Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thái Nguyên: Kích hoạt tiềm năng, thúc đẩy du lịch bứt phá

Sở VHTTDL Thái Nguyên vừa phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch23/04/2025

Thái Nguyên: Kích hoạt tiềm năng, thúc đẩy du lịch bứt phá - Ảnh 1.

Chương trình kích cầu du lịch Thái Nguyên 2025 có sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp du lịch.

Đây được xem là một trong những hoạt động trọng điểm nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón trên 6,2 triệu lượt khách và đạt doanh thu 3.500 tỉ đồng trong năm 2025.

Đánh thức tiềm năng và bài toán phát triển bền vững

Là vùng đất trung du miền núi giàu bản sắc văn hóa dân tộc, sở hữu hệ sinh thái đa dạng cùng bề dày lịch sử - cách mạng, Thái Nguyên có đầy đủ điều kiện để phát triển thành điểm đến hấp dẫn.

Từ vùng chè Tân Cương lừng danh đến khu du lịch hồ Núi Cốc, từ hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà kỳ bí đến ATK Định Hóa linh thiêng, Thái Nguyên vừa có cảnh quan tự nhiên, vừa có chiều sâu văn hóa và giá trị truyền thống.

Không những thế, tỉnh còn là trung tâm vùng Việt Bắc, kết nối giao thương thuận lợi với Hà Nội và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, dù sở hữu tiềm năng to lớn, ngành du lịch Thái Nguyên vẫn chưa tạo được bước đột phá rõ nét.

Nguyên nhân đến từ việc sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính trải nghiệm đặc trưng, dịch vụ hỗ trợ chưa đồng bộ, công tác quảng bá chưa được đầu tư tương xứng.

Đặc biệt, việc liên kết vùng còn hạn chế khiến sức hút điểm đến chưa đủ mạnh để giữ chân và thu hút lượng khách lớn.

Chương trình kích cầu du lịch 2025: Động lực bứt phá mới

Trước thực tế đó, Chương trình kích cầu du lịch Thái Nguyên năm 2025 được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng nhằm khơi dậy tiềm năng, thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Thái Nguyên là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, đáng trải nghiệm.

Chương trình tập trung vào các nhóm nhiệm vụ lớn: Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên, khẳng định vị thế là điểm đến an toàn, giàu bản sắc. Giới thiệu các sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chất lượng, tăng trải nghiệm cho du khách.

Thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, tạo chuỗi hành trình liên thông, đa điểm. Nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú, đội ngũ nhân lực du lịch. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong truyền thông và quảng bá điểm đến.

Tại lễ phát động, đã có 46 đơn vị đăng ký tham gia, bao gồm: 7 công ty lữ hành, 11 cơ sở lưu trú, 15 nhà hàng - điểm mua sắm, 13 khu, điểm du lịch tiêu biểu.

Tổng giá trị các gói ưu đãi kích cầu lên tới gần 22 tỉ đồng, được triển khai từ tháng 4 đến tháng 9.2025.

Đây là minh chứng rõ nét cho sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần hợp tác và hành động vì du lịch địa phương.

Thông tin chi tiết về các gói ưu đãi, chương trình trải nghiệm sẽ được cập nhật liên tục trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội và các kênh hỗ trợ khách du lịch.

Tăng cường liên kết: Thành lập Chi hội Du lịch Thái Nguyên - Hà Nội

Cùng ngày, Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên đã chính thức công bố quyết định thành lập Chi hội Du lịch Thái Nguyên - Hà Nội, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp, chia sẻ nguồn lực và quảng bá hình ảnh Thái Nguyên tại thị trường du lịch trọng điểm phía Bắc.

Chi hội gồm 18 thành viên là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có trụ sở tại Hà Nội, những người con quê hương Thái Nguyên đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An Travel được chỉ định làm Chi hội trưởng.

Việc thành lập Chi hội mở ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới khách hàng, liên kết tour tuyến giữa hai địa phương, đồng thời là cầu nối quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến Thái Nguyên năng động, thân thiện và chuyên nghiệp hơn.

Những giải pháp phát triển du lịch Thái Nguyên thời gian tới

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đề ra nhiều giải pháp trọng tâm: Tăng cường hoạt động kích cầu, tạo ra những chương trình trải nghiệm đặc sắc, linh hoạt theo mùa vụ, lễ hội.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, tập trung vào du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề;

Thúc đẩy hợp tác công - tư, liên kết giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái du lịch đồng bộ.

Chú trọng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch gắn với môi trường và cộng đồng.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thu hút doanh nghiệp lớn vào phát triển hạ tầng, khu vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú.

Tổ chức các sự kiện, giải thể thao vùng, quốc gia và quốc tế để nâng cao hình ảnh điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, đặt dịch vụ, quản lý du lịch thông minh.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực làm du lịch có kỹ năng, chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa bản địa và ngoại ngữ.

Với những bước đi bài bản, đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền đến doanh nghiệp, Thái Nguyên đang từng bước tháo gỡ nút thắt, phát huy thế mạnh, mở rộng liên kết, từ đó tạo đà bứt phá cho du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm tới.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/thai-nguyen-kich-hoat-tiem-nang-thuc-day-du-lich-but-pha-20250423090827396.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm