(QBĐT) - Giờ đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở huyện Lệ Thủy không còn cảnh phải đi xa lấy nước để phục vụ cho sinh hoạt. Bà con đã được hưởng trọn niềm vui khi nước sạch đã về đến tận bản, tận gia đình, không chỉ giải quyết nhu cầu thiết yếu mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống…
Người dân hưởng lợi
Từ bao thế hệ nay, gia đình ông Hồ Văn Tình, bản Khe Sung, xã Ngân Thủy hàng ngày phải đi bộ với quãng đường gần 1km để xuống con suối phía trước nhà để tắm giặt và lấy nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
“Bà con ĐBDTTS mình ở đây quen với nếp sống như vậy rồi. Mọi thứ liên quan đến sinh hoạt gia đình đều dựa vào nguồn nước suối. Nhưng khổ nhất là vào mùa hè thiếu nước, bà con phải đi từng khe suối để tìm nước. Rồi mùa mưa lũ nước đục ngàu, cuộn đỏ, người dân, gia súc cũng phải dựa vào nguồn nước đó để dùng…”, Hồ Văn Tình chia sẻ.
Trưởng bản Khe Sung Hồ Văn Sơn bảo rằng, không riêng gì gia đình ông Hồ Văn Tình, mà cả 41 hộ dân với khoảng 130 nhân khẩu của bản Khe Sung đều cùng chung một thói quen hàng thập kỷ khó bỏ ấy. Vì thế, chất lượng cuộc sống của người dân ở bản Khe Sung chưa được nâng cao, người dân hay mắc các bệnh về đường tiêu hóa do sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh…
|
“Nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư, đầu năm 2024, hệ thống nước sinh hoạt tập trung cho bà con dân bản Khe Sung được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Đến cuối năm, công trình hoàn thành, bà con dân bản Khe Sung vui lắm vì có nước bảo đảm vệ sinh dùng ngay tại nhà”, Trưởng bản Khe Sung thông tin.
Mở vòi nước sạch được bắt ngay sát tận chân nhà sàn để chuẩn bị giặt giũ áo quần, chị Hồ Giang, bản Ho Rum ở xã Kim Thủy vui mừng bộc bạch: “Với mỗi hộ dân trong bản, nhất là những người phụ nữ quanh năm chỉ ở nhà theo việc nương rẫy, bếp núc thì việc được dùng nước sạch thoải mái có lẽ là điều đáng mừng nhất. Từ xưa đến nay, nguồn nước sinh hoạt của gia đình mình và mọi người ở bản đều trông chờ vào nguồn nước suối. Có những năm ít mưa, bà con mình phải đi hơn 2km vào đầu nguồn chở từng can nước về sử dụng. Thiếu nước nên cuộc sống, sinh hoạt của gia đình cũng cực lắm. Bây giờ thì có nguồn nước bảo đảm vệ sinh đã được dẫn về tận nhà, nước chảy rất mạnh, bà con trong bản ai cũng phấn khởi…”.
Theo Bí thư Chi bộ bản Ho Rum Hồ Văn Vàng, cả bản có 111 hộ, đa số là ĐBDT Bru-Vân Kiều, đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, không chỉ vào mùa hè, người dân trong bản phải tiết kiệm nước tắm rửa, giặt giũ, thậm chí, nhiều khi nước uống cũng hiếm. Bản cũng từng có công trình nước sạch nhưng trải qua thời gian dài sử dụng cụng bị hư hỏng. Với sự quan tâm của Nhà nước, dân bản Ho Rum được hỗ trợ một công trình nước sinh hoạt tập trung trị giá 1,4 tỷ đồng. Bây giờ có nước bảo đảm vệ sinh ngay trong bản, bà con không phải lo lắng việc đi lấy nước sinh hoạt như trước đây nữa…
Đầu tư đúng, hiệu quả
Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Lệ Thủy Võ Minh Hải thông tin, địa phương hiện có 3 xã vùng ĐBDTTS là Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy. Vùng ĐBDTTS huyện Lệ Thủy có 24 thôn, bản; có hơn 2.200 hộ dân với hơn 8.300 người, trong đó, có 1.588 hộ ĐBDTTS với hơn 6.200 người. Tổng số hộ nghèo là hơn 800 hộ; hộ cận nghèo hơn 360 hộ…
“ĐBDTTS sinh sống tại các địa phương đa số chủ yếu làm nương rẫy và một phần ruộng nước. Tuy nhiên, trình độ dân trí còn thấp nên đời sống của ĐBDT gặp nhiều khó khăn, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp nhưng chưa phát triển. Những năm qua, cơ sở hạ tầng thiết yếu mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng song vẫn chưa đồng bộ; kinh tế-xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với mặt bằng chung của toàn huyện…”, Võ Minh Hải cho biết.
“Các công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân vùng ĐBDTTS đi vào vận hành đã góp phần duy trì tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Lệ Thủy tăng lên. Nước sạch về bản không chỉ giải cơn “khát” nước cho đồng bào vùng cao mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho vùng ĐBDTTS và miền núi…”, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Lệ Thủy phụ trách cơ sở Nguyễn Thanh Đức khẳng định. |
Từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Lệ Thủy đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, tập trung vào hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, cầu dân sinh, nhà văn hóa, trường học với số vốn hơn 171 tỷ đồng; đồng thời triển khai xây dựng, hoàn thành các công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Mới, Xà Khía, Tăng Ký (Lâm Thủy); Trung Đoàn, Ho Rum (Kim Thủy); Khe Sung, Khe Giữa (Ngân Thủy), góp phần bảo đảm nước sinh hoạt cho một bộ phận người dân…
Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy Hồ Văn Núi đánh giá, các công trình nước sinh hoạt tập trung triển khai thực hiện tại địa phương nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 không chỉ giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống, củng cố niềm tin của đồng bào với cấp ủy, chính quyền các cấp…
“Việc đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBDTTS được xem là thực hiện đúng, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện, chất lượng nguồn nước vẫn chưa được bảo đảm, nhiều tuyến nước đi vào hoạt động bắt đầu có sự cố. Để phát huy hiệu quả hơn nữa các công trình, trước hết, cần nhanh chóng thành lập các tổ tự quản nhằm phục vụ công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa khi có sự cố xảy ra. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền người dân quản lý, bảo vệ công trình…”, ông Hồ Văn Núi cho hay.
Ngọc Hải
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202504/nuoc-sach-ve-ban-2225625/
Bình luận (0)