Thống nhất phương án 1 (8 phường, 20 xã)
Ngày 28.3.2025, Văn phòng Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phương án tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cơ bản thống nhất phương án 1 (gồm 8 phường, 20 xã) tổ chức lại ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Đảng uỷ UBND tỉnh tại Tờ trình số 48-TTr/ĐU ngày 26.3.2025, nhằm thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chỉ đạo của Trung ương.
Theo tờ trình của Đảng uỷ UBND tỉnh, tại phương án 1, giảm từ 94 ĐVHC xã xuống còn 28 đơn vị (8 phường và 20 xã, trong đó có 8 xã biên giới). Phương án này có ưu điểm bảo đảm tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo định hướng của Trung ương; tăng số lượng phường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị, thu hút đầu tư.
Cùng với việc thống nhất phương án 1, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Đảng uỷ UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, hoàn chỉnh nội dung phương án, trong đó, cần lưu ý về tên gọi và vị trí đặt trung tâm hành chính được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất; các chính sách liên quan đến xã khó khăn vẫn được duy trì, thực hiện; chính sách thu hút đầu tư các dự án nằm trên địa bàn vẫn được tiếp tục thực hiện theo quy định; hoàn chỉnh phương án báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định; đồng thời, kịp thời thông tin với tỉnh Long An về việc đặt tên gọi các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp để tránh việc trùng lắp.
Phương án sắp xếp bộ máy hành chính cấp xã
Theo đề xuất của Đảng uỷ UBND tỉnh tại Tờ trình số 48-TTr/ĐU ngày 26.3.2025, việc lựa chọn phương án 1 có ưu điểm bảo đảm tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo định hướng của Trung ương; tăng số lượng phường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Cụ thể, TP. Tây Ninh tổ chức lại 7 phường, 3 xã, thực hiện sáp nhập 3 xã của Dương Minh Châu (phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh) sáp nhập xã Phan, Bàu Năng, Chà Là- huyện Dương Minh Châu) thành 3 phường; giảm 10 ĐVHC cấp xã.
Hoà Thành tổ chức lại 4 phường, 4 xã, giảm 8 ĐVHC cấp xã. Thực hiện sáp nhập phường Long Hoa, Long Thành Bắc, xã Trường Hoà, Trường Tây, Trường Đông và sáp nhập xã Cẩm Giang của huyện Gò Dầu. Phường Hiệp Tân, xã Long Thành Trung, Long Thành Nam sáp nhập xã Thanh Điền của huyện Châu Thành thành 2 phường.
Trảng Bàng tổ chức lại 5 phường, 4 xã, giảm còn 4 ĐVHC mới cấp xã; thực hiện sáp nhập xã Phước Bình, Phước Chỉ, An Thạnh (huyện Bến Cầu) thành 2 phường, 2 xã.
Huyện Gò Dầu tổ chức lại 7 xã, 1 thị trấn; sáp nhập phường Gia Bình (Trảng Bàng) vào thị trấn Gò Dầu, xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu) thành 1 phường, 2 xã; mở rộng địa giới hành chính của xã Phước Trạch về phía xã Hiệp Thạnh để kết nối với xã Phước Thạnh.
Huyện Bến Cầu tổ chức lại 7 xã, 1 thị trấn còn 2 ĐVHC mới, trên cơ sở sáp nhập xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ, Long Phước và xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành).
Huyện Châu Thành còn 4 ĐVHC mới cấp xã (giảm 10 ĐVHC) sau khi thực hiện sáp nhập xã Biên Giới, Phước Vinh, Hoà Hiệp (huyện Tân Biên); xã Long Vĩnh sáp nhập Bến Cầu, Thanh Điền sáp nhập Hoà Thành.
Huyện Tân Biên giảm 7 ĐVHC, còn 3 ĐVHC mới cấp xã; thực hiện sáp nhập xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu) và xã Thạnh Bình, Thạnh Bắc; mở rộng địa giới hành chính của thị trấn Tân Biên về phía xã Thạnh Tây để kết nối với xã Tân Phong.
Huyện Tân Châu giảm 6 ĐVHC sau tổ chức lại 10 xã (xã Thạnh Đông sáp nhập Tân Biên), 1 thị trấn, còn 5 ĐVHC mới cấp xã. Đơn vị này mở rộng địa giới hành chính của thị trấn Tân Châu về phía xã Thạnh Đông để kết nối với xã Tân Phú. Theo đề xuất của Đảng uỷ UBND tỉnh, tỷ lệ giảm của huyện Tân Châu ít (54,54%) do diện tích của địa phương này lớn, trong đó diện tích rừng chiếm 30%.
Huyện Dương Minh Châu giảm 6 ĐVHC, còn 2 ĐVHC mới cấp xã sau tổ chức lại 7 xã, 1 thị trấn.
Đảng uỷ UBND tỉnh còn đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính đối với ranh giới hành chính cho phù hợp sau sáp nhập ĐVHC cấp xã.
Cân nhắc các yếu tố khi đặt tên đơn vị hành chính mới
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá.
Tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp trên có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.
Khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập hoặc tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hoá và đã được nhân dân địa phương đồng thuận.
Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Trung tâm hành chính- chính trị của ĐVHC mới phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển; dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, bảo đảm tính hài hoà, hợp lý.
Tây Ninh có tổng diện tích tự nhiên khoảng 4.041 km2, quy mô dân số khoảng 1.334 người (tính đến quý III năm 2024). Toàn tỉnh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện) và 94 đơn vị hành chính cấp xã (17 phường, 6 thị trấn và 51 xã, 20 xã biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia). Tính đến tháng 2.2025, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện là 1.240 người, cấp xã 1.917 người. Ngoài ra, số người hoạt động không chuyên ở cấp xã là 1.418 người. |
Tâm Giang
Nguồn: https://baotayninh.vn/tay-ninh-con-8-phuong-20-xa-a188168.html
Bình luận (0)