Không gian trưng bày ngành Than tại Bảo tàng Quảng Ninh không chỉ cuốn hút bởi thiết kế hiện đại mang dấu ấn của các kiến trúc sư tài hoa mà còn bởi chiều sâu nội dung được xây dựng công phu, từ sự cộng tác của các chuyên gia, cán bộ ngành Than và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Không gian trưng bày này chiếm hơn 40% tổng diện tích trưng bày ở tầng 3 của Bảo tàng Quảng Ninh, rộng gần 1.000m2 với khoảng trên 300 ảnh, tư liệu và 200 hiện vật được bố trí, sắp xếp theo tiến trình lịch sử từ thời kỳ Pháp thuộc đến hiện đại.
Bước chân vào không gian này, điều đầu tiên gây ấn tượng với du khách là bức phù điêu than đá “Vinh quang thợ mỏ Việt Nam” phía trên khắc dòng chữ đỏ nổi bật: “Kỷ luật và Đồng tâm” - khẩu hiệu bất diệt đã trở thành linh hồn, gắn bó máu thịt với bao thế hệ thợ mỏ Quảng Ninh. Từ biểu tượng ấy, du khách được dẫn dắt vào hành trình khám phá về lịch sử hình thành, phát triển của ngành Than. Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh không chỉ đơn thuần là minh chứng của quá khứ mà còn là “người kể chuyện” thầm lặng, truyền tải trọn vẹn khí chất kiên cường, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước nồng nàn của những người thợ mỏ đã góp phần làm nên bản sắc Vùng mỏ.
Điểm nhấn của không gian trưng bày là sa bàn mô phỏng quá trình khai thác than lộ thiên, tái hiện khai trường của mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV) - đơn vị giành nhiều kỷ lục về phong trào thi đua sản xuất, khai thác than của ngành Than. Đặc biệt, trải nghiệm “thử làm thợ lò” tại không gian mô phỏng đường lò thực tế giúp du khách hình dung rõ hơn về từng công đoạn khai thác, từng giai đoạn sản xuất của ngành Than, từ hiện đại quay ngược trở về thời kỳ Pháp thuộc khi công nhân phải làm việc trong những đường lò ẩm thấp, chật hẹp, hoàn toàn thủ công hết sức nặng nhọc song vẫn bị chủ mỏ bóc lột, đánh đập, bớt xén tiền lương…
Nhờ đó, du khách thêm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về một ngành công nghiệp đã trải qua biết bao thăng trầm, từng giai đoạn lịch sử oanh liệt của đội ngũ công nhân mỏ dưới ách thống trị của thực dân. Họ đã sống, chiến đấu, lao động trong gian khổ, hiểm nguy, nhưng vẫn giữ vững tinh thần quật cường, bền bỉ như chính những lớp than đen lấp lánh sâu thẳm dưới lòng đất.
Từng là bộ đội hải quân công tác tại Quảng Ninh năm 1981, ông Cao Văn Nam (tỉnh Nam Định) đã được nghe nhiều câu chuyện về ngành Than trong những năm tháng quân ngũ, và nhân dịp đặc biệt kỷ niệm 70 năm Giải phóng Vùng mỏ 25/4 (1955-2025), ông quyết định cùng con trai trở lại Quảng Ninh, ghé thăm Bảo tàng như một cách tri ân quá khứ. Ông Nam chia sẻ: Dù chỉ là tìm hiểu thông qua mô hình mô phỏng, song tôi vẫn cảm nhận được phần nào sự khắc nghiệt, gian lao mà những người thợ mỏ phải đối mặt khi làm việc trong lòng đất sâu hàng trăm mét, thiếu ánh sáng, thiếu không khí. Tôi thực sự khâm phục những con người anh hùng ấy, những người đã âm thầm tạo ra nguồn “vàng đen” quý giá để dựng xây đất nước.
Bên cạnh đó, chiếm phần nửa không gian trưng bày là nhiều hiện vật, tư liệu hình ảnh về phong trào vô sản hóa, cuộc tổng bãi công tháng 11/1936, những năm tháng kháng chiến, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đến thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ và công cuộc xây dựng, phát triển ngành Than trong thời kỳ mới. Qua từng hình ảnh, tư liệu, câu chuyện về cuộc sống cơ cực, bị áp bức của phu mỏ dưới ách thực dân được tái hiện chân thực, hun đúc nên tinh thần phản kháng và khát vọng tự do. Từ đó, người thợ mỏ biết đoàn kết, đứng lên đấu tranh mạnh mẽ, viết nên bản anh hùng ca về tinh thần kiên cường, đoàn kết, tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” và những chiến công vẻ vang của người thợ mỏ Quảng Ninh.
Ngoài ra, hiện vật “kể chuyện” về ngành Than còn được bố trí tại nhiều tầng và vị trí khác trong Bảo tàng. Nổi bật là hai khối than đá Antraxit khổng lồ, khai thác năm 2012 ở độ sâu 176m tại công trường xúc Tả Ngạn (Công ty CP Than Cọc Sáu, nay là Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV), được đặt trang trọng trước cửa Bảo tàng. Đặc biệt, bức tượng Bác Hồ bằng than đá do một công nhân ở Cẩm Phả tạc và gửi tặng khi Bác ở Chiến khu Việt Bắc năm 1951 là một hiện vật quý giá, giàu ý nghĩa. Sau hành trình lưu lạc qua nhiều nơi, bức tượng đã được sưu tầm trở lại Bảo tàng Quảng Ninh, như một biểu tượng thiêng liêng của tình cảm, trí tuệ và bàn tay người thợ mỏ dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Không gian trưng bày về ngành Than tại Bảo tàng Quảng Ninh đã trở thành một “bảo tàng ký ức sống”, là địa chỉ giáo dục văn hóa, lịch sử ý nghĩa, nơi người xem có thể cảm nhận được chiều sâu lịch sử, tinh thần bất khuất và phẩm chất cao đẹp của người thợ mỏ vùng Đông Bắc. Mỗi hiện vật, tư liệu không chỉ kể lại lịch sử vẻ vang của ngành Than, mà còn lan tỏa tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm”, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng và ý chí kiên cường của người thợ mỏ Quảng Ninh. Ghé thăm nơi đây không chỉ để hiểu hơn về một ngành công nghiệp trọng yếu, mà còn là hành trình trở về với cội nguồn, để thêm yêu, thêm tự hào về con người và Vùng mỏ anh hùng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/o-noi-luu-giu-ky-uc-vung-mo-3354859.html
Bình luận (0)