"Tôi quyết định chứng minh rằng con gái cũng có thể trở thành xạ thủ"
“Nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của tôi là săn bắn tỉa. Vào mùa hè, chúng tôi sẽ cùng nhau ra ngoài vào lúc ba giờ rưỡi sáng. Một cặp nằm ở một chỗ, và một cặp khác nằm cách xa 300-400m. Bạn không thể nói chuyện với nhau, bạn không thể huýt sáo, bạn không thể di chuyển, bạn không thể hút thuốc, và bạn không thể làm bất cứ điều gì cả. Điều này tiếp tục cho đến 9-10 giờ tối. Trong thời gian này, một tay bắn tỉa có thể tiêu diệt 5 tên phát xít. Có thể là 3. Hoặc có thể không có. Tất cả phụ thuộc vào mức độ cơ động của các nhân vật đối phương. Chúng tôi không nổ súng vào những người đầu tiên chúng tôi gặp, chỉ tập trung vào các mục tiêu có giá trị chiến thuật cao”, trích hồi ký của bà Lyudmila.
Xạ thủ bắn tỉa Lyudmila Pavlichenko thuộc Sư đoàn súng trường Chapayev số 25. Ảnh: Rian |
Bà Lyudmila Pavlichenko sinh năm 1916 tại thành phố Bila Tserkva gần Kiev. Từ nhỏ, bà đã nổi bật với vóc dáng khỏe mạnh và tinh thần chiến đấu, và luôn cố gắng trở nên giỏi như con trai trong mọi việc. Khi Lyudmila vào lớp 10, bà bắt đầu làm việc tại nhà máy vũ khí địa phương. Tại đó, bà đã phát triển niềm đam mê bắn súng và thậm chí còn tham gia một khóa học bắn tỉa ngắn hạn.
Bà Lyudmila chia sẻ với các nhà báo Mỹ: "Khi nghe cậu bé nhà bên khoe khoang về chiến công của mình ở trường bắn, tôi quyết định chứng minh rằng con gái cũng có thể bắn giỏi, và tôi bắt đầu tập luyện chăm chỉ và lâu dài".
Năm 1937, bà Lyudmila vào Khoa lịch sử của Đại học Kiev với mong muốn trở thành giáo viên hoặc nhà khoa học. Tuy nhiên, cô đã không thể hoàn thành việc học của mình – chiến tranh đã xảy ra khi cô đang thực tập trước khi tốt nghiệp ở Odessa. Khi quân đội Hitler xâm lược Liên Xô, Lyudmila đã quyết định sẽ tình nguyện ra tiền tuyến. Bà không được chấp nhận trở thành chiến sĩ và được khuyên nên trở thành y tá. “Họ không nhận con gái vào quân đội, và tôi phải dùng đến đủ mọi thủ đoạn để trở thành một người lính,” bà Lyudmila nhớ lại.
Xạ thủ Lyudmila Pavlichenkov tham gia nhiệm vụ chiến đấu. Ảnh: Getty |
Một trong những nữ xạ thủ nguy hiểm nhất Mặt trận phía Đông
Để gia nhập Hồng quân, bà Lyudmila phải chứng minh khả năng sử dụng vũ khí và vượt qua một bài kiểm tra ngẫu hứng. Họ đưa cho cô một khẩu súng trường và chỉ vào hai sĩ quan người Romania đang làm việc với phát xít Đức. Chỉ bằng cách hạ các mục tiêu trên, bà mới chứng minh được mình sẵn sàng chiến đấu ngang hàng với những nam quân nhân. Kết quả mục tiêu bị hạ gọn gàng và Binh nhì Lyudmila được gia nhập Sư đoàn bộ binh số 25 của Hồng quân mang tên Vasily Chapayev.
Trong những tháng đầu của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bà Lyudmila đã chiến đấu ở Moldova và Odessa. Hơn 100 binh sĩ và sĩ quan phát xít đã bị nữ xạ thủ này tiêu diệt. Sau đó, trung đoàn của bà được chuyển đến Crimea và bà đã tham gia vào cuộc bảo vệ anh hùng của Sevastopol.
Bằng tài năng xạ thủ của bản thân, bà Lyudmila đã tiêu diệt được 257 tên phát xít tính tới tháng 2-1942 và nhận được lời khen ngợi của Hội đồng quân sự Hồng quân Mặt trận phía Nam. Đặc biệt, trong số mục tiêu của nữ xạ thủ Hồng quân có tới 36 tay súng bắn tỉa đối phương. Chúng được cử tới để ngăn chặn “Quý cô tử thần”, biệt danh sau này được báo chí Mỹ đặt cho bà Lyudmila.
Với thành tích đạt được, bà Lyudmila được thăng hàm Trung úy và phụ trách một trung đội súng trường mà bà đã thành lập từ những người lính mới đến mặt trận. Một điểm khác đặc biệt là xạ thủ Hồng quân đã gặp được tình yêu đích thực của đời mình ở mặt trận. Trong trận chiến gần Sevastopol, bà Lyudmila đã gặp Thiếu úy Leonid Kitsenko, người cũng là một tay bắn tỉa. Đôi tình nhân bắt đầu cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, điều này càng làm mối quan hệ của họ thêm bền chặt. Không lâu sau, Lyudmila và Leonid đã trình báo lên cấp trên về việc kết hôn, nhưng chiến tranh không cho phép họ chính thức trở thành vợ chồng.
