Thầy Sùng A Chai trong giờ lên lớp. Ảnh: Đình Giang
Đường vào bản Tà Cóm, xã Trung Lý không hề dễ dàng. Theo Quốc lộ 16 qua cầu Chiềng Nưa vào bản Mau, xã Mường Lý, rồi xuống đò vượt sông Mã mới đến được Tà Cóm.
Điểm trường Tà Cóm nơi tôi đến thuộc Trường Tiểu học Trung Lý 2, có 89 học sinh chia thành 5 lớp do 5 thầy giáo đảm nhiệm. Do khó khăn về địa hình, địa bàn, nên giáo viên cắm bản nơi đây đều là nam giới. Thường ngày lên lớp, cuối tuần các thầy lại thay nhau qua sông Mã sang trung tâm xã Trung Lý để mua thực phẩm. Khó khăn nhất với các thầy chính là sóng điện thoại chập chờn, mạng internet yếu, khiến việc giao ban trực tuyến với ban giám hiệu nhà trường và tiếp cận thông tin trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn. Tranh thủ học sinh ra chơi giữa giờ, tôi gặp thầy Sùng A Chai - người dân tộc Mông, được giao nhiệm vụ giảng dạy học sinh lớp 3. Thầy Chai chia sẻ: "Dù có nhiều khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ bề, nhưng được đứng lớp mang con chữ đến với các em người dân tộc Mông là tâm nguyện không chỉ riêng tôi, mà là của tất cả các thầy giáo ở điểm trường Tà Cóm. Vì là bản vùng khó, phụ huynh chưa chú trọng đến việc học cái chữ của con em nên vào thời gian đầu năm học hoặc sau Tết Nguyên đán các thầy lại phải đến từng hộ vận động. Mình là người dân tộc Mông nên đến trò chuyện cùng bà con có phần lợi ngôn, dễ hòa đồng hơn. Đa phần, sau khi vận động phụ huynh đều cho con em đến trường”.
Xế chiều, tôi có mặt ở điểm trường Pa Búa - điểm lẻ khác của Trường Tiểu học Trung Lý 2. Nơi đây có 4 thầy, cô giáo trẻ đang gắn bó từng ngày với gần 100 học sinh. Các thầy, cô giáo đều là con em của huyện Mường Lát. Trong đó, tôi khá ấn tượng với thầy Va Văn Tuấn - người dân tộc Mông ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi. Thầy là con thứ 9 trong gia đình có 10 anh, chị, em. Câu chuyện từ thầy Tuấn cho tôi thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể chạm đến ước mơ trở thành giáo viên. Gia đình thầy vốn nghèo khó. Vậy nhưng bố mẹ lại luôn động viên thầy cố gắng học hành. Vì thế cả bản Cá Nọi có mỗi thầy là vào được đại học. Theo thầy Tuấn, “Nuôi chữ" cho mình đã khó, “gieo chữ” cho thế hệ sau còn gian nan hơn nhiều. Học sinh ở đây “thương” cái chữ thật đấy, nhưng các em có thể bỏ học bất cứ lúc nào vì nghèo, vì thiên tai, vì không ai đưa đón".
Trò chuyện cùng chúng tôi, em Sùng Thị Dua, học sinh lớp 4, thỏ thẻ cho biết: “Em thích đến trường vì được học chữ, học hát, học kể chuyện. Thầy Tuấn dạy rất hay. Lớn lên em cũng muốn làm cô giáo để dạy các em nhỏ giống như thầy”.
Được gặp gỡ, trò chuyện với thầy, cô giáo cho tôi hiểu thêm những gian nan, vất vả trên hành trình “gieo chữ” nơi biên cương. Họ không chỉ “gieo chữ”, mà còn gieo những mầm hy vọng, thắp sáng giấc mơ cho các em nhỏ ở những bản làng nơi lưng chừng núi của huyện Mường Lát.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát Lê Trung Kiên, cho biết: Qua rà soát, bậc học mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Mường Lát hiện có 124 điểm trường, bao gồm cả điểm trường chính và lẻ. Số lượng các điểm lẻ còn lớn gây ra không ít khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên. Việc giáo viên miền xuôi lên công tác ngày càng giảm, số lượng giáo viên thuyên chuyển về xuôi nhiều, nên những thầy, cô giáo là người bản địa là giải pháp ưu tiên trong tuyển dụng của huyện Mường Lát. Đây cũng là minh chứng cho giáo dục vùng biên Mường Lát đang có sự đổi thay, khởi sắc rõ rệt.
Đình Giang
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nuoi-chu-de-gieo-chu-246674.htm
Bình luận (0)