Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Rà soát tài sản công để có giải pháp sử dụng có hiệu quả hơn

Cho ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tại Phiên họp sáng 24.4, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, phải xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng với những nội dung rất cụ thể để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thực hiện. Cần rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực; rà soát các tài sản công ở các địa phương để có giải pháp sử dụng có hiệu quả hơn.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân24/04/2025

Tiết kiệm hơn 64.000 tỷ đồng

avatar
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực trọng điểm như: việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…

Theo Báo cáo của Chính phủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 đã góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Cụ thể là, trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, thu ngân sách năm 2024 tăng 20,1% so với dự toán và báo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 86,4% dự toán. Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.

tqp.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2024 tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Đến ngày 31.12.2024, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 67.480 tài sản, với tổng nguyên giá 3,8 triệu tỷ đồng, giá trị còn lại 2,7 triệu tỷ đồng; tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 915,2 nghìn km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn tập trung đã đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 15.460 công trình, tổng giá trị 38.388 tỷ đồng, giá trị còn lại là 20.014 tỷ đồng.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công, báo cáo của Chính phủ cho biết, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia để hoàn thành các dự án đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, còn 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 đã khắc phục được tình trạng lãng phí so với những năm trước. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn tình trạng văn bản pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định pháp lý chưa được hoàn thiện đầy đủ gây khó khăn cho việc thực thi và áp dụng vào thực tế. Mặc dù có sự tăng trưởng trong đầu tư công nhưng một số dự án vẫn chưa được triển khai đúng tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Một số quỹ tài chính nhà nước không đạt hiệu quả cao, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng kết quả đạt được trong việc giảm nghèo bền vững còn thấp ở một số vùng.

Trong lĩnh vực đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng này nhưng một số bộ ngành, địa phương vẫn gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án quan trọng. Do vậy, đối với khâu phê duyệt các đề án, dự án, cần chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương chuẩn bị thật kỹ công tác dự toán, chuẩn bị dự án, tránh những vướng mắc dẫn đến việc chậm giải ngân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận. Ảnh: Hồ Long

Trong cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội ghi nhận, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Mặc dù vậy, một số thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và chưa được cải cách đồng bộ tại các cơ quan địa phương. “Một số chính sách còn thiếu sự linh hoạt, chưa phản ứng kịp thời với những biến động kinh tế - xã hội. Việc phân bổ ngân sách và nguồn lực cho các dự án vẫn chưa thực sự hợp lý, gây khó khăn trong việc bảo đảm hiệu quả ngân sách nhà nước”.

chu-nhiem-uy-ban-van-hoa-va-xa-hoi-nguyen-dac-vinh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Làm rõ kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ những ưu điểm và kết quả đạt được trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm qua; phân tích cụ thể, dẫn chứng số liệu đầy đủ. Tuy nhiên, phần hạn chế, khuyết điểm nêu ra trong báo cáo còn quá đơn giản và đề nghị bổ sung, làm rõ hơn nội dung này trong báo cáo, nhất là từng lĩnh vực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2022, Quốc hội đã giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, trong năm 2023 và 2024, việc khắc phục những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện theo các kiến nghị của Đoàn giám sát, kết luận của Quốc hội cần phải được đánh giá cụ thể hơn.

“Trong toàn bộ báo cáo toàn văn ở từng mục không có dòng khuyết điểm nào. Trong đánh giá chung có 3 dòng nhưng nêu được chuyện một số bộ, ngành chưa xây dựng chương trình và một số bộ, ngành chưa báo cáo; còn việc tổ chức thực hiện, những hạn chế, khuyết điểm thế nào, khắc phục được những gì của năm trước chỉ ra thì không có”. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu không chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế trên 7 lĩnh vực trọng tâm của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì các giải pháp sau này sẽ chỉ mang tính hô khẩu hiệu, không có tính khả thi, khó đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, khi toàn Đảng và hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng đạt 2 con số từ 2026 - 2030, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng phải được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng của năm 2026 với những nội dung rất cụ thể để các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan thực hiện. Do vậy, cần rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để kịp thời tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực; rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả ở các địa phương để có giải pháp sử dụng có hiệu quả hơn, chỗ nào sử dụng không có hiệu quả thì cho đấu giá, đấu thầu lấy tiền để làm trường học, làm bệnh viện, làm các công trình công cộng…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn chế độ còn thiếu hoặc bất cập; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm chi ngân sách và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, gắn liền với chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà nước. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm để thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/ra-soat-tai-san-cong-de-co-giai-phap-su-dung-co-hieu-qua-hon-post411344.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm