Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm Thái Nguyên được quảng bá trên sàn thương mại điện tử Shopee, ngày 7/1/2025. |
Năm 2024, thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Thái Nguyên ghi nhận tốc độ tăng trưởng 20%, vượt qua mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Doanh số TMĐT của tỉnh hiện chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của kênh phân phối trực tuyến, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiêu dùng và nông sản.
Thời gian gần đây, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển TMĐT. Một trong những hoạt động đáng chú ý là việc phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng này.
Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai gian hàng sản phẩm của tỉnh trên sàn TMĐT Shopee. Gian hàng này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm đặc trưng như chè, gạo, mà còn tạo cơ hội cho hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận thị trường trực tuyến. Mục tiêu là đến hết tháng 6-2025 sẽ có 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tiềm năng thiết lập và duy trì hiệu quả kênh bán hàng trực tuyến trên sàn TMĐT.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất mà các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh phải đối mặt hiện nay chính là làm sao để đảm bảo sự phát triển bền vững của TMĐT. Điều này bao gồm việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng qua mạng.
Hơn nữa, với sự xuất hiện của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới, việc quản lý thuế và kiểm soát các giao dịch điện tử này cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ.
Đại diện tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Shopee Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về thương mại điện tử, tháng 1-2025. |
Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Giao dịch điện tử, các nghị định của Chính phủ về TMĐT và các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn về các quy định, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào hoạt động TMĐT.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, kiểm tra các hoạt động TMĐT. Các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải được xử lý nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn trật tự xã hội.
Các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng được yêu cầu tăng cường hợp tác, cùng nhau nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng khác thực hiện ngay những biện pháp cụ thể như: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực về TMĐT và tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm trên các nền tảng TMĐT quốc tế như Shopee.
Đặc biệt, phải thúc đẩy phát triển các phòng livestream bán hàng và hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, vừa trong việc tham gia vào hoạt động TMĐT. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mà còn giúp người dân, các hộ kinh doanh nắm bắt cơ hội từ nền tảng số để phát triển kinh tế.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc máy tính. Ảnh: T.L |
Một yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển TMĐT là việc đào tạo nguồn nhân lực. Các trường đại học tại Thái Nguyên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về TMĐT, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong TMĐT và tổ chức các khóa huấn luyện trực tuyến.
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ kinh doanh tham gia vào các sàn TMĐT quốc gia và quốc tế để quảng bá sản phẩm.
Việc xây dựng các gian hàng trực tuyến và tích hợp các nền tảng thanh toán điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của tỉnh.
Với việc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nghiêm túc và phát triển TMĐT bền vững, Thái Nguyên kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm TMĐT uy tín, mạnh mẽ trong khu vực. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống của người dân.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-khong-duoc-lam-mat-on-dinh-thi-truong-f1f3237/
Bình luận (0)