Thời gian gần đây, ngoài nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, Thái Nguyên đã thúc đẩy mảng du lịch sinh thái, phát triển văn hóa trà nhằm phát huy đa giá trị cây chè, góp phần làm giàu cho người dân.
CÂY TRỒNG CHỦ LỰC
Cây chè phát triển mạnh ở các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên và các xã sườn đông dãy Tam Đảo thuộc thành phố Phổ Yên. Do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, cùng kinh nghiệm trồng, chế biến được tích lũy nhiều đời của người dân giúp cho chè Thái Nguyên thơm ngon nổi tiếng, được mệnh danh là “đệ nhất danh trà”, đoạt giải vàng, giải bạc tại nhiều cuộc thi trà quốc tế và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Thời gian qua, nhiều chủ thể trên địa bàn đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để có thêm sản phẩm mới nhằm nâng tầm giá trị cây chè. Hợp tác xã Trà Giang ở xã Phúc Tân, thành phố Phổ Yên có hơn ba ha chè, nằm cách vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) không xa, cùng chung thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước cho nên chất lượng sản phẩm chè khá tương đồng.
Thời gian gần đây, Hợp tác xã Trà Giang đã chuyển hướng từ sản xuất chè xanh truyền thống sang sản phẩm hồng trà, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên mang lại giá trị cao. Giám đốc Hợp tác xã Trà Giang Phạm Thị Giang chia sẻ: Qua tích lũy kinh nghiệm, học hỏi quy trình chế biến, đầu tư thiết bị, cơ sở đã thử nghiệm thành công và sản xuất ba dòng sản phẩm hồng trà có màu nước đẹp, ngọt hậu, hương vị đặc trưng cho nên mang lại giá trị kinh tế cao hơn chè truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên hợp tác xã.
Bình quân thu nhập của người lao động tại đây đạt gần 10 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chủ lực “Hồng hạc trà” được khách hàng ưa chuộng, doanh thu năm 2024 đạt hơn hai tỷ đồng.
Kiên trì theo đuổi trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói và không ngừng cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm, Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên thành công với nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu, trong đó có sản phẩm chè tôm nõn đạt tiêu chuẩn OCOP năm sao, năm 2024 đạt doanh thu gần 45 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động và hàng trăm hộ liên kết sản xuất trong vùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thái Nguyên, với diện tích hơn 22,2 nghìn ha, chè là cây trồng chủ lực của tỉnh. Phát huy ưu thế này, với sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 90 nghìn hộ gia đình đã tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè.
Nhiều mô hình đầu tư sản xuất, chế biến áp dụng vào các diện tích chè đã đem lại thành công bước đầu như: lắp đặt công trình, ứng dụng công nghệ tưới tự động để tăng năng suất chè vụ đông; chăm sóc chè theo hướng VietGAP, hữu cơ; đầu tư trang thiết bị tự động hóa nhiều khâu trong quy trình chế biến...
Theo thống kê, ngành chè Thái Nguyên hiện có 193 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba đến năm sao, sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên các nền tảng công nghệ. Năm 2024, sản phẩm chè mang lại doanh thu cho các chủ thể trên địa bàn hơn 13,8 nghìn tỷ đồng.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH, VĂN HÓA TRÀ
Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực thu hút khách du lịch nông nghiệp trải nghiệm vùng chè, qua đó không chỉ tăng cường quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm mà còn khai thác, phát huy đa giá trị của cây chè, vùng chè.
Tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch cộng đồng, góp phần lan tỏa, thu hút du khách, khiến các hợp tác xã, hộ gia đình tham gia ngày càng nhiều. Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt Đào Thanh Hảo cho hay: Bình quân mỗi ngày, nhất là dịp lễ, Tết, cuối tuần, chúng tôi đón tiếp hàng trăm du khách đến trải nghiệm vùng chè, chế biến và thưởng trà.
Qua đó, thương hiệu chè Thái Nguyên được biết đến nhiều hơn, tiêu thụ được nhiều hơn, giá cả tốt hơn. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh, trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm trải nghiệm vùng chè được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phục vụ chuyên nghiệp cho nên thu hút ngày càng nhiều du khách.
Năm 2024, tỉnh đón 3,4 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 40% so với năm 2023, doanh thu đạt gần 3.100 tỷ đồng, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các cơ sở sản xuất chè.
Tỉnh đang phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thử nghiệm các chuyến tàu du lịch Hà Nội-Thái Nguyên, nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch...
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thừa nhận, dù có bước phát triển, song ngành chè phát triển thiếu đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của “đệ nhất danh trà”.
Theo đó, vẫn thiếu vắng những doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh chè quy mô lớn, công nghệ hiện đại; việc trồng chè vẫn phổ biến ở quy mô nông hộ manh mún, không có điều kiện đầu tư lớn để nâng cao giá trị của chè.
Trên phạm vi rộng, công nghệ chế biến chè còn hạn chế, rất ít sản phẩm được chiết xuất thành đồ uống, nước giải khát, mỹ phẩm làm đẹp... Để khắc phục hạn chế này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: Triển khai thực hiện nghị quyết có tính đột phá với ngành chè, mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát quy hoạch, đề xuất phương án mở rộng vùng chè tập trung tại xã Tân Cương, kết hợp quy hoạch khu đô thị, không gian văn hóa trà cộng đồng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, lấy cây chè làm trung tâm, làm động lực cho sự phát triển.
Từ nay đến năm 2030, ngoài bảo vệ, giữ vững diện tích chè hiện có, tỉnh Thái Nguyên còn phát triển lên 24.500 ha chè; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng chè tập trung lớn hơn để có điều kiện ứng dụng khoa học, công nghệ, đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm chế biến từ chè; tăng cường quảng bá, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; khai thác tiềm năng về du lịch, văn hóa trà để phát huy đa giá trị của cây chè.
Nguồn: https://nhandan.vn/tan-dung-loi-the-mien-de-nhat-danh-tra-post874468.html
Bình luận (0)