Anh Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị bên một gốc mai cổ thụ đang bung sắc trên đỉnh núi. Ảnh: Minh Tân
Qua những con “đường tăng”
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi nhận được cuộc gọi của anh Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị: “Năm nay lạnh kéo dài anh em báo về rừng mai nở muộn, tranh thủ mấy hôm nay trời đỡ mưa anh em mình có thể đi được. Mai anh em lên đi cùng nhé!”.
Sau khi chuẩn bị tư trang, thực phẩm, chúng tôi khoác ba lô, lên đường tiến về vùng lõi của khu rừng già trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi được đồn đoán có một cánh rừng mai cổ thụ, ẩn mình suốt hàng thế kỷ trong lòng đại ngàn. Không ai biết chính xác những cây mai này đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng, qua lời kể của những già làng người Vân Kiều, rừng mai ấy vẫn đứng đó, trầm mặc trước thời gian.
Đoàn khảo sát rừng mai cổ thụ băng qua nhiều con suối. Ảnh: Minh Tân
Băng qua chiếc lán giữ rừng đơn sơ của các nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, chúng tôi tiếp tục được các nhân viên nơi đây dẫn đường đến cánh rừng mai. Qua những con suối nhỏ róc rách, men theo những lối mòn in dấu chân tuần tra của nhân viên bảo vệ rừng chúng tôi bắt gặp con đường lớn men theo sườn núi.
“Đoạn này rất dễ đi, bà con nơi đây vẫn gọi là “đường tăng”. Nghe bố em bảo trước đây con đường này được bà con khoét núi, đào đất, đá bằng tay phục vụ bộ đội ta đưa xe tăng, xe cơ giới vào ra tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây”, nhân viên bảo vệ rừng Nguyễn Văn Hiếu vừa đi vừa cho biết.
Cánh rừng mai cổ thụ nằm trên vùng núi cao 300m so với mực nước biển. Ảnh: Minh Tân
Chúng tôi vừa men theo con đường ghi dấu một thời lịch sử vừa háo hức đi tiếp đến con suối lớn. Rẽ qua nơi đây, không khí ngày càng ẩm ướt của rừng già quện vào từng hơi thở. Gió thổi qua tán lá, mang theo mùi ngai ngái của rêu xanh, của đất ẩm, của những thân cây cổ thụ đã đứng đây hàng trăm năm.
Càng đi sâu vào rừng, những dấu vết của con người càng thưa thớt. Chúng tôi men theo từng sườn núi dựng đứng, thi thoảng vài viên “đá chạy” lở ra trong quá trình di chuyển rơi ào ào về dưới thung sâu khiến cả đoàn giật mình. Có lúc phải trượt xuống từng giông núi dựng đứng trơn trượt và đầy gai nhọn. Nhưng rồi, khi tưởng như hành trình kéo dài bất tận, chúng tôi bất ngờ chạm mặt một cảnh tượng khiến tất cả lặng người.
Giữa rừng sâu, mai bung sắc vàng
Trước mắt chúng tôi, những cây mai cổ thụ sừng sững vươn lên giữa rừng xanh bạt ngàn. Chúng không mọc dày đặc mà phân tán rải rác, có cây đứng đơn độc trên vách đá cheo leo, có cây vươn tán rộng tựa một chiếc ô khổng lồ che chở cả một vùng đất.
Những gốc mai sần sùi, lớp vỏ già cỗi bám đầy rêu phong. Có cây dáng uốn lượn, có cây thẳng tắp, in hằn của những đợt gió xoay vần trên đỉnh núi nhưng vẫn vững vàng trước bao mùa giông gió. Và giữa không gian xanh thẳm, sắc vàng của hoa mai rực rỡ như ánh nắng len qua màn sương. Những cánh hoa năm cánh mỏng manh, vàng tươi, lay động nhẹ nhàng trong gió sớm.
Nhánh cây mai cổ thụ vươn mình giữa rừng già. Ảnh: Minh Tân
Hương hoa mai rừng thơm thoang thoảng, dịu dàng khiến lòng người mê mẩn. Nhìn xuống mặt đất, một lớp thảm vàng mỏng phủ lên những tảng đá, như thể mùa xuân đã đặt chân đến nơi này từ lâu. Anh Trương Quang Trung đứng nhìn lặng thầm: “Đẹp quá anh ạ! Bao nhiều năm gắn bó với rừng mới thấy cảnh này!”.
Tôi chạm tay vào một cành mai thấp, cảm nhận sự thô ráp của lớp vỏ già cỗi. Vẫn còn đó những búp hoa còn e ấp, chờ ngày bung nở, như những ngọn lửa nhỏ đang âm thầm chờ đợi khoảnh khắc bừng sáng. Không ai biết những cây mai này đã sống qua bao mùa mưa nắng, qua những cơn bão giông trên đại ngàn, qua những biến đổi không ngừng của thiên nhiên. Chúng là những chứng nhân lặng lẽ của thời gian, của lịch sử vùng đất này.
