Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thách thức từ Tradewar 2.0, kỳ vọng chính phủ đẩy mạnh những động lực tăng...

Việt NamViệt Nam20/04/2025


Công ty chứng khoán KBSV điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 6% sau khi đánh giá những rủi ro trong Tradewar 2.0 đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước những thách thức từ bên ngoài, KBSV cho rằng Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng nội tại như Đầu tư công và tăng trưởng tín dụng.

Bức tranh kinh tế vĩ mô Quý 1/2025 duy trì xu hướng tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6.93%, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Xét từ phía cầu, tiêu dùng và đầu tư duy trì xu hướng tích cực trong Quý 1/2025. Xét từ phía cung, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt được mục tiêu phấn đấu là 8.0% cho năm 2025. 

Động lực tăng trưởng bên ngoài suy yếu

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam gắn chặt với hoạt động thương mại quốc tế. Do đó, đứng trước những rủi ro từ Tradewar 2.0, KBSV điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 6% (so với dự phóng 7% trước đó). Trong bối này, KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội địa, đặc biệt là đầu tư công và tăng trưởng tín dụng.

Khoảng 50% mức tăng trưởng GDP và 54% thị trường lao động của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Đồng thời Việt Nam cũng là nền kinh tế dựa vào thương mại nhiều nhất ở Đông Á, ngoại trừ Sing-ga-po, cho thấy nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, và tăng trưởng kinh tế gắn chặt với thương mại quốc tế. Trong bối cảnh Tradewar 2.0 dưới thời Tổng thống Donald Trump, các chính sách mới không còn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam như Tradewar 1.0 trước đó. Điều này khiến Việt Nam đối mặt với rủi ro sụt giảm hoạt động xuất khẩu và việc thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và việc làm trong nước.

Thách thức từ Tradewar 20 kỳ vọng chính phủ đẩy mạnh những động lực tăng trưởng từ nội địa
Đóng góp xuất khẩu và dòng vốn FDI vào nền kinh tế Việt Nam

Trong ngắn hạn, KBSV duy trì quan điểm dòng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam sẽ sụt giảm giai đoạn 2025 – 2026. Mức độ sụt giảm sẽ phụ thuộc chính vào mức thuế đối ứng mà Việt Nam phải chịu. Trong kịch bản tiêu cực nhất, với xác suất xảy ra thấp, Việt Nam chịu Thuế đối ứng không đổi là 46% (được coi là mức trần sau đàm phán), vốn FDI giải ngân dự báo sụt giảm 80 - 90%  trong năm 2025. Rủi ro thuế quan cũng sẽ làm gia tăng áp lực rút vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp FDI trong năm 2025.

Thực tế, trong năm 2024, tài khoản tài chính của Việt Nam đã ghi nhận mức thâm hụt 8.03 tỷ USD cao hơn gần 2.7 lần so với mức thâm hụt 2.99 tỷ USD của năm 2023, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển lợi nhuận về nước thay vì tái đầu tư tại Việt Nam do chênh lệch lãi suất.

Trong dài hạn, KBSV kỳ vọng dòng vốn FDI giải ngân có thể dần phục hồi khi những căng thẳng của Tradewar 2.0 qua đi và được bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, nhờ Việt Nam vẫn duy trì lợi thế về lực lượng nhân công giá rẻ, vị trí thuận lợi cho việc giao thương, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, và các chính sách thu hút vốn FDI…

Những tác động tiêu cực từ Tradewar 2.0

Ngày 10/4, Chính quyền D. Trump công bố quyết định tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với tất cả các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. KBSV cho rằng động thái này sẽ tạo cơ hội ngắn hạn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đặc biệt trong quý 2/2025, trước khi các chính sách thuế mới chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2025, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm nhanh chóng. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ thường lên đơn hàng trước từ 3–6 tháng. Vì vậy mức sụt giảm việc đặt hàng trong Quý 2/2025 sẽ dẫn đến khả năng xuất khẩu Việt Nam có thể sụt giảm mạnh vào nửa cuối 2025. KBSV kỳ vọng, với những nỗ lực đàm phán và thương lượng với Mỹ, mức thuế đối ứng áp với Việt Nam sẽ giảm xuống.

Thách thức từ Tradewar 20 kỳ vọng chính phủ đẩy mạnh những động lực tăng trưởng từ nội địa
Xuất khẩu có thể tăng trong quý 2/2025 sau đó sụt giảm nhanh chóng trong nửa cuối năm 2025

Dự báo xuất khẩu giai đoạn 2025, KBSV đưa ra hai kịch bản chính: Kịch bản 1: Mức thuế đối ứng với Việt Nam giảm xuống 30 – 40% Xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm từ 10–15% trong 2025. Dù vậy, xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, máy tính xách tay, linh kiện bán dẫn… có thể được duy trì trong ngắn hạn, nhờ việc được loại ra khỏi danh sách áp Thuế đối ứng. Kịch bản 2: Mức thuế đối ứng với Việt Nam giảm xuống 2x% Mức thuế này tương đồng hoặc chênh lệch không quá với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Bangladesh, Malaysia, KBSV cho rằng hoạt động xuất khẩu dù vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng tác động sẽ phần nào được kiểm soát. Mức sụt giảm xuất khẩu sẽ khoảng 5-8%.

Thị trường lao động Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức đáng kể do sự suy giảm của dòng vốn FDI và hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 35% tỷ lệ việc làm, con số thực tế có thể còn cao hơn do hoạt động sản xuất còn lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, 54% việc làm trong nước phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Do đó, việc dòng vốn FDI và xuất khẩu giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động của Việt Nam, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ như máy móc thiết bị điện, dệt may và gỗ… Sự suy giảm này không chỉ gây áp lực lên việc làm mà còn tác động tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng, vốn chưa hồi phục hoàn toàn.

Tuy vậy, KBSV vẫn kỳ vọng các tác động tiêu cực đến tiêu dùng trong nước sẽ được giảm thiểu một phần nhờ việc Chính phủ thông qua các biện pháp kích thích kinh tế như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy đầu tư công, gia hạn giảm thuế VAT và thúc đẩy du lịch (kéo dài thời gian lưu trú cho du khách từ 12 quốc gia được miễn thị thực).

Đẩy mạnh những động lực tăng trưởng từ nội địa

Trước những thách thức từ bên ngoài, KBSV cho rằng Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng nội tại như Đầu tư công và tăng trưởng tín dụng.

Công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước đã cơ bản hoàn tất trong Quý 1/2025, tạo nền tảng cho hoạt động quản lý và triển khai dự án trở nên hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua ba bộ luật mới (Luật đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản) sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Với những yếu tố thuận lợi này, KBSV kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ tăng tốc trong các quý tiếp theo và trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các động lực bên ngoài suy yếu.

Thách thức từ Tradewar 20 kỳ vọng chính phủ đẩy mạnh những động lực tăng trưởng từ nội địa
Các dự án đầu tư công trọng điểm

Quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công cũng đã thể hiện rõ ngay từ đầu năm 2025 với hàng loạt các kế hoạch được đưa ra như: Bổ sung vốn đầu tư công, Nghị quyết số 192/2025/QH15 bổ sung khoảng 84.3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, nâng tổng kế hoạch giải ngân lên 875,707 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2024, với mục tiêu giải ngân 95%; Phê duyệt các tuyến đường sắt quan trọng, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam (67 tỷ USD) và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8 tỷ USD). Mục tiêu đến năm 2030, tăng gấp đôi chiều dài các tuyến cao tốc; Kế hoạch phát triển mạnh lưới điện, Quy hoạch điện VIII (PDP8) được điều chỉnh vào tháng 3 mới đây đã đặt ra những kế hoạch cụ thể cho việc nâng công suất lắp đặt lên hơn 236 GW đến năm 2030, tăng khoảng 3 lần so với mức 79 GW của hiện tại; Kế hoạch phát triển hệ thống cảng biển, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển trong Quý 1/2025, bổ sung dự án cảng Cần Giờ, mục tiêu tăng công suất cảng biển Việt Nam lên 50% trong 2030.

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại (Tradewar 2.0), KBSV cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy nhờ Chính phủ nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công – động lực quan trọng góp phần hỗ trợ nền kinh tế 2025.

KBSV kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2025 sẽ tiếp tục đà phục hồi, được thúc đẩy nhờ nỗ lực tháo gỡ pháp lý từ Chính phủ và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN 

Việc Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ các nút thắt pháp lý đang tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản bị đình trệ được tái khởi động. Điều này đã trực tiếp dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn cung trong quý I/2025. Cụ thể, thị trường đã ghi nhận khoảng 27,000 sản phẩm nhà ở mới, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, các dự án tiêu biểu khác cũng được tái khởi động sau thời gian trì trệ như Dat Xanh Homes Riverside, New Galaxy, Bien Hoa Universe Complex, Metro Star, NovaWorld Hồ Tràm và NovaWorld Phan Thiết…, đây minh chứng cho tác động tích cực của những nỗ lực khơi thông pháp lý.

Về chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp của NHNN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu thị trường. Những tín hiệu ban đầu cho thấy điều này đang phát huy hiệu quả, với tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường Bất động sản đạt khoảng 45% trong quý I/2025, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy sự hồi phục này chưa phản ánh những rủi ro trong Tradewar 2.0.

KBSV cho rằng, nếu tỷ giá tăng dưới 4%, NHNN vẫn có dư địa để tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, duy trì lãi suất vay thấp để kích cầu mua và đầu tư Bất động sản trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin người mua nhà có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường lao động kém khả quan.



Nguồn: https://baodaknong.vn/thach-thuc-tu-tradewar-2-0-ky-vong-chinh-phu-day-manh-nhung-dong-luc-tang-truong-tu-noi-dia-250024.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm