Chú trọng xây dựng Đảng, tiên phong đổi mới quản trị
Thành quả đáng ghi nhận đầu tiên trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ ĐHQGHN là sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, hợp tác, kiến tạo nền tảng để phát triển bền vững, phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Công tác xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được chú trọng, kết quả đánh giá, xếp loại ngày càng thực chất hơn, với tỷ lệ chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trung bình hằng năm đạt hơn 97%; đảng viên đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 98%/năm. Tính đến hết năm 2024, toàn Đảng bộ ĐHQGHN có 961 đảng viên được kết nạp, trong đó có 558 đảng viên là sinh viên và 14 đảng viên là học sinh, vượt gấp đôi chỉ tiêu toàn nhiệm kỳ.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ĐHQGHN sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giảm từ 36 xuống 25 đầu mối, đạt được sự đồng thuận cao và giữ vững khối đoàn kết trong toàn Đảng bộ; đẩy mạnh cơ chế tự chủ và tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn gắn với với nâng cấp, phát triển một số đơn vị theo lộ trình để hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo.
ĐHQGHN trao quyền tự chủ cao, gắn với trách nhiệm giải trình cho các đơn vị, tập trung quản trị chiến lược và chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, điều phối, liên kết các đơn vị và trực tiếp triển khai các nhiệm vụ lớn, có tính liên ngành, liên lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc tự chủ trong tổ chức và hoạt động nhằm phát huy lợi thế chuyên môn riêng nhưng vẫn bảo đảm cơ chế liên thông, liên kết, sử dụng nguồn lực chung của toàn ĐHQGHN để phát triển.
Chuyển đổi số và đổi mới quản trị tại ĐHQGHN có bước tiến rõ nét. Hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý được hiện đại hóa, kết nối đồng bộ giữa cơ sở nội thành và tại Hòa Lạc, góp phần tinh gọn, số hóa thủ tục hành chính. Đến cuối năm 2024, 95% học liệu được số hóa; dữ liệu cán bộ, sinh viên số hóa đạt 100%; 20% môn học mỗi chương trình áp dụng giảng dạy trực tuyến.
Tạo lập vị thế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học
Quy mô đào tạo đại học của ĐHQGHN hiện nay là hơn 60.000 người học, vượt 26,5% so với chỉ tiêu đề ra. Các chương trình đào tạo được điều chỉnh linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cơ cấu ngành, lĩnh vực được điều chỉnh theo hướng tăng khối kỹ thuật công nghệ, khoa học sức khỏe và nghệ thuật sáng tạo số (đạt 30% tổng quy mô đào tạo), năm học 2024-2025 đạt 40%, từ năm 2026 hướng đến mục tiêu 65%.
Quốc tế hóa là trụ cột chiến lược trong đào tạo, ĐHQGHN đang tái cấu trúc toàn diện chương trình, phương pháp giảng dạy và mô hình tổ chức theo chuẩn quốc tế. Một trong những điểm nhấn quan trọng là rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân xuống còn 3 năm, áp dụng hệ thống 3 học kỳ/năm, giúp sinh viên chủ động lộ trình và sớm gia nhập thị trường lao động.
Hằng năm, ĐHQGHN đào tạo gần 10.000 cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến, tuyên truyền lý luận chính trị cho Đảng, Nhà nước ở các bậc đại học và sau đại học; đóng góp quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Hoạt động khoa học và công nghệ của ĐHQGHN đạt những thành tựu đáng ghi nhận, bước đầu áp dụng quy trình tin học hóa, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống các phần mềm quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, rút ngắn đáng kể thủ tục hành chính. Nguồn lực tài chính đã và đang đầu tư cho nhiệm kỳ tới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tăng đột biến, ước đạt hơn 3.520 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ khoa học tiếp tục gia tăng, trong tổng số 5.291 cán bộ, có 2.878 cán bộ khoa học; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 67,3%; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư đạt 21%… Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tổng số bài báo khoa học được công bố trên hệ thống ISI/SCOPUS là 9.751 bài, nhiều hơn 2,7 lần so với nhiệm kỳ trước.
Mạng lưới khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN được cấu trúc lại với 15 chương trình nghiên cứu; 8 lĩnh vực công nghệ mũi nhọn ưu tiên (gồm: công nghệ chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghệ sinh-y và nông nghiệp, môi trường, robot và tự động hóa, năng lượng và vật liệu tiên tiến, công nghệ lượng tử); 46 nhóm nghiên cứu mạnh; hệ thống phòng thí nghiệm được đầu tư, hiện đại hóa, trong đó có 9 phòng thí nghiệm trọng điểm, 1 phòng thí điểm trọng điểm quốc gia. Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo gắn với phát triển các đơn vị nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao (tổ chức lại các viện nghiên cứu thành viên, triển khai thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển bền vững, Viện Công nghệ lượng tử, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển ĐHQGHN, Vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ, các quỹ phát triển khoa học công nghệ…).
Đột phá phát triển và hội nhập quốc tế
Nguồn lực tài chính, hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số đạt được nhiều thành tựu. Xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc và đến nay hầu hết các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đã chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc là nhiệm vụ lớn và được xác định là khâu đột phá của Đảng bộ ĐHQGHN trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, Khu đô thị ĐHQGHN sẽ đạt hơn 480.000 m2 sàn xây dựng, với gần 20.000 học sinh, sinh viên chính quy học tập thường trực và khoảng 2.000 sinh viên học giáo dục quốc phòng và an ninh định kỳ, đánh dấu sự chuyển mình của ĐHQGHN hướng tới một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học.
Ưu thế về mô hình tổ chức và với vai trò là đại học hàng đầu của Việt Nam đã cho phép ĐHQGHN hợp tác với các đại học lớn trên thế giới. Cùng với việc duy trì hàng trăm đối tác quốc tế truyền thống, trong thời gian qua, ĐHQGHN đã mở rộng ký kết hợp tác với các đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như: Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Tokyo, Đại học Paris-Saclay, Đại học RMIT, Đại học College Dublin, và nhiều đại học hàng đầu của Nga, Pháp, Hàn Quốc... Thông qua hợp tác quốc tế, ĐHQGHN đã tiên phong thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên quốc tế. ĐHQGHN luôn là điểm đến của các đại học, tổ chức giáo dục-khoa học, học giả, chính khách và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng thế giới.
Các chỉ số xếp hạng đại học của ĐHQGHN không ngừng được cải thiện, theo bảng xếp hạng QS (bảng xếp hạng đại học thế giới), về tổng thể ĐHQGHN hiện đứng vị trí trong nhóm 761-770 các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới, liên tục tăng hơn 100 bậc/năm trong 3 năm gần đây; tại Bảng xếp hạng của Times Higher Education Impact Rankings lấy 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, ĐHQGHN đứng ở vị trí 70 thế giới về tiêu chí giáo dục có chất lượng; Bảng xếp hạng QS World University Rankings về phát triển bền vững 2025, ĐHQGHN xếp hạng 325 thế giới, đứng vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam; nhiều chỉ số quan trọng, ngành/lĩnh vực nằm trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.
Phát huy trách nhiệm quốc gia, các nhà khoa học của ĐHQGHN tiếp tục khẳng định và phát huy tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia: Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị với nhiều công trình nghiên cứu cung cấp cơ sở và luận cứ khoa học tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước; tham gia sâu vào việc tư vấn, phản biện, góp ý cho Quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ đô Hà Nội và các địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng bộ ĐHQGHN đặt mục tiêu trở thành “Đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nhóm các đại học hàng đầu thế giới” vào năm 2030. Để đạt được điều này, ĐHQGHN tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong quản trị đại học, tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời bảo đảm liên thông nhân lực và chia sẻ nguồn lực.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia. Đây là bước ngoặt lịch sử, khẳng định ĐHQG không chỉ là nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam mà còn tạo ra một cơ chế mới để phát huy hết tiềm lực thực hiện các sứ mệnh mới của kỷ nguyên vươn mình. Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, kiến tạo của các bộ, ngành cùng nội lực mạnh mẽ từ đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và sinh viên, ĐHQGHN đang trên hành trình phát triển đột phá trở thành biểu tượng của đổi mới sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/tao-lap-vi-the-moi-cua-co-so-dao-tao-nghien-cuu-hang-dau-ca-nuoc-post894243.html
Bình luận (0)