Tuy nhiên, trong tháng 3-1942, trong một nhiệm vụ chiến đấu, vị trí bắn tỉa của cặp tình nhân bị phát hiện và quân phát xít tập trung hỏa lực tiêu diệt những xạ thủ Liên Xô. Nhờ Leonid lấy thân mình bảo vệ, bà Lyudmila không bị thương. Tuy nhiên, Trung úy Leonid đã thiệt mạng vì vết thương quá nặng.
Sự hy sinh của Trung úy Kitsenko chỉ củng cố thêm tinh thần chiến đấu của bà Lyudmila. "Hóa ra là bằng cách tiêu diệt bọn phát xít Đức, tôi đang cứu mạng người”, bà Lyudmila viết trong hồi ký.
Nhưng vào tháng 6-1942, bà Lyudmila đã bị thương nặng vị trúng đạn súng cối khi đã tiêu diệt 309 tay súng phát xít theo các con số thống kê chính thức. Bà được sơ tán khỏi Sevastopol đang bị bao vây và được đưa đến Kavkaz trị thương. Nhiệm vụ tiếp theo của bà là đi du lịch tới Mỹ.
“Trận chiến” vì mặt trận thứ 2 trên đất Mỹ
Tại Mỹ, bà Lyudmila được giao một nhiệm vụ ngoại giao quan trọng là thuyết phục người Mỹ về sự cần thiết phải mở một mặt trận thứ 2. Điều này khiến phát xít Đức phải rút bớt lực lượng khỏi mặt trận phía Đông để Liên Xô phản công.
Bà Lyudmila đến Mỹ vào cuối tháng 8-1942 cùng với Thư ký Ủy ban thành phố Moscow Nikolai Krasavchenko và tay súng bắn tỉa Vladimir Pchelintsev. Ở Mỹ, đoàn đại biểu Liên Xô được chào đón nồng nhiệt. “Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhà ga chật kín sinh viên. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới để chào đón Hồng quân trong con người chúng tôi. Một đội quân chiến đấu đến cùng với bọn phát xít”, bà Lyudmila kể lại.
Bà Lyudmila Pavlichenko trong cuộc gặp với Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt tại Washington. Ảnh: Rian |
“Quý cô tử thần” ngay lập tức trở thành ngôi sao của các tờ báo Mỹ, nhưng các nhà báo thường nói về bà về những câu hỏi xoáy sâu vào đời tư. Bà Lyudmila đã đối đáp rất thông minh: "Tôi mặc quân phục của mình với lòng tự hào! Huân chương Lenin trên ngực tôi đã được giặt bằng máu. Rõ ràng là đối với phụ nữ Mỹ, sự hiện diện của đồ lót lụa bên trong quân phục quan trọng hơn nhiều so với chính bộ quân phục, mà mục đích thực sự của nó. Họ có vẻ vẫn chưa khám phá ra điều đó".
Bà Lyudmila đã dành 3 tháng ở Mỹ và trong chuyến đi vòng quanh quốc gia này, bà đã trò chuyện rất nhiều với Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt. Có vẻ như Đệ nhất phu nhân Mỹ đã cho cô gái Liên Xô một số lời khuyên hữu ích về cách giao tiếp với báo chí. Công chúng Mỹ đặt cho bà Lyudmila biệt danh “Quý cô tử thần”.
Bà Lyudmila không bao giờ quên mục đích chính của chuyến thăm Mỹ và tiếp tục nhấn mạnh rằng người Mỹ có nghĩa vụ giúp đỡ châu Âu và Liên Xô trong cuộc chiến chống lại Hitler. Tại một trong các cuộc họp báo, mệt mỏi vì một loạt câu hỏi khác về cuộc sống của một nữ xạ thủ bắn tỉa, bà Lyudmila đã thốt ra câu nói nổi tiếng của mình: "Tôi 25 tuổi, và đã ở mặt trận. Tôi đã tiêu diệt được 309 tên phát xít xâm lược. Các quý ông không nghĩ rằng các ông đã núp sau lưng tôi quá lâu sao?”. Khán giả chào đón những lời này bằng tràng pháo tay, và xã hội Mỹ nhận ra nhu cầu phải giúp đỡ Mặt trận phía Đông. Tuy nhiên, tới tận năm 1944, phe đồng minh mới mở mặt trận thứ 2, khi Hồng quân đã giành thế chủ động trên chiến trường.
Xạ thủ bắn tỉa Lyudmila Mikhailovna Pavlichenko tại tượng đài Vành đai vinh quang ở làng Dachnoye (Odessa) năm 1971. Ảnh: Rian |
Năm 1943, Nhà nước Liên Xô đã trao tặng bà Lyudmila giải thưởng cao quý nhất – danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Sau chiến tranh, bà đã tốt nghiệp tại Đại học Kiev và trở thành nghiên cứu viên cao cấp tại Bộ Tổng Tham mưu Hải quân Liên Xô.
Sau này, bà Lyudmila vẫn giữ liên lạc với Eleanor Roosevelt và hai người bạn tiếp tục trao đổi thư từ cho đến khi Đệ nhất phu nhân Mỹ qua đời. Họ gặp lại nhau vào năm 1957 khi người bà Eleanor đến Moscow công tác.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/quy-co-tu-than-va-2-cuoc-chien-chong-lai-quan-phat-xit-trong-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-247743.html
Bình luận (0)