Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường giữ rừng trong mùa khô

Toàn tỉnh hiện có hơn 276.000 ha diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, tỉ lệ độ che phủ rừng đạt trên 49,4%, do vậy công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được ưu tiên hàng đầu. Bước vào mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để bảo vệ rừng.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị23/04/2025


Tăng cường giữ rừng trong mùa khô

Chi cục Kiểm lâm huấn luyện phòng cháy chữa cháy rừng -Ảnh: L.A

Huyện Đakrông có diện tích rừng hơn 80.560 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 62.400 ha, rừng trồng khoảng 18.160 ha, tỉ lệ độ che phủ rừng đạt trên 65,65%. Thời điểm này bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, hanh khô kéo dài và cũng là thời điểm người dân bước vào vụ đốt nương làm rẫy, phát dọn thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất trên các sườn đồi nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng xảy ra, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền người dân trong việc đảm bảo các biện pháp PCCCR. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã kiện toàn các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng, PCCCR, đảm bảo chế độ trực thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại rừng, đốt thực bì không đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông Nguyễn Thị Hạnh thông tin, địa phương có diện tích rừng tương đối lớn, lên đến hơn 4.900 ha. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 4.500 ha, rừng trồng hơn 400 ha với khoảng 330 ha đến tuổi khai thác. Vào mùa khô từ tháng 4 - tháng 9 là thời điểm nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh làm cho thảm thực vật khô kiệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Do vậy, để thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn xã, ngay từ đầu năm, UBND xã đã kiện toàn ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng. Xây dựng phương án PCCCR phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Quản lý chặt chẽ phát sinh nguồn nhiệt trong rừng, ven rừng; bố trí trực PCCCR từ tháng 4 - tháng 9.

Yêu cầu các chủ rừng chăm sóc rừng trước mùa khô, đồng thời tu sửa các đường ranh, đường lô nhằm ngăn chặn việc cháy lan, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra. Bố trí lực lượng duy trì trực các vị trí chòi canh lửa thường xuyên liên tục và thông tin liên lạc thông suốt. Đồng thời phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ rừng cấp xã để quản lý các nguồn nhiệt phát sinh. Tổ chức các đợt kiểm tra, nhắc nhở, ký cam kết đối với các hộ gia đình có khai thác gỗ rừng trồng.

“Nhờ chủ động trong công tác PCCCR nên trong 3 năm trở lại đây trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Trong năm 2024 có xảy ra 3 điểm cháy nhưng không gây thiệt hại về rừng. UBND xã cũng đã xử lý 1 trường hợp có hành vi không thực hiện đúng quy định pháp luật về sử dụng lửa khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng với mức phạt 2,25 triệu đồng”, bà Hạnh cho biết thêm.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông Đào Thiên Hoàng, để chủ động trong công tác PCCCR, đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, các ban quản lý rừng, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện tổ chức rà soát lực lượng, phương tiện, dụng cụ tham gia chữa cháy rừng năm 2025 đảm bảo kịp thời huy động chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Rà soát các vùng trọng điểm cháy rừng, các công trình phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn huyện nhằm xây dựng và bổ sung phương án PCCCR các cấp sát, đúng với thực tế. Chủ động bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ sẵn sàng phục vụ công tác chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; xây dựng lịch, tổ chức trực PCCCR, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm nắng nóng, chú trọng các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao như: Hướng Hiệp, Ba Lòng, Triệu Nguyên, Đakrông, Tà Long, Ba Nang, Tà Rụt, A Bung...

Phối hợp với các địa phương phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong các ngày nắng nóng cao điểm, cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III - cấp V. Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm hiện tượng cháy rừng, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lớn.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCCR; yêu cầu người dân tuyệt đối không đốt thực bì trong khoảng thời gian từ sau 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều, vào các ngày cao điểm nắng nóng dự báo cấp cháy rừng cấp III, IV, V.

“Các địa phương cũng đã rà soát, kiện toàn 67 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng - PCCCR với 663 người tham gia, đảm bảo sẵn sàng lực lượng cho công tác PCCCR trong mùa khô 2025”, ông Hoàng thông tin thêm.

Toàn tỉnh hiện có hơn 276.000 ha diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Trong đó, rừng đặc dụng gần 57.500 ha, rừng phòng hộ hơn 65.100 ha, rừng sản xuất hơn 126.400 ha. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 vụ cháy rừng trồng với diện tích thiệt hại hơn 22,2 ha, trị giá thiệt hại khoảng 890 triệu đồng; 27 điểm cháy thực bì dưới tán rừng không gây mất rừng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phụ trách Chi cục Kiểm lâm Phan Văn Phước cho biết, bước vào mùa khô năm nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động theo dõi dự báo tình hình thời tiết, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và cung cấp thông tin cho các địa phương và Nhân dân biết để thực hiện phương án PCCCR.

Tăng cường kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao, khu vực hằng năm thường xảy ra cháy rừng. Tổ chức trực, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy hỗ trợ địa phương khi xảy ra cháy lớn và có yêu cầu của địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS và các công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực, chất lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, dự báo, cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng.

Theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Về phía các chủ rừng, yêu cầu rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo chủ động, kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR, trong đó phương châm là lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là các hoạt động đốt nương làm rẫy, dùng lửa để xử lý thực bì , kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lửa có nguy cơ gây cháy rừng cao, đặc biệt trong những thời điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài.

Lê An

Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-cuong-giu-rung-trong-mua-kho-193142.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm