Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy tư liệu địa chí Bình Định

Việt NamViệt Nam27/04/2025


Phát huy tư liệu địa chí Bình Định

Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương “đất Võ, trời Văn”, nhiều nhà nghiên cứu, các đơn vị trong và ngoài tỉnh đã nghiên cứu, xuất bản, công bố nhiều công trình khoa học đóng góp vào sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Quảng bá “đất Võ, trời Văn”

Những đầu sách, tài liệu địa chí mang tính tổng hợp, lưu giữ những thông tin về địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… của tỉnh Bình Định từ xưa đến nay, do các nhà nghiên cứu, cơ quan của tỉnh sưu tầm, điền dã, in ấn đã cung cấp một cách có hệ thống, phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo bạn đọc nguồn tư liệu giá trị khi tìm hiểu về Bình Định, góp phần bảo tồn, quảng bá quê hương Bình Định.

Trong số những công trình nghiên cứu về Bình Định, có thể kể đến sách Nước non Bình Định (tác giả Quách Tấn) biên khảo đầy đủ mọi phương diện của địa danh Bình Định; Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn -  Bình Định (tác giả Nguyễn Đình Đầu) làm nổi bật nét chính yếu của chế độ sở hữu ruộng đất nói riêng, nền hành chính triều Nguyễn nói chung ở vùng đất Bình Định. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có nhiều tác phẩm nổi tiếng nghiên cứu về sân khấu truyền thống, nhất là nghệ thuật hát bội và đã xuất bản bộ sách Đào Tấn qua thư tịch, gồm 3 tập: Đào Tấn - thơ, Đào Tấn - tuồng hát bội, Đào Tấn qua thư tịch, cùng nhiều tác phẩm khác như: Góp nhặt dọc đường, Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ, Kẻ sĩ đất Thang Mộc, Chầu đôi...

Ở mảng văn hóa dân gian, có nhiều tác phẩm như: Văn hóa ẩm thực Bình Định (tác giả Hà Giao - Nguyễn Phúc Liêm); Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định, Văn hóa cổ truyền của người H’re ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định (tác giả Nguyễn Xuân Nhân); Nghề đánh cá dân gian, thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Ðịnh (tác giả Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng); Võ cổ truyền Bình Định, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định (tác giả Nguyễn An Pha); Văn hóa dân gian Bana K’riêm Bình Định (tác giả Yang Danh)…

Trên lĩnh vực di sản Hán Nôm, tác giả Lộc Xuyên Đặng Quí Địch đã khai thác, sưu tầm, biên khảo và cho ra nhiều tác phẩm có giá trị, như: Bình Định Hán văn trích diễm, Nhân vật Bình Định, Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định, Mai viên cố sự, Tang sự trích biên, Đào Duy Từ khảo biện, Đào Phan Duân - Lý lịch và tác phẩm, Văn tế Bình Định, Trần Đức Hòa tư liệu, Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định… Tác giả Võ Minh Hải có những tác phẩm: Văn tế Hán Nôm Bình Định (nghiên cứu và tuyển chú), Ngôn ngữ truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Văn bản Hán văn trích truyện, Luận ngữ tinh hoa của Nguyễn Phúc Ưng Trình

Ở mảng nghiên cứu đất và người Bình Định, có tác phẩm Danh nhân Bình Định (tác giả Bùi Văn Lăng); tác giả Nguyễn Thanh Quang có nhiều tác phẩm: Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người; Chữ Quốc ngữ, từ Nước Mặn đến Làng Sông; Một số vấn đề chữ Quốc ngữ; Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ… Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Bảo tàng tỉnh cũng xuất bản nhiều đầu sách, như: Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định, Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định, Kỷ vật kháng chiến, Bảo vật quốc gia tại Bình Định, Bình Định - di tích và danh thắng

Học sinh đọc sách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, đất và người Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Tiếp tục phát huy kho địa chí Bình Định

Kho tư liệu địa chí Bình Định của Thư viện tỉnh hiện lưu giữ gần 3.000 đầu sách, tài liệu về di sản văn hóa Bình Định, còn có hơn 7.600 bài trích địa chí số hóa để phục vụ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu về Bình Định. Ngoài các đầu sách, tư liệu của các nhà nghiên cứu Bình Định, Thư viện tỉnh còn sưu tầm các tư liệu tiếng Pháp được dịch từ các Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội liên quan đến ngành nghề, làng nghề, vùng đất Quy Nhơn - Bình Định xưa kia, cảng Quy Nhơn xưa… để cung cấp cho bạn đọc những tài liệu địa chí mang tính tổng hợp của tỉnh Bình Định từ xưa đến nay.

Ông Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã số hóa gần 600 đầu sách, bản trích kho tư liệu địa chí Bình Định để phục vụ bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu về Bình Định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục số hóa sách, bản trích của kho tư liệu địa chí, lưu trữ thêm những thước phim về các lễ hội ở Bình Định, cũng như phục vụ bạn đọc, nhất là bạn đọc vùng sâu, vùng xa, miền núi để lan tỏa văn hóa đọc, góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa của Bình Định”.

Theo các nhà nghiên cứu, để phát huy giá trị kho tư liệu địa chí Bình Định nên có giải pháp số hóa sách giấy chuyển sang sách điện tử phục vụ bạn đọc. Nhà nghiên cứu Hán Nôm, TS Võ Minh Hải - Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng: “Ngành chức năng, Thư viện tỉnh nên có những buổi sinh hoạt chuyên đề giới thiệu những đầu sách viết về Bình Định, có chính sách kêu gọi các tác giả tặng sách, mua bản quyền sách để số hóa phục vụ rộng rãi hơn cho bạn đọc”.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ThS Trần Xuân Toàn - giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian (Hội VHNT tỉnh), bày tỏ: “Hầu hết các đầu sách địa chí Bình Định đều có lưu trữ ở kho địa chí của Thư viện tỉnh, nên có giải pháp mở rộng thêm kênh tiếp cận để bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu, hiệu quả nhất là công bố sách trên không gian mạng. Cùng với đó, lâu nay việc quảng bá, giới thiệu sách viết về Bình Định chưa được phổ biến nhiều, nên có thêm nhiều hoạt động, như nói chuyện chuyên đề về sách, khai thác kho địa chí trên nền tảng công nghệ số…”

Vấn đề quan tâm nữa là nên có chính sách quan tâm khích lệ cho các tác giả nghiên cứu viết về Bình Định. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: “Phần lớn các tác giả dành trọn tâm huyết với quê hương Bình Định đã nghiên cứu, điền dã, sưu tầm để biên khảo và tự in ấn, xuất bản sách. Trong khi đó, giữa thời buổi công nghệ thông tin phát triển, người đọc đã ít mà người viết về Bình Định càng ít hơn, nên rất cần sự quan tâm khích lệ tinh thần từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương dành cho các tác giả, nhất là tác giả trẻ để có những tác phẩm viết về đất và người Bình Định, cũng như tác phẩm văn học nghệ thuật, lịch sử, văn hóa Bình Định”.

ĐOÀN NGỌC NHUẬN



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=355011

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm