Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sẽ có quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền phường của Hà Nội

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền địa phương tại phường ở Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Hà Nội MớiHà Nội Mới28/04/2025

Sáng 28-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

ubtvqh6.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố; cấp xã gồm xã, phường và đặc khu (ở hải đảo); đối với đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập.

"Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã", Bộ trưởng cho biết.

Luật cũng sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã. Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2025; đồng thời quy định các nội dung để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp (bỏ cấp huyện) và về tổ chức chính quyền đô thị.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị; quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền địa phương tại phường ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021-2026; quy định 8 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục, không gián đoạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp theo quy định tại Luật này.

ubtvqh5.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ chín theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ, đề xuất phương án xử lý các vấn đề được cơ quan thẩm tra nêu; chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về quy định liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND cấp xã trong dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý vào vấn đề phân cấp ở cấp xã và cho rằng nên sửa theo hướng mở, chỉ cho phép một số xã được phân cấp.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng nên sửa theo hướng cấp xã có thể phân cấp cho phòng, ban bên dưới để tạo sự chủ động. “Trong quá trình thực hiện, nếu phòng, ban cấp dưới thực hiện không tốt thì cấp xã có thể thu hồi không phân cấp nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

ubtvqh4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quan điểm của cơ quan soạn thảo, cấp xã là cấp trực tiếp điều hành, phục vụ, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp. “Gần như từ lãnh đạo đến công chức của chính quyền cấp xã phải thực hiện, chứ không phân cấp”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp xã, Bộ trưởng cho biết, theo tư duy ban đầu khi xây dựng đề án, cơ quan soạn thảo tính sắp xếp cơ quan chuyên môn luôn theo vị trí việc làm và điều chỉnh tăng từ 17 vị trí lên 23 vị trí việc làm.

“Việc này sẽ giúp giảm số lượng lãnh đạo. Nếu thêm phòng ban chuyên môn thì số lượng lãnh đạo sẽ chiếm tỷ lệ 1/3”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói và cho rằng, để phù hợp với thực tế, cơ quan soạn thảo sẽ vận dụng theo hướng linh hoạt, đó là giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, dân số đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn tương đương, hoặc theo vị trí việc làm.

Bộ trưởng cũng cho biết, nếu đã thiết kế theo hướng tổ chức bộ máy thì bắt buộc các vị trí lãnh đạo sẽ phải kiêm nhiệm như Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND; Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận địa phương cấp xã… để giảm bớt vị trí lãnh đạo và không nhất thiết tổ chức cấp phó của các cơ quan chuyên môn.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình tại kỳ họp thứ chín; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm đồng bộ với Hiến pháp và các dự thảo luật đang sửa đổi hiện nay.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/se-co-quy-dinh-chuyen-tiep-ve-to-chuc-chinh-quyen-phuong-cua-ha-noi-700619.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm