>>
>>
>>
>>
Trải nghiệm chốn bồng lai tiên cảnh
Theo người dân địa phương am hiểu về thời tiết và phong cảnh của cung đường thì để khám phá, chinh phục trọn vẹn đỉnh Tà Xùa, chúng tôi nên tham gia hành trình 2 ngày, 1 đêm. Sau khi đã chuẩn bị mọi tư trang bảo đảm cho chuyến công du đến "thiên đường nơi hạ giới”, hơn 6h sáng, đoàn chúng tôi đã được xe đưa đến chân núi Tà Xùa thuộc chòm Sáng Nhù, thôn Tà Xùa, xã Bản Công, từ đây phải đi bộ vượt qua cung đường dài 12 km để chạm tới đỉnh Tà Xùa. Trước mắt chúng tôi là cung đường thử thách tinh thần, ý chí, bản lĩnh và đam mê của người trong cuộc.
Anh Mùa A Sang - người địa phương đi cùng đoàn vừa giới thiệu vừa trấn an mọi người: "Đoạn dốc này chạy dài qua đỉnh đầu rùa dài khoảng 4km. Đây cũng là đoạn dốc đứng và dài nhất trong cả hành trình lên đỉnh Tà Xùa...”.
Tiếng ve kêu râm ran xua đi màn sương sớm, lộ ra bức tranh thanh bình giữa đại ngàn, khiến mỗi chúng tôi cảm giác như con đường trở nên ngắn và đỡ dốc hơn phần nào. Gần hai tiếng đồng hồ vật lộn trong nắng sớm, đoàn đã vượt qua con dốc thử thách đầu tiên và đặt chân lên mỏm đầu rùa. Đây là một hòn đá sừng sững giữa sống lưng núi, có phần mỏ nhô cao, vươn ra xa giữa không gian bao la, giống đầu con rùa và là một điểm check in tuyệt vời được nhiều du khách yêu thích.
Qua mỏm đầu rùa, chúng tôi đặt chân đến một bãi cỏ rộng mênh mông như thảo nguyên, đây là điểm ngốn nhiều nhất thời gian cho check in, quay Tiktok... của các nữ du khách bởi khung cảnh, không gian hùng vĩ, thơ mộng, thanh bình giữa đất trời bao la. Để phục vụ cho du khách hòa mình vào thiên nhiên, một số chị em người địa phương còn tranh thủ đến đây bán nước giải khát và cho thuê trang phục dân tộc, trang phục cổ.
Người dân địa phương bán nước và cho thuê trang phục truyền thống phục vụ du khách có nhu cầu hóa trang khi chinh phục Tà Xùa.
Bà Lý Thị Sua chia sẻ: "Thời gian đẹp cho chinh phục đỉnh Tà Xùa thường là khoảng từ tháng 10 âm lịch cho đến tháng 3 âm lịch năm sau. Vì thời gian này ít mưa, thuận lợi cho du khách di chuyển và an toàn khi du khách ngủ lại tại lán nghỉ trên rừng. Đây cũng là thời gian chúng tôi đã xong việc nương rẫy, đồng áng để đi làm thêm, vừa giúp du khách lưu lại được nhiều kỷ niệm đẹp khi đến với đỉnh Tà Xùa vừa có thêm thu nhập cho gia đình”.
Chưa kịp tận hưởng hết sự tuyệt vời của phong cảnh tại đồng cỏ thì chúng tôi đã bước vào cung đường cheo leo qua các khe đá, vách núi khúc khuỷu, được ví như sống lưng khủng long với chiều dài hơn 2km, mang đến những trải nghiệm vừa hấp dẫn vừa hồi hộp. Có những đoạn là vách đá thẳng đứng, phải hỗ trợ bằng lan can dây cáp để bước qua.
Có những đoạn hai bên là vực sâu thăm thẳm, đi trên sống lưng mỏng manh như có thể rơi ra khỏi không gian chỉ trong tích tắc. Dẫu đoạn đường này được nhận định là nguy hiểm nhất trong cung đường trải nghiệm đỉnh Tà Xùa nhưng đây cũng là đoạn cho cảm giác mạnh nhất đối với du khách yêu thích mạo hiểm và là điểm check in lý tưởng, lưu lại những hình ảnh như đang "cưỡi mây” nơi thiên đường.
Chưa hết cảm giác hấp dẫn, hồi hộp được "cưỡi trên sống lưng khủng long”, chúng tôi tiếp tục lạc vào khu rừng già với đặc trưng cây thấp tè tè cảm giác như người trưởng thành chỉ cần đứng thẳng có thể với tới ngọn cây ngay. Vẫn tiếp con đường mòn dẫn lối, chúng tôi đi đến khu rừng trúc với những bụi trúc um tùm, đan xen vào nhau hai bên đường tạo thành những kiệt tác độc lạ của tự nhiên. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, những cây trúc đan xen, cọ thân vào nhau cùng tiếng lá va đập qua lại lao xao, lao xao, tạo thành một bản nhạc rừng riêng có.
Bản nhạc rừng khiến tôi chợt nhớ về bản nhạc sáo Cúc kẹ (sáo mũi) của nghệ nhân Đặng Thị Thanh (người Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên) vốn có nguồn gốc ban đầu chính là lấy cảm hứng từ tiếng cây trúc va cọ nhau khi gió thổi qua trên rừng. Mọi người còn đang ngây ngất trong bản "nhạc rừng” thì đã bước vào khu rừng rêu phong ma mị kỳ thú như trong truyện cổ tích.
