(Chinhphu.vn) - Làm việc với Bộ Công Thương chiều 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế; khẳng định và thực hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội; phát huy và thúc đẩy những thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm đối với ngành công thương - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra
Báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế toàn cầu biến động khó lường, nhiều tồn tại vướng mắc tích tụ từ lâu, nhưng những năm qua, đặc biệt trong 8 tháng năm 2024, toàn ngành công thương đã nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, chiến lược, chính sách được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng luôn được quan tâm. Ngành điện tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn và lưới điện lớn đi vào hoạt động, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Vấn đề vận hành hệ thống điện và xây dựng thị trường điện cạnh tranh tiếp tục được chú trọng theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về điều tiết hoạt động điện lực công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Đáng chú ý, hoạt động ngoại thương tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao với tốc độ hai con số (trừ năm 2023 do trường toàn cầu suy thoái). Đến nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số sản phẩm có thế mạnh, như gạo, thủy sản, đồ gỗ, da giầy… Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của nước ta đã thoát khỏi vòng xoáy suy giảm và phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 265 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Một điểm sáng nữa của toàn ngành là sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2024 tăng trưởng từ 7-8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%. Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và IIP có thể vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các công tác khác, như hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường trong nước phát triển; thương mại điện tử; quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại; quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa; xúc tiến thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… đều được tăng cường, đổi mới và hoàn thành, phát huy hiệu quả "Đến hết tháng 8, ngành công thương đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024", Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định.Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06... - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, đồng hành để ngành công thương hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Phải vừa tháo gỡ vướng mắc, vừa kiến tạo phát triển
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, báo cáo của Bộ Công Thương đã cung cấp "bức tranh" tổng thể, khái quát và thể hiện được các lĩnh vực công tác của Bộ liên quan trực tiếp, sâu sát, toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh khu vực, quốc tế và trong nước còn rất nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Bộ Công Thương và toàn ngành công thương đã đóng góp lớn cho thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của Bộ và ngành công thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đặt biệt là trong 8 tháng qua. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm. Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiến tạo, mở đường cho phát triển. "Thể chế được xây dựng không chỉ để quản lý những cái đã có, mà phải suy nghĩ, thí điểm, triển khai những cái mới, để tạo ra khung khổ pháp lý mở đường cho sự phát triển trong tương lai", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. Phó Thủ tướng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo với Phó Thủ tướng những công việc mà ngành công thương đã thực hiện được trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Chinhphu.vn
Bình luận (0)