Những cô gái Tà Ôi với những sợi vải tạo nên tấm Zèng. Ảnh: Đức Hiếu |
Sắc màu hội xuân
Từ sáng sớm, dòng người đổ về Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số xã Hồng Thượng ngày một đông. Trên con đường dẫn vào trung tâm, hình ảnh bà con trong trang phục truyền thống cùng với áo dài zèng duyên dáng làm sáng bừng cả không gian. Những gian hàng trưng bày nông sản, đặc sản vùng cao thu hút du khách đến tham quan và mua sắm. Đây không chỉ là dịp giới thiệu sản phẩm địa phương mà còn là cơ hội giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.
Những nghi lễ truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu như lễ Cúng dâng zèng, lễ hội Âr Pục (đoàn kết), Ân Ninh được tái hiện bài bản. Những giai điệu dân ca ngân vang giữa núi rừng, những bước chân nhịp nhàng trong những điệu múa khiến du khách thích thú. Tham gia ngày hội, du khách không chỉ xem mà còn tham gia vào các nghi lễ, thử dệt zèng, làm bánh a quát, hay hòa mình vào các trò chơi dân gian. Những đứa trẻ Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy hào hứng khoe những sản phẩm thủ công do chính tay mình làm ra.
Mỗi hoa văn đều kể một câu chuyện, về đất, về rừng, về cuộc sống của người Tà Ôi |
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới, chia sẻ: “Các lễ hội, phong tục truyền thống ngày nay đã được khôi phục và phát huy giá trị. Chúng tôi không chỉ bảo tồn mà còn làm mới các hoạt động văn hóa để thu hút du khách, tạo sinh kế bền vững cho bà con địa phương. Ngày hội là sự kiện văn hóa đặc biệt, tạo cơ hội để A Lưới phát triển du lịch”.
Nghệ nhân ưu tú, già làng Nguyễn Hoài Nam, xã Hồng Hạ, không giấu được vui mừng khi thấy đường làng ngõ xóm náo nhiệt hơn bao giờ hết. “Xưa kia, những điệu múa, lời hát chỉ xuất hiện trong các lễ hội truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nay, ngay cả ngày thường, chúng tôi cũng có dịp trình diễn cho du khách xem. Vui lắm! Người già thì được sống lại ký ức xưa, lớp trẻ thì thêm yêu và tự hào về văn hóa của dân tộc mình”, già Nam cho hay.
Ấn tượng khó quên
Tại không gian nhà truyền thống Tà Ôi, chúng tôi dừng chân nơi những người phụ nữ Tà Ôi đang miệt mài bên khung dệt. Tiếng lách cách nhịp nhàng vang lên hòa cùng không khí rộn ràng của lễ hội, tạo thành một giai điệu vừa quen vừa lạ. Những tấm zèng với hoa văn sặc sỡ dần hiện lên dưới bàn tay khéo léo của các cô gái trẻ.
Một cô gái ngẩng lên, mỉm cười: “Chị có muốn thử dệt zèng không?”. Tôi ngập ngừng rồi gật đầu, ngồi xuống bên khung cửi. Cô giới thiệu mình tên là Hồ Thị Truyền, 22 tuổi, sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt zèng. Cô nhẹ nhàng hướng dẫn tôi cách luồn sợi chỉ qua những thanh gỗ sao cho nhịp nhàng. Tôi cẩn thận làm theo, nhưng cứ mỗi lần đẩy thoi qua, sợi chỉ lại vướng vào nhau.
- Ban đầu ai cũng thế! Nhưng khi quen rồi, chị sẽ thấy dệt zèng giống như vẽ tranh vậy. Mỗi hoa văn đều là một câu chuyện, về đất, về rừng, về cuộc sống của người Tà Ôi.
Tôi mỉm cười nhìn Truyền, thích thú quan sát những hoa văn trên tấm zèng cô đang dệt. Không chỉ có những đường sọc đơn giản, mà còn có hình mặt trời, dòng suối, những bông hoa rừng, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh đầy ý nghĩa. Truyền lấy ra một chiếc áo dài được may từ zèng, phần tà áo có những hoa văn tinh xảo, màu sắc trầm ấm nhưng vẫn toát lên vẻ mềm mại, sang trọng. Tôi chạm nhẹ vào vải, cảm nhận được sự thô mộc của sợi chỉ nhưng cũng thấy trong đó hơi thở của núi rừng.
- Bọn em còn bán hàng online nữa! Lập gian hàng trên mạng, livestream giới thiệu sản phẩm, có khi còn hướng dẫn khách cách phối đồ với zèng. Ban đầu ít ai biết đến, nhưng bây giờ nhiều người thích lắm, cả khách trong nước lẫn nước ngoài.
Thật ngạc nhiên! Không chỉ giữ gìn truyền thống, những cô gái trẻ này còn đang mang văn hóa của dân tộc mình đến với thế giới theo một cách rất hiện đại. Nắng đã lên cao, nhưng tôi vẫn ngồi đó, chìm đắm trong câu chuyện của Truyền. Trong ánh mắt em là niềm tự hào, là khát vọng gìn giữ và lan tỏa nét đẹp của dân tộc mình, để tấm zèng không chỉ là một phần quá khứ, mà còn hiện diện trong đời sống hôm nay và mai sau.
Ngày hội “Sắc xuân vùng cao A Lưới” khép lại trong niềm vui và sự lưu luyến. A Lưới hôm nay đã khác – tươi mới, rộn ràng nhưng vẫn giữ nguyên vẹn linh hồn của núi rừng. Và tôi biết chắc, mình sẽ còn trở lại nơi này – để một lần nữa đắm chìm trong hơi thở đại ngàn đầy mê hoặc.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/sac-xuan-tren-vung-cao-152921.html
Bình luận (0)