Ở độ cao 2.500m so với mực nước biển, rừng cây ở đây vừa thấp vừa phủ đầy rêu phong với những hình thù kỳ dị. Khi những tia nắng chiều rọi vào kết hợp những gợn mây bay ngang qua, khu rừng rêu trở nên mờ ảo, xanh, tím, huyền bí cảm giác như đang lạc vào chốn thủy cung trong phim Tây du ký. Với chiều dài hơn 2km, cung đường rừng rêu phong có nhiều hình thù, khung cảnh kỳ thú cho du khách thỏa sức sáng tạo để lưu lại những bức hình kỷ niệm trên đỉnh Tà Xùa.
Đi qua khu rừng rêu ma mị, cuối cùng chúng tôi cũng đã chạm tay vào cột mốc đỉnh Tà Xùa sau gần một ngày chinh phục. Đứng trên đỉnh Tà Xùa, phóng tầm mắt về bốn phía là biển mây trắng tinh, xa xa đỉnh núi Tà Chì Nhù, Tà Y Chơ nhô lên như những hòn đảo nhỏ xinh đẹp giữa biển mây, tạo nên khung cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp để các nghệ sĩ thoả sức sáng tạo tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Đồng hồ điểm 17h cũng là lúc chuẩn bị khép lại một ngày tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, độc lạ của núi rừng Tà Xùa - nơi được ví như "thiên đường nơi hạ giới”.
Khách sạn "ngàn sao” nơi "tiền có như không”
Giữa núi rừng bao la, lán nghỉ qua đêm dành cho du khách cách đỉnh Tà Xùa gần 1km nằm giữa khu rừng rêu được ví như khách sạn "ngàn sao” bởi trong bán kính hàng chục cây số, đây là điểm duy nhất phục vụ nhu cầu về sự sống của con người. Trên đỉnh núi cao, hoàng hôn xuống rất nhanh. Khi tia nắng cuối cùng tắt sau ngọn núi xa xa thì màn đêm cũng ập xuống, chúng tôi vội vã về lán nghỉ cộng đồng với sức chứa hơn 150 chỗ ngủ của ông Giàng A Lầu. Tại đây lại mang đến cho du khách những trải nghiệm "có một không hai” về đêm trên đỉnh Tà Xùa.
Ngoài giao lưu ẩm thực với các món ăn truyền thống, giữa đại ngàn rừng xanh, tiếng sáo, tiếng khèn của các chàng trai, cô gái trong ánh lửa trại bập bùng theo hướng gió thổi càng khiến du khách thêm say đắm bởi cảnh sắc thiên nhiên, bởi tình cảm trong trẻo, nhiệt tình của người dân bản địa phục vụ ở đây.
Ông chủ lán nghỉ cộng đồng Giàng A Lầu chia sẻ: "Do lán cách xa trung tâm, đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm phục vụ du khách ở đây đều phải vận chuyển bằng sức người cõng từ trung tâm huyện lên, sẽ không được đầy đủ như chỗ nghỉ dưới trung tâm huyện. Hằng ngày, chúng tôi chỉ mang đủ đồ dùng thiết yếu theo số lượng khách đã đặt trước, mong mọi người hết sức chia sẻ cùng khắc phục với chúng tôi, vui vẻ là chính. Ở đây, người có tiền cũng không thể có chế độ hơn được...”.
Dù khó khăn là vậy nhưng tình yêu, trách nhiệm với quê hương, với du khách, dịch vụ ăn, ngủ cũng rất nhẹ nhàng, hợp lý để mọi du khách đều thoải mái khi đến trải nghiệm và bảo đảm tươi mới, an toàn cho sức khỏe. Trời càng về đêm, cái lạnh càng thấm vào da thịt, ánh lửa trại cũng tắt dần, du khách chìm dần vào giấc ngủ giữa đại ngàn để lấy sức sáng hôm sau dậy đi đón bình minh, săn mây và tiếp tục cho hành trình xuống núi...
Tiềm năng phát triển du lịch
Không thể phủ nhận vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tà Xùa, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khi chinh phục cung đường lên đỉnh Tà Xùa. Vẻ đẹp ấy đã tạo điểm nhấn quan trọng thu hút du khách để địa phương phát triển du lịch. Điển hình, Trạm Tấu đã xây dựng và đưa vào vận hành tour du lịch từ Văn Chấn, qua vùng chè Shan Phình Hồ, ngắm thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì, đến xã Bản Công để chinh phục đỉnh Tà Xùa và rồi qua thị trấn Trạm Tấu tắm suối nước nóng, thưởng thức các món ăn truyền thống của người Thái, người Mông rồi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù cùng nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch khác, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói” của huyện phát triển ngày càng mạnh.
Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan tự nhiên hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nhất là trải nghiệm leo núi, chinh phục đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù nên huyện Trạm Tấu đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động địa phương như: dịch vụ xe ôm, phát triển các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, mua, bán, trao đổi các sản phẩm nông sản địa phương... giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
A Mua
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/226/350743/Ta-Xua---thien-duong-noi-ha-gioi.aspx
Bình luận (0)