Thông qua tổ TK&VV tại khu phố 12, phường Quang Trung, TP Uông Bí, bà Đỗ Thị Na, Chủ hộ kinh doanh Ánh Dương được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm. Bằng số tiền vay được, bà Na đã có thêm vốn đầu tư nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở kinh doanh cung cấp suất ăn bán trú của mình. Hiện, cơ sở kinh doanh của bà Đỗ Thị Na đang cung cấp gần 3.200 suất ăn mỗi ngày cho 7 trường trên địa bàn TP Uông Bí, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Bà Đỗ Thị Na cho biết: Trong lúc loay hoay thiếu vốn để mở rộng sản xuất, tôi được tổ TK&VV của khu phố giới thiệu về chương trình tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm. Tổ TK&VV còn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ tôi hoàn thiện các thủ tục vay vốn để nhanh chóng giải ngân, đồng thời, thường xuyên giám sát đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, trả lãi đúng hạn, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, cơ sở kinh doanh của tôi hiện đang phát triển tốt, doanh thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh cho vay chủ yếu theo phương thức ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội (gồm Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội cựu chiến binh và Đoàn thanh niên), quản lý trực tiếp tại cấp thôn, bản là các tổ TK&VV.
Toàn tỉnh hiện có 2.135 tổ TK&VV với dư nợ trên 5.451 tỷ đồng và 76.000 người dân vay vốn, chiếm trên 98% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh.
Tổ TK&VV do UBND cấp xã, phường thành lập, hoạt động trên địa bàn thôn, khu có từ 5-60 hội viên thực hiện các hoạt động như: Bình xét đối tượng vay vốn, hướng dẫn và xác nhận cho người vay làm hồ sơ, thủ tục gửi hội, đoàn thể và UBND cấp xã phê duyệt, giám sát sử dụng vốn, trực tiếp thu lãi và tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của người vay, đôn đốc trả nợ…
Nhằm nâng cao chất lượng của các tổ TK&VV, thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp thường xuyên đánh giá, rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại các tổ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ trưởng trong quản lý và sử dụng vốn; tổ chức các lớp tập huấn; hướng dẫn các tổ về quy trình, thủ tục cho vay, gửi tiền tiết kiệm, ghi chép, theo dõi, giám sát các hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay… Nhờ vậy, các Tổ TK&VV đã tăng cường trách nhiệm, kịp thời rà soát hộ dân có nhu cầu, tuyên truyền những chương trình tín dụng chính sách, hướng dẫn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Đồng thời, nắm bắt kịp thời những khó khăn, giám sát việc sử dụng vốn, đôn đốc trả nợ đúng hạn theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Qua đó, tỷ lệ nợ quá hạn của các Tổ TK&VV chỉ còn gần 0,02%.
Bà Trương Thị Thêm, Tổ trưởng tổ TK&VV khu 3, 4, phường Quang Trung, TP Uông Bí, cho biết: Để hoạt động của tổ TK&VV đạt hiệu quả, tôi đã xây dựng tốt quy ước hoạt động của tổ, đảm bảo việc bình xét vay vốn phải được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch; phối hợp với tổ dân, khu phố giám sát việc sử dụng nguồn vốn; thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của người vay đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, chất lượng. Hiện, tổ TK&VV (32 hội viên) của tôi với dư nợ gần 2 tỷ đồng. Nhiều năm qua, tổ không có nợ quá hạn.
Các tổ TK&VV đã khẳng định vai trò là cánh tay nối dài của tín dụng chính sách, góp phần giải ngân kịp thời nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-huy-hieu-qua-cua-cac-to-tiet-kiem-va-vay-von-3354389.html
Bình luận (0)