Ba tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức cao nhất từ trước đến nay tính theo quý. Năm 2024, có 17,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, vượt Singapore với 16,5 triệu lượt. Theo Tiến sĩ Bùi Quốc Liêm, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT, du lịch Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Ngành du lịch nên đặt trọng tâm chiến lược hút khách mới vào các sản phẩm văn hóa đại chúng.
"Trong bối cảnh cạnh tranh du lịch toàn cầu, Việt Nam cần khai thác hiệu quả điện ảnh và âm nhạc như công cụ sức mạnh mềm", ông Liêm nói, giải thích sức mạnh mềm là khả năng tạo ảnh hưởng thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục thay vì ép buộc, đóng vai trò then chốt định hình sức hút toàn cầu của một quốc gia.

Để tiếp tục khuếch đại sức hấp dẫn và xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn với du khách toàn cầu, du lịch Việt nên xem ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh như những sản phẩm văn hóa xuất khẩu chủ lực mới.
2-3 năm gần đây, nhiều sản phẩm âm nhạc, phim ảnh của Việt Nam tạo hiệu ứng lan tỏa vượt biên giới. Bài hát "See Tình" trong album LINK (2023) của Hoàng Thùy Linh nổi tiếng toàn cầu qua các video nhảy cover triệu view trên TikTok. Yena, cựu thành viên nhóm nhạc Hàn IZ*ONE, từng nhảy bài "See Tình" trên thuyền thúng trong chuyến du lịch Hội An. Nhiều du khách Hàn, Trung đến Việt Nam cũng thuộc điệu nhảy và giai điệu bài hát này.
MV "Bắc Bling" của ca sĩ Hòa Minzy đạt 196 triệu lượt xem sau 3 tháng ra. MV này ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, lọt vào top 5, top 10 các bảng xếp hạng âm nhạc tại các quốc gia như Australia, Nhật Bản Singapore và Hàn Quốc. Tạp chí Nikkei, Nhật Bản nhận xét MV thành công khi góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa và sức sống của vùng đất Bắc Ninh. Trên TikTok cá nhân ngày 26/3, Thủ tướng Singapore Laurence Wong đăng video ngắn về chuyến thăm Việt Nam, được dựng trên nền nhạc Bắc Bling remix, thu hút hơn 300.000 lượt thích.

Sau thành công của MV trăm triệu view, Bắc Ninh mở tour du lịch miễn phí vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, trong đó có các điểm đến xuất hiện trong "Bắc Bling". Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho hay các tour du lịch miễn phí đều kín chỗ, mỗi tuần có khoảng 400-500 người đăng ký. Lượng khách ngoài chương trình miễn phí cũng tăng cao.
Chuyên gia du lịch Đại học RMIT cho hay Việt Nam cũng đang trên đà thành điểm đến hấp dẫn của các lễ hội âm nhạc quốc tế. Lễ hội âm nhạc tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình vào tháng 6 tới với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như G-Dragon và CL, đang gây sốt trên mạng xã hội. TP HCM là điểm đến cho tour diễn vòng quanh thế giới của nhóm nhạc Hàn Baby Monster - nhóm cùng công ty quản lý với Blackpink. Trước đó, nhiều siêu sao quốc tế US-UK như Charlie Puth, Imagine Dragons, Maroon 5 từng tới Việt Nam biểu diễn tại các sự kiện âm nhạc ở điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc.
Để định vị Việt Nam như một trung tâm du lịch âm nhạc sôi động, các cơ quan quản lý cần tích cực hỗ trợ tổ chức và quảng bá các sự kiện âm nhạc đa dạng, từ các chương trình nhạc pop đương đại đến các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống. Xây dựng một lịch trình những sự kiện âm nhạc trên khắp cả nước và quảng bá chúng ra quốc tế có thể thu hút một phân khúc khách du lịch mới - những người yêu âm nhạc khao khát trải nghiệm trực tiếp nền âm nhạc năng động của Việt Nam. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các sự kiện quy mô lớn và đơn giản hóa quy trình thị thực cho du khách quốc tế sẽ tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn này.