Những cánh mai vàng của những cây mai cổ thụ khoe sắc giữa núi rừng. Ảnh: Minh Tân
Bên một gốc mai cổ thụ ôm không hết vòng tay, Hiếu kể, từ khi còn nhỏ mỗi lần theo dấu chân bố đi “cội” (đi rừng) đã thấy cánh rừng mai ở đó. Theo lời của bố Hiếu, cánh rừng mai cổ thụ đã tồn tại qua nhiều năm tháng và người dân nơi đây chỉ đến vùng này hái lá thuốc, chứ không ai dám chặt cây. Người dân tin rằng mai là loài cây linh thiêng, là linh hồn của rừng, bởi không nghiễm nhiên mà cánh rừng mai vàng 5 cánh cổ thụ sinh trưởng riêng biệt ở vùng đất này.
Giá trị sinh thái và thách thức bảo tồn
Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị Trương Quang Trung chia sẻ: Cánh rừng mai này đã được anh em phát hiện vài năm trở lại đây và âm thầm bảo vệ. Bởi trước đó, khi một thông tin nhỏ rò rỉ về rừng mai cổ thụ này đã có người ở địa bàn huyện Đakrông đưa người lên rừng với ý định đào mai về. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ nên anh em kịp thời ngăn chặn và đẩy đuổi ra khỏi khu vực rừng.
Những gốc mai cổ thụ sinh trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Minh Tân
Bước đầu qua kiểm đếm có khoảng 200 - 300 gốc mai cổ thụ đường kính từ 20 - 60cm với tuổi đời hàng trăm năm, những cây mai cổ thụ sinh trưởng rải rác trong diện tích khoảng vài ha. Chưa kể những cây mai con (đường kính dưới 10cm) đang sinh trưởng tốt dưới tán rừng ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển. Dù vậy, chưa có một tìm hiểu nào vì sao rừng mai cổ thụ lại bén duyên với khu vực này suốt hàng trăm năm qua.
“Tuy nhiên, không phải vẻ đẹp nào cũng có thể trường tồn nếu không được bảo vệ. Cánh rừng mai cổ thụ này vẫn đang đứng trước những nguy cơ lớn, thế nên anh em càng căng mình bảo vệ tốt hơn”, anh Trung cho biết thêm.
Cánh rừng mai cổ thụ tồn tại hàng trăm năm qua ở đại ngàn Đakrông đang là điều bí ẩn cần có nghiên cứu và bảo tồn. Ảnh: Minh Tân
Việc đưa thông tin về cánh rừng mai cổ thụ cũng khiến anh Trung băn khoăn bởi sẽ áp lực lớn đến nhân viên, quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Thế nhưng, việc đưa thông tin phát lộ về cánh rừng mai cổ thụ là điều cần thiết nhằm có biện pháp nghiên cứu và bảo tồn loài mai cổ thụ này, để tránh mất đi một di sản thiên nhiên quý giá giữa đại ngàn Đakrông.
Chúng tôi rời rừng khi mặt trời đã ngả về phía Tây. Những cánh hoa mai vẫn lung linh trong ánh nắng chiều, vàng rực một góc trời. Tôi tin rằng, những gốc mai già đứng vững, những cành hoa vàng rực rỡ trong gió biểu tượng của sự bền bỉ và vẻ đẹp nguyên sơ như lời thì thầm của thời gian, của những mùa xuân đã đi qua và những mùa xuân đang tới.
Bên dưới những tán mai cổ thụ là những cây mai có đường kính khoảng 10cm đang phát triển tốt tươi. Ảnh: Minh Tân
Những cánh hoa mai vàng rực rỡ và lá màu xanh ngọc tô điểm giữa núi rừng. Ảnh: Minh Tân
Hoa mai nở rộ và rụng đầy trên nền rừng. Ảnh: Minh Tân
Một nhánh mai cổ thụ với đường kính lớn vươn mình bên vách núi hiểm trở. Ảnh: Minh Tân
Rừng mai cổ thụ phát lộ lần này được xem là di sản thiên nhiên quý giá giữa đại ngàn Đakrông. Ảnh: Minh Tân
Một nhành mai cổ thụ đang ra lộc và hoa xen giữa các loài cây đang khoe sắc giữa đại ngàn Đakrông. Ảnh: Minh Tân
Minh Tân
Nguồn: https://baoquangtri.vn/quang-tri-phat-lo-rung-mai-co-thu-tram-nam-tuoi-giua-dai-ngan-dakrong-192747.htm
Bình luận (0)