Chỉ cần chạm smartphone vào chip NFC, du khách có thể khám phá những thông tin, hình ảnh về di tích

“Kéo” chính quyền gần dân hơn

TP. Huế đang từng bước “chuyển mình” để trở thành đô thị thông minh, nhưng không phải bằng những công trình cao tầng, cũng không bằng những cú “lột xác” kiến trúc ồn ào, mà lựa chọn con đường bền vững hơn, đó là ứng dụng công nghệ số để tái thiết tư duy quản lý, điều hành đô thị từ gốc rễ. Điều này không chỉ là cuộc “số hóa” về hình thức, mà là một nỗ lực thay đổi cách thành phố được vận hành, lấy dữ liệu làm nền tảng, công nghệ làm công cụ và người dân làm trung tâm của mọi quyết sách.

Nhắc đến Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến một đô thị di sản đặc trưng. Vậy, Huế làm sao để quản lý di sản hiệu quả, đồng thời phát huy giá trị bền vững trong đời sống đương đại? Câu trả lời rõ ràng đó là ứng dụng công nghệ số. 

Những năm gần đây, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ như số hóa hiện vật, ứng dụng công nghệ 3D trong trùng tu di tích, đưa hình ảnh Đại Nội lên nền tảng thực tế ảo, triển khai vé tham quan điện tử và hệ thống quét mã QR hướng dẫn tự động cho du khách. Có thể nói, công nghệ đang mở ra một “cuộc cách mạng mềm” trong bảo tồn, từ khâu lưu trữ tư liệu, kiểm kê hiện vật đến công tác tuyên truyền, quảng bá.

 Du khách trải nghiệm thực tế ảo “Đi tìm hoàng cung đã mất” ở Đại Nội Huế

Điều đáng ghi nhận là công nghệ không chỉ hỗ trợ quản lý hiệu quả, mà còn “kéo” di sản đến gần công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Với một “cú chạm”, người xem có thể “dạo chơi” trong Đại Nội, chiêm ngưỡng Ngọ Môn, điện Thái Hòa hay lắng nghe trích đoạn Nhã nhạc cung đình Huế qua không gian số. Di sản không còn “đứng yên” trong bảo tàng mà đã trở nên sống động và gần gũi hơn.

Thoát ra khỏi “lớp áo” di sản, trên vai trò quản trị hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, không thể không nhắc đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC). Trung tâm này đã giúp chính quyền thành phố giám sát, điều hành các hoạt động đô thị một cách hiệu quả, từ giao thông, môi trường đến an ninh trật tự.

IOC được vận hành, nhiều người dân Huế ban đầu vẫn nghĩ đây chỉ là “phần mềm để báo sự cố”. Nhưng qua thời gian đã cho thấy mục tiêu sâu xa hơn là thiết lập một cơ chế quản lý đô thị tương tác – minh bạch – có phản hồi. Từ việc xử lý rác thải đến giám sát camera an ninh, theo dõi tình trạng giao thông, hành chính công… đều đang dần được tích hợp vào một hệ sinh thái quản lý số. Nhờ đó, chính quyền có thể nắm bắt tình hình theo thời gian thực, người dân có công cụ để giám sát chính quyền, còn đô thị thì vận hành trật tự, linh hoạt và hiệu quả hơn trước.

Ngoài ra, việc xây dựng bản đồ GIS phục vụ quy hoạch, ứng dụng cảm biến giám sát môi trường, tích hợp dịch vụ hành chính công vào cổng dịch vụ trực tuyến… là những ví dụ cho thấy TP. Huế đang dần hình thành một nền quản trị đô thị thông minh.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung

Chuyển đổi số trong quản lý đô thị không đơn thuần là câu chuyện về kỹ thuật. Nó là một quá trình thay đổi tư duy, từ cấp lãnh đạo đến từng phường, xã và mỗi cán bộ đến người dân.

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, không thể phủ nhận rằng, Huế vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, chưa đồng bộ về dữ liệu giữa các ngành, là một thực tế gây “nghẽn mạch” trong chia sẻ và xử lý thông tin. Một số đơn vị triển khai công nghệ nhưng chưa có quy trình chuẩn kết nối với nhau. Trong khi đó, nhiều cán bộ cấp cơ sở vẫn còn tâm lý ngại tiếp cận công nghệ mới. Ở chiều ngược lại, một bộ phận người dân, nhất là vùng ven, vùng khó khăn vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế trong sử dụng công nghệ.

Công nghệ là công cụ, nhưng để quản lý đô thị bằng công nghệ thì cần có dữ liệu đồng bộ, cán bộ đủ năng lực tiếp nhận và người dân đủ tự tin sử dụng. Nghĩa là, nếu không có sự đầu tư vào nguồn nhân lực, vào hạ tầng dữ liệu và thể chế quản lý, mọi phần mềm, apps hay hệ thống giám sát đều chỉ là “hình thức hóa hiện đại”. Trong các cuộc làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn liên quan đến công tác chuyển đổi số, lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận điều đó và đề ra những giải pháp căn cơ.

Để giải quyết những khó khăn, thành phố đã vạch ra lộ trình, giải pháp sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các ngành, các cấp. Khi dữ liệu trở thành “nguồn lực sống”, việc chia sẻ – cập nhật – xử lý thông tin sẽ là thước đo năng lực quản trị.

Thời gian qua, thành phố đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp để xây dựng mô hình phát triển xanh và bền vững. Trong đó, vấn đề thành phố đặc biệt ưu tiên là giao thông xanh.

“TP. Huế vốn được biết đến là một địa phương theo đuổi xu thế phát triển bền vững, dựa trên nền tảng bảo vệ môi trường và phát triển xanh. Chính vì vậy, khi các tập đoàn công nghệ tiếp cận với Huế, họ đều hướng đến mục tiêu làm sao để đồng hành đúng theo định hướng phát triển của thành phố. Trong quản lý xã hội, quản lý giao thông và đô thị, Huế phải áp dụng những phương thức tiên tiến, tiệm cận với yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng Huế trở thành thành phố di sản, thành phố xanh, thành phố phát triển bền vững”, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Bài, ảnh: Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/quan-ly-van-hanh-do-thi-bang-cong-nghe-152841.html