặt hệ thống wifi công cộng) và xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng xã thông minh; tạo lập dữ liệu số. Bên cạnh đó, Quảng Bình áp dụng khoa học vào thực tiễn các hạng mục công trình để xây dựng nông thôn mới cụ thể ở từng địa phương như: Cơ sở sản xuất chả các xã Hải Phú; cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Ngọc Biển, xã Thanh Trạch; cơ sở kinh doanh và chế biến thủy sản xã Thanh Trạch và cơ sở kinh doanh và chế biến thủy sản xã Cảnh Dương...
Quảng Bình cũng gắn việc xây dựng nông thôn mới với chương trình phát triển du lịch của tỉnh. Trong thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã phối hợp triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đến cuối năm 2025 tại Kế hoạch số 667/KH-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh.
Đến hết năm 2024, đã triển khai được tất cả các công việc của kế hoạch, cụ thể: Làng Du lịch Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là làng Du lịch tốt nhất tại kỳ bầu chọn năm 2023; Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và cập nhật bản đồ số du lịch Quảng Bình đã triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2025. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển mô hình làng văn hóa du lịch tại xã Cảnh Dương và Mai Thủy; phát triển mô hình du lịch thích ứng thời tiết, hình thành Làng du lịch nông thôn tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa...
Đến nay, Quảng Bình đã có 100% số xã hoàn thành tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới. Các khu vực dân cư nông thôn, các điểm dịch vụ thương mại, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn đang được tổ chức lập theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Tại nhiều vùng nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn phục vụ thiết thực hơn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, cụ thể. Giao thông nông thôn đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều địa phương đã lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn đầu tư để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông. Hạ tầng thủy lợi từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhờ tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa nên đến nay toàn tỉnh có có 154 hồ chứa các loại; 193 đập dâng; 296 trạm bơm, 348 cống đầu mối, 81 cống qua đê và 1.934 km kênh mương các loại cung cấp nước tưới cho hơn 52.000ha lúa, 600ha màu, cấp nước sinh hoạt cho hơn 600.000 dân. Tỷ lệ tưới tiêu chủ động được giữ vững 98% góp phần phát triển đa dạng, tăng năng suất cây trồng, tạo điều kiện thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối hoàn thiện, thường xuyên được quan tâm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng. 100% xã có điện đến trung tâm xã, với hơn 99,26% số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia; một số thôn, bản khác đã được cấp điện bằng nguồn năng lượng mặt trời.
Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các địa phương ở Quảng Bình đã chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các phòng ban cấp huyện lập quy hoạch sử dụng đất, trong đó ưu tiên nhu cầu mở rộng các điểm trường; thiết kế xây dựng trường học đảm bảo tiêu chuẩn quy định; chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư các hạng mục công trình cơ bản gồm: xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phòng học, phòng học bộ môn, khối phụ trợ, nhà vệ sinh...
Việc huy động nguồn lực của toàn xã hội cho việc cải tạo, nâng cấp và trang bị mới các thiết chế văn hóa ở các thôn, bản; hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh. Đặc biệt các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản đã phát huy công năng, hiệu quả sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân...
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/nong-thon-moi-thuc-su-cai-thien-doi-song-nguoi-dan-i768951/
Bình luận (0)