Thông tin Bộ GD-ĐT hướng tới việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp 2 và cấp 3 được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua. Mặc dù mới đây, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT), lý giải đây không phải "bắt buộc" mà là định hướng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ lo ngại về gánh nặng cơ sở vật chất, thời gian và chi phí.

Kỳ vọng vào môi trường giáo dục toàn diện và sự phát triển kỹ năng

Theo lý giải của TS Thái Văn Tài, hiện nay trên 60% trường THCS và trên 80% trường THPT trên toàn quốc đã đủ điều kiện cơ sở vật chất để dạy 2 buổi/ngày. Việc hướng đến dạy 2 buổi nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đúng với chủ trương của Chương trình phổ thông 2018 và Luật Giáo dục. Buổi thứ hai sẽ tập trung phát triển năng lực học sinh, đáp ứng nhu cầu người học và thực tiễn cuộc sống với các nội dung như năng lực số, AI, hướng nghiệp..., tránh tình trạng dạy thêm, học thêm kiến thức đơn thuần như trước đây.

Nhiều độc giả ban đầu có sự hiểu lầm về tính "bắt buộc" của chủ trương này. Tuy nhiên, ngay cả khi được biết đây là định hướng dành cho các trường đủ điều kiện, không ít người vẫn băn khoăn.

Gửi ý kiến về VietNamNet, một phụ huynh có hai con đang học phổ thông nêu nhiều lo ngại. Vấn đề đầu tiên là cơ sở vật chất: "Nhiều trường hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu học hai buổi, thiếu không gian sinh hoạt bán trú, nhà ăn, phòng nghỉ. Học sinh phải ăn ngay tại lớp, ngủ trưa trên ghế hoặc chiếu, rất mất vệ sinh và thiếu an toàn".

Thứ hai, vị này lo ngại việc học cả ngày khiến thời gian biểu của học sinh bị "bóp nghẹt", không còn giờ tự học, nghỉ ngơi, chơi thể thao hay theo đuổi năng khiếu. "Vì vậy, tôi nghĩ chủ trương này cần lộ trình rõ ràng, linh hoạt theo điều kiện từng địa phương và tham khảo ý kiến phụ huynh, giáo viên, học sinh", bạn đọc này nhấn mạnh.

khai giang.jpg
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) trong lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: Nguyễn Huế

Tương tự, một phụ huynh tên Ngọc Mai, có con học lớp 11 tại Hà Nội, cho rằng, việc học 2 buổi/ngày có thể khiến con mệt, bố mẹ lo lắng, tốn kém hơn, mà hiệu quả học tập chưa chắc chắn. 

Chị Mai nhớ lại thời điểm trước Thông tư 29, con chị một tuần học 6 buổi chiều chính khóa, cộng 3 buổi sáng học thêm tại trường. "Những ngày phải học 2 buổi, con về nhà mệt lả. Cháu ra khỏi nhà từ hơn 6h sáng. Mẹ phải dậy sớm chuẩn bị cả bữa sáng và bữa trưa cho con mang đi. Trưa cháu ăn tại lớp rồi vạ vật đợi giờ vào học buổi chiều. Chiều hơn 17h tan học, vượt 7km về nhà, tối vẫn phải làm bài", người mẹ kể. 

Theo lời chị, sau Thông tư 29, khi học sinh chỉ phải đi học một buổi/ngày vì trường ngừng dạy thêm, chị thấy con được nghỉ ngơi nhiều hơn, có thời gian tự học, tham gia một số dự án cộng đồng hữu ích. Chị mong trường con sẽ không tổ chức học 2 buổi/ngày.

Lo về gánh nặng chi phí và hiệu quả thực tế 

Về chi phí, một số độc giả bày tỏ lo ngại dù năm học tới học phí được miễn, phụ huynh vẫn phải đóng thêm tiền ăn, bán trú, phục vụ, "tổng thể thì gánh nặng kinh tế lại dồn về phía gia đình".

Bạn đọc Minh Hải lo ngại dù học buổi 2 theo hình thức nào, học sinh về nhà vẫn có bài tập, và việc phải học các môn kỹ năng, STEM tại trường có thể không phù hợp với nhu cầu ôn luyện cho các kỳ thi quan trọng, đặc biệt với học sinh lớp 8, 9 chuẩn bị thi vào lớp 10. "Học thêm ngoài trường thì phụ huynh, học sinh có quyền chọn người dạy phù hợp, giảng chi tiết hơn. Học ở trường học sinh đông, giáo viên không thể kèm từng học sinh", anh Hải phân tích.

Ở góc nhìn khác, bạn đọc Quang Minh đồng tình với ý tưởng dạy các môn STEM, AI, năng lực số, tiếng Anh... nhưng bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi dựa trên thực tế. Anh dẫn chứng việc các môn học "nghe hay ho" ở cấp 3 như hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, thể chất... thường bị "xin" tiết để dạy thêm các môn chính. "Hay như con tôi cấp 2 ở Hà Nội, học Tin học nhưng cả năm học mới được bước vào phòng máy tính 1 lần, còn toàn lý thuyết… Liệu những điều này có xảy ra khi tổ chức cho học sinh học STEM, AI..?", anh Minh đặt câu hỏi.

Vị phụ huynh này cho rằng, bao giờ các thầy cô đủ trình độ năng lực để dạy các môn "mới", trường ra trường, lớp ra lớp, có đủ trang thiết bị thực hành, phòng ốc cho các con học, nghỉ ngơi, thì khi đó việc tổ chức học ngày 2 buổi mới hiệu quả và thực sự tốt cho học sinh.

Chia sẻ với VietNamNet, bạn đọc Thanh Trần đồng ý việc dạy kỹ năng mềm và CNTT là hướng đi tốt, nhưng cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem xét giảm tải các môn khác. "Vì mỗi ngày chúng ta có 24 giờ thôi, cứ tăng thế này thì tối về các con học đến mấy giờ? Chưa kể các môn học mới biết đâu cũng có bài tập về nhà. Như vậy, để hoàn thành hết các loại bài tập trường giao thì mỗi ngày các con sẽ được ngủ bao nhiêu giờ?".

Từ góc độ khác, bạn đọc Đức Thịnh ủng hộ chủ trương học 2 buổi/ngày và nghỉ thứ Bảy, nhưng đề xuất phân bố thời lượng, môn học phù hợp với từng cấp học, đưa các môn học về văn hóa vùng miền, kỹ năng ứng xử, hướng nghiệp vào chương trình buổi chiều. Ông cũng cho rằng, giáo viên nên hoàn thành mọi công việc tại trường, không giao bài tập về nhà cho học sinh.

Chủ trương dạy 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT là một định hướng lớn, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ phụ huynh, Bộ GD-ĐT cần có lộ trình triển khai cẩn trọng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học phù hợp và đặc biệt là lắng nghe, thấu hiểu những lo lắng, băn khoăn từ phía phụ huynh và học sinh.

Bộ GD-ĐT giải thích về yêu cầu bắt buộc các trường THCS và THPT dạy 2 buổi/ngàyĐại diện Bộ GD-ĐT đã có những lý giải về thông tin sẽ bắt buộc các trường THCS và THPT dạy học 2 buổi/ngày.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/phu-huynh-neu-ly-do-hoc-2-buoi-ngay-co-the-gay-ganh-nang-chang-kem-hoc-them-2388233.html