Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển tài năng trong điện ảnh: Chỉ tài năng thôi là chưa đủ

Các chuyên gia nhận định tài năng cần được mài dũa, kinh qua thất bại mới có thành công. Ngoài ra tài năng điện ảnh cũng cần có hệ sinh thái để tỏa sáng.

VietnamPlusVietnamPlus01/07/2025

trp-6074.jpg
Đạo diễn Tony Bùi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nếu chỉ tập trung vào tài năng thì sẽ làm lu mờ những yếu tố làm nên sự vĩ đại trong điện ảnh. Đó là chia sẻ của ông Tony Bùi - giảng viên Trường Đại học Columbia, New York trong khuôn khổ hội thảo về Phát triển và bồi dưỡng tài năng điện ảnh, thuộc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF).

Cùng với ý kiến của ông là nhiều chia sẻ khác từ giới chuyên môn, cho thấy tài năng rất cần trong phát triển điện ảnh. Nhưng cùng lúc để phát triển thì điện ảnh cần nhiều hơn một yếu tố tài năng.

Phát biểu tại hội thảo, nhà làm phim Tony Bùi nhận xét chúng ta thường bị thu hút bởi khái niệm tài năng thô bởi sự ấn tượng và truyền cảm hứng. “Nó tạo nên một câu chuyện hay. Nhưng theo thời gian, tôi thấy câu chuyện đó không trọn vẹn. Và theo nhiều cách, nó nguy hiểm.”

Đạo diễn phim “Ba mùa” kể rằng bản thân ông đã gặp nhiều nhà làm phim trẻ và tiềm năng tại Việt Nam, châu Á, cũng như ở Mỹ. Nhưng khi không có cộng đồng, quy trình hay sự tương tác qua lại, họ thường rơi vào bế tắc, mất đà và rồi dừng hẳn. Nếu chỉ tin vào tài năng thô, chúng ta sẽ bỏ qua yếu tố quan trọng: quy trình rèn luyện, cộng đồng, sự phản hồi góp ý, thất bại và cố vấn, đồng hành.

quentin-tarantino-and-ronna-wallace-92-sff-by-sandria-miller-1536x1086.jpg
Quentin Tarantino - nổi tiếng với "chất giọng" điện ảnh đặc trưng - tại Liên hoan phim Sundance. (Ảnh: Sundance Film Fest)

Đạo diễn này cũng lấy ví dụ về Sundance Labs - mô hình nhiều lớp học của Liên hoan phim Sundance (Mỹ), nơi đã ươm mầm những đạo diễn và biên kịch được thế giới công nhận như Quentin Tarantino, Chloé Zhao, Ryan Coogler, Barry Jenkins.

Lớp học này tuyển chọn dựa trên tiếng nói riêng hơn là kịch bản hoàn hảo. Những khóa học về đạo diễn giúp biên kịch đào sâu nội tâm, viết lại dựa trên câu hỏi gốc rễ thay vì chỉnh sửa một cách cơ học.

Ông Tony Bùi kêu gọi đầu tư vào các lớp học (lab) viết kịch bản để giúp đạo diễn có cấu trúc, tạo cộng đồng nuôi dưỡng tài năng, thay vì chờ đợi “thiên tài tự xuất hiện”: "Chúng ta không cần chờ Sundance, mà có thể xây dựng Lab của riêng mình, từ đất nước, lịch sử và tiếng nói Việt Nam, hướng ra sân khấu thế giới."

trp-6081.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Cẩm Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tài năng cũng không phải yếu tố duy nhất giúp thúc đẩy nền điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang (Trưởng bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho rằng các công tác nuôi dưỡng khả năng cảm thụ ở khán giả cũng quan trọng không kém.

Bà Cẩm Giang khẳng định mục tiêu tổng thể của các khóa đào tạo nghệ thuật và điện ảnh hiện nay là để người xem không chỉ bị dẫn dắt bởi truyền thông theo ý đồ nhà sản xuất. Nhà làm phim ngoài việc làm tác phẩm còn có trách nhiệm kết nối, phổ biến và chia sẻ tri thức điện ảnh với khán giả.

“Đây chính là yếu tố then chốt: tiềm năng để nhà làm phim tiếp cận một lớp khán giả mới, có chất lượng. Khán giả mới này sẽ tạo nên một hệ sinh thái mới cho điện ảnh Việt, và chỉ khi có một hệ sinh thái hoàn chỉnh thì điện ảnh Việt mới có thể phát triển tốt, chứ không chỉ là vấn đề kịch bản, đạo diễn, diễn viên hay lý thuyết phê bình.”

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, nhà sản xuất kiêm chuyên gia dự án quốc tế Chulsoo Charles Kim - Ủy viên Liên hoan phim Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc (KISF) - đưa ra góc nhìn về yếu tố quan trọng trong hợp tác quốc tế với các dự án của Việt Nam.

Ông nhận định điện ảnh Việt Nam đang phát triển theo hai hướng: sinh viên trường phim truyền thống bước vào phim truyện, trong khi những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thống trị thể loại phim ngắn và quảng cáo, tạo xung đột nhưng cũng mở ra cơ hội hợp tác.

Phim thương mại của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào hài và kinh dị – thể loại khó xuất khẩu quốc tế. Lời khuyên của ông là cần đa dạng hóa thể loại, có cả kinh dị, lãng mạn, tuổi trưởng thành để dễ tiếp cận khán giả quốc tế.

“Hàn Quốc là ví dụ điển hình, họ có K-pop, K-drama thành công toàn cầu nhờ tính phổ quát cảm xúc và chiến lược xuất khẩu. Dù vậy, điện ảnh Hàn gặp khó khăn duy trì đà tiến sau Parasite, khi ít phim đạt tầm quốc tế tương tự. Nhiều nhà làm phim gặp khó khăn tài chính và sản xuất,” ông chia sẻ.

trp-6253.jpg

Hiện Hàn Quốc đang tìm kiếm hợp tác sản xuất với Việt Nam và Indonesia để mở rộng thị trường và tận dụng tiềm năng sáng tạo.

Vì vậy, để phát triển bền vững, nhà sản xuất này nhận định Việt Nam cần xây dựng mô hình hợp tác sản xuất với các ngành công nghiệp châu Á, thiết lập hệ thống đào tạo bài bản cho diễn viên, biên kịch, đạo diễn, định dạng nội dung phù hợp Netflix, Disney+, TikTok, và tạo ra câu chuyện mang tính phổ quát về bản sắc, gia đình, công lý.

Ngoài ra, Việt Nam cần đổi mới giáo dục, kết hợp kỹ năng kỹ thuật và kiến thức thị trường, hỗ trợ chính sách cho hợp tác quốc tế và phân phối, xây dựng tầm nhìn dài hạn để trở thành trung tâm điện ảnh châu Á, kết hợp bản sắc Việt với kỹ năng kể chuyện toàn cầu./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-tai-nang-trong-dien-anh-chi-tai-nang-thoi-la-chua-du-post1047532.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm