Chiều 1-7, tại TP Đà Nẵng diễn ra hội thảo “Phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF 2025).
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, mô hình đào tạo hiệu quả, đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Xây dựng thế hệ nhà làm phim mới
Với tham luận “Xây dựng thế hệ nhà làm phim mới: Học hỏi quốc tế và mở rộng hợp tác”, PGS.TS. NGƯT Phan Thị Bích Hà cho rằng, việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh trẻ không chỉ là nhiệm vụ của các trường đào tạo mà cần có sự trợ giúp của nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp.

Theo bà Phan Thị Bích Hà, trong những năm gần đây, ngành điện ảnh toàn cầu đang trải qua những chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ, nội dung và hình thức sản xuất, phát hành phim. Bài toán đặt ra về việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng.
“Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để nuôi dưỡng được các nhà làm phim trẻ tài năng, cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ đào tạo, cố vấn, hỗ trợ tài chính, đến tạo cơ hội trình chiếu tác phẩm và các cơ duyên để phát triển nghề nghiệp. Với tiềm năng sáng tạo phong phú, Việt Nam có khả năng hình thành một thế hệ các nhà làm phim mới giàu bản sắc, có sáng tạo, biết hội nhập, nếu có những chính sách đồng bộ và sự đầu tư có hệ thống trong thời gian tới”, bà Phan Thị Bích Hà nêu.
Tại hội thảo, Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng có những chia sẻ về “Kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo ngành học làm phim trong môi trường đại học đa ngành”.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng, việc thực hành từ sớm giúp sinh viên hình thành tư duy làm việc chuyên nghiệp và xây dựng được mạng lưới cộng sự cho mình. Ngoài ra, liên kết mạnh mẽ với ngành công nghiệp điện ảnh trong nước và hệ thống liên hoan phim quốc tế sẽ giúp sinh viên hình thành thái độ nghề nghiệp và cập nhật dòng chảy điện ảnh đương đại.
Cần chính hỗ trợ thế hệ làm phim trẻ
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết, mà còn là chiến lược lâu dài để xây dựng một nền điện ảnh phát triển bền vững, sáng tạo và hội nhập.

Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư vào con người - từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên đến kỹ thuật viên - chính là nền tảng để tạo nên những tác phẩm có sức lan tỏa.
Theo bà Thi, hiện nay, TP Đà Nẵng đang từng bước xây dựng hệ sinh thái văn hóa sáng tạo, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh.
“Chúng tôi nhận thức rõ rằng, để phát triển điện ảnh, không thể thiếu những chính sách hỗ trợ thiết thực cho thế hệ làm phim trẻ. Từ đào tạo, kết nối quốc tế đến tạo điều kiện sản xuất và phát hành. TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức điện ảnh, các trường đào tạo và cộng đồng sáng tạo để xây dựng môi trường thuận lợi cho tài năng phát triển”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của ngành điện ảnh, qua đó giúp những thế hệ làm phim tiếp cận các mô hình phát triển hiệu quả từ các quốc gia, mở rộng thị trường và cơ hội hợp tác. Đồng thời, góp phần xây dựng chính sách hỗ trợ ngành điện ảnh, tạo hành lang pháp lý phù hợp để thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/phat-hien-va-boi-duong-nhung-tai-nang-dien-anh-tre-post802080.html
Bình luận (0)