Du lịch Vịnh Hạ Long hiện có 12 sản phẩm chủ lực: 4 sản phẩm do BQL Vịnh Hạ Long trực tiếp tổ chức, gồm trải nghiệm giá trị thẩm mỹ cảnh quan và địa chất - địa mạo bằng tàu tham quan, du thuyền khám phá, trải nghiệm văn hóa làng chài, tham quan di tích lịch sử - văn hóa và tắm biển tại bãi Ti Tốp; 8 dịch vụ do doanh nghiệp khai thác gồm lưu niệm, chèo đò tay, kayak, xuồng cao tốc, tàu thuyền vận chuyển, tàu nhà hàng ven bờ, trải nghiệm nuôi ngọc trai, mua bán và biểu diễn chế biến hải sản. Sự kết hợp giữa quản lý nhà nước và kinh doanh tư nhân đã tạo nên một hệ sinh thái du lịch phong phú, song cũng đặt ra yêu cầu cao về giám sát, điều phối và đồng bộ hóa hoạt động trên toàn vùng di sản.
Để đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long, cuối năm 2020 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4686/QĐ-UBND "Phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô", đưa ra lộ trình phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã bổ sung các sản phẩm cao cấp, như: Du thuyền sang trọng, thủy phi cơ, trực thăng ngắm cảnh, du thuyền nhà hàng kết hợp âm nhạc, trải nghiệm ẩm thực địa phương. Mục tiêu là hướng đến nhóm khách hạng sang mà vẫn giữ được bản sắc tự nhiên và văn hóa của vùng di sản.
Tuy nhiên, không ít rào cản đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Cụ thể, công tác lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn 2050 mới dừng ở nhiệm vụ quy hoạch, chưa được Chính phủ phê duyệt, dự kiến phải đến năm 2027 mới hoàn thành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án mở rộng bãi tắm, khai thác hang động và nâng cấp cảng bến. Nhiều ý tưởng đã có sẵn, song không thể triển khai do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.
Thêm vào đó, sự phân bổ du khách trên các hành trình chưa đồng đều. Hai hành trình VHL1 và VHL2 tập trung tham quan động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, tắm bãi Ti Tốp hiện quá tải, khiến nhiều điểm tham quan bị bồi lắng, ùn tắc giao thông thủy. Ngược lại, VHL3 và VHL4, nơi có hàng loạt bãi cát đẹp, hang hoang sơ, trải nghiệm đa dạng tiềm năng như Vông Viêng, vụng Tùng Sâu, hang Đầu Gỗ, ít được chú ý. Để khắc phục, BQL Vịnh Hạ Long đã mời các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xúc tiến tuyến VHL3, VHL4 và đề xuất nối thông với Vịnh Lan Hạ và Cát Bà (TP Hải Phòng), đồng thời tạo thêm hành trình liên vùng đến Bái Tử Long nhằm giảm tải cho VHL1, VHL2 và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Nhiều đơn vị sử dụng mặt nước, mặt biển chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc… Năm 2025, BQL Vịnh Hạ Long tạm ngưng ký hợp đồng phối hợp tổ chức dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước, chờ hướng dẫn từ Sở VH,TT&DL về quy trình cho thuê quyền khai thác tài sản công.
Chính sách đất đai, biển đảo cũng nằm trong loạt điểm cần tháo gỡ. Nhiều dự án đầu tư sản phẩm du lịch tuyến 4 Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, Khu Bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim, khai thác hang Trinh Nữ đã được phê duyệt chủ trương từ năm 2011-2016, nhưng đang vướng thủ tục giao khu vực biển, cho thuê môi trường rừng, cấp phép bến cập tàu...
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng tại một số điểm tham quan cũng gặp khó khăn, như: luồng đường thủy trước Thiên Cung - Đầu Gỗ chưa được duy tu, gây ùn tắc khi thủy triều xuống; bến cảng hang Tiên Ông, Động Mê Cung chưa được công bố cảng bến thủy nội địa, dù hoàn thành xây dựng từ 2020; bậc thang lên xuống hang Cỏ xuống cấp, hệ thống điện thiếu, lối đi hẹp…
Để tạo nền tảng vững chắc, Vịnh Hạ Long tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời để loại bỏ rào cản về pháp lý, tài chính và hạ tầng… Khi khó khăn được tháo gỡ, du lịch Vịnh Hạ Long sẽ phát huy tối đa tiềm năng, phát triển bền vững và nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-trien-ben-vung-du-lich-vinh-ha-long-3356848.html
Bình luận (0)