Bè nuôi cá lồng của người dân xã Trung Xuân (Quan Hóa).
Tại xã Trung Xuân (Quan Sơn), mặt nước hồ thủy điện Trung Xuân đang trở thành vùng nuôi trồng thủy sản tiềm năng. Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các bản Phụn, Piềng Phố, Muỗng... đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Điển hình là gia đình ông Lò Văn Minh ở bản Piềng Phố - người tiên phong nuôi cá lồng trên hồ từ năm 2020. Ông Minh đầu tư nuôi các loài cá như trắm cỏ, trắm đen, rô phi đơn tính, cá nheo... cho hiệu quả kinh tế ổn định. Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các kỹ thuật đã học được từ các lớp tập huấn, ông Minh còn chủ động tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, mạng internet để nâng cao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Gần đây, ông bắt đầu thử nghiệm nuôi cá lăng, giống cá mới tại địa phương, có ưu điểm dễ nuôi, ít dịch bệnh và cho thu hoạch chỉ sau 5 - 6 tháng. Ông Minh hy vọng giống cá mới sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với những loại cá truyền thống.
Nhằm hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, xã Trung Xuân đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng. Các thành viên trong tổ hợp tác được hỗ trợ toàn diện từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xã cũng đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Tính đến nay, toàn xã có khoảng 80 hộ tham gia nuôi cá lồng với 90 lồng nuôi. Sản lượng cá thương phẩm hàng năm đạt khoảng 15 tấn, doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng. Nghề nuôi cá lồng không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn từng bước hình thành vùng nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
Mô hình nuôi cá lồng bè cũng đang phát triển mạnh tại huyện Quan Hóa, đặc biệt ở khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Trước đây, nhiều hộ dân nơi đây sống dựa vào việc đánh bắt thủy sản bằng phương thức tận diệt, tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sinh. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, người dân đã dần chuyển sang nuôi cá lồng, vừa khai thác hiệu quả mặt nước hồ chứa, vừa tạo sinh kế ổn định, bền vững hơn. Hiện nay, khu vực lòng hồ có gần 50 hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng, với hơn 110 lồng nuôi, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân. Ông Nguyễn Biên Cương ở bản Tà Bán, xã Trung Sơn là một trong những hộ tiên phong. Năm 2020 ông đầu tư nuôi thử 2 lồng cá. Do chưa có kinh nghiệm, ban đầu ông đặt lồng ở vị trí không phù hợp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa bão và rác trôi. Sau khi được hỗ trợ kỹ thuật, ông đã di chuyển lồng nuôi đến khu vực ổn định hơn. Nhờ đó, cá phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Từ 2 lồng ban đầu, hiện nay ông đã phát triển lên 9 lồng, nuôi các loại cá như trắm, chép, lăng đen, lăng hoa... sản lượng từ 5 - 6 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt khoảng 180 triệu đồng/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn Ngô Sỹ Tâm cho biết: Việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Trung Sơn đã khai thác được lợi thế về mặt nước, giúp người dân tăng thu nhập rõ rệt. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích mở rộng mô hình, đồng thời tăng cường quản lý vùng nuôi, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương.
Tại huyện miền núi Bá Thước, vài năm trở lại đây người dân đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Để góp phần tăng năng suất, sản lượng, UBND huyện Bá Thước đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người nuôi kỹ thuật chọn cá giống, mật độ thả cá, quy trình chăm sóc, thường xuyên làm vệ sinh lồng nuôi để bảo đảm nước lưu thông tốt, cung cấp đủ ô xy cho cá và cách phòng trừ dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện có gần 105 hộ dân tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Bá Thước với hàng trăm lồng nuôi.
Nhằm khai thác tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước để phát triển nuôi cá lồng thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ngày 28/12/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4716/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi cá lồng đạt 200ha, với 3.700 lồng, sản lượng đạt 6.650 tấn, giải quyết việc làm cho trên 5.800 lao động. Đến năm 2030, diện tích nuôi cá đạt hơn 310ha, với 5.340 lồng, sản lượng 13.600 tấn, giải quyết việc làm cho trên 9.000 lao động.
Với trên 610 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đây là dư địa lớn để người dân phát triển nghề nuôi cá lồng bè theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển ổn định, lâu dài, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng trong công tác quy hoạch, tổ chức vùng nuôi hợp lý. Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm chắc quy trình kỹ thuật, cần khuyến khích đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Khi nghề nuôi cá lồng được phát triển đồng bộ sẽ là hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo và XDNTM.
Bài và ảnh: Đình Giang
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nuoi-ca-long-tren-ho-thuy-loi-thuy-dien-247820.htm
Bình luận (0)