Theo ông Liêm, cơ quan quản lý du lịch cần chủ động triển khai chiến dịch tiếp thị số, định vị các cảnh quay phim, sự kiện âm nhạc thành điểm đến hấp dẫn. Chiến lược có thể bao gồm sản xuất nội dung hậu trường, quảng bá nghệ sĩ V-pop và lễ hội qua quảng cáo nhắm mục tiêu, hợp tác với KOL toàn cầu để giới thiệu sản phẩm văn hóa Việt.
Một kênh khác để phô diễn văn hóa và cảnh quan Việt Nam ra thế giới là thông qua phim ảnh. Hiện tượng du lịch điện ảnh đã được thiết lập vững chắc ở nhiều quốc gia khác, với vô số du khách bị thu hút đến những địa điểm có thật được khắc họa trong các bộ phim và chương trình truyền hình nổi tiếng. Tiến sĩ Bùi Quốc Liêm cho rằng Việt Nam có thể học hỏi cách làm của Hàn Quốc - bậc thầy toàn cầu trong việc tận dụng các bộ phim truyền hình và điện ảnh để thu hút khách du lịch đến các địa điểm quay phim, tạo ra các tour du lịch và trải nghiệm chuyên biệt.
Ví dụ gần nhất là bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" (When Life Gives You Tangerines) ra mắt tháng 3, thu hút sự quan tâm của khán giả châu Á. Đại diện ngành du lịch Jeju cho biết bộ phim mới góp phần hồi sinh du lịch địa phương và dự báo lượng khách quốc tế sẽ gia tăng sau 3 năm liên tiếp sụt giảm (2022-2024). Tận dụng hiệu ứng lan tỏa, Cục Xúc tiến du lịch Jeju (JTO) quảng bá hành trình du ngoạn hòn đảo nổi tiếng, trải nghiệm các điểm đến xuất hiện trong bộ phim.
"Việt Nam cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa ngành điện ảnh và ngành du lịch", ông Liêm nói. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể hỗ trợ tìm kiếm địa điểm quay phim, cung cấp và quảng bá ưu đãi cho việc quay phim tại Việt Nam, phát triển các gói du lịch làm nổi bật địa điểm xuất hiện trong phim. Việc quảng bá các bộ phim Việt Nam có sức hấp dẫn quốc tế tại các liên hoan phim toàn cầu và thông qua các nền tảng phát trực tuyến đóng vai trò là một hình thức quảng bá du lịch mạnh mẽ.
Còn theo chuyên gia du lịch Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, để khai thác phim phục vụ du lịch, cần có chương trình tài trợ quốc gia hoặc doanh nghiệp hỗ trợ các dự án phim gắn với quảng bá điểm đến. Chính quyền địa phương hoặc quỹ du lịch có thể tài trợ hoạt động như video ngắn, sự kiện ra mắt phim lồng ghép giới thiệu du lịch.
Khi được tài trợ, có thể sử dụng hình ảnh và thông tin phim để xây dựng sản phẩm du lịch. Việc khai thác phim trường còn phụ thuộc bản quyền và kinh phí, nhưng có thể tận dụng các hoạt động xung quanh phim. Điều quan trọng là ngành du lịch chủ động xây dựng sản phẩm, nội dung quảng bá song song với phim. Bài học từ phim "Kong: Đảo đầu lâu" (2017) cho thấy nếu ngành du lịch không tận dụng để quảng bá, du khách sẽ không tìm thấy thông tin để đi du lịch dù phim có lan tỏa cỡ nào.
"Phim ảnh chỉ tạo nhận thức, còn thu hút khách là trách nhiệm của ngành du lịch, không phải đoàn phim", ông Á nói.
Nguồn: https://baolaocai.vn/suc-manh-mem-de-du-lich-viet-hut-khach-quoc-te-post402086.html
Bình luận (0)