Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh

Ẩn mình trong vòm cây lá, với kiến trúc nhà gỗ ba gian hai chái và ngõ đá chè tàu, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) là điểm đến và trở lại của rất nhiều du khách khi đặt chân tới Tiên Phước. Trên cả ý nghĩa là điểm tham quan du lịch, đây còn là không gian văn hóa, nơi lưu giữ hình ảnh và các hiện vật quý về cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng26/04/2025

Lối vào nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam.  Ảnh: N.T.D.H
Lối vào nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam. Ảnh: N.T.D.H

Mỗi lần đến nơi này, trong không khí vừa thanh bình, vừa thiêng liêng, tôi nghe như có tiếng đồng vọng của thời gian. Mưa nắng qua đây. Bốn mùa mải miết qua đây. Hàng chè tàu ấy, ngõ đá này, tự thế kỷ trước là chốn đi về của một con người giàu tài năng, nhân cách và chí khí sáng ngời. Trong những ngày tháng Tư, tưởng nhớ cụ, tôi nghe văng vẳng những vần thơ cháy bỏng khát vọng: "Phải lo giáo dục nhân tài/ Đúc nên tư cách mở bài phương châm".

Tầm nhìn xa trông rộng của một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân ở thế kỷ trước đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi, bất kỳ thời đại nào, nhân tài cũng là nguyên khí quốc gia. Người có tài có đức luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh của quốc gia dân tộc. Câu thơ của cụ Huỳnh như kim chỉ nam khi giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hóa, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp kiến thiết đất nước.

“Phải lo”, hai tiếng giản dị đầy trăn trở mà cũng tràn đầy kỳ vọng và nhiệt huyết duy tân. Đó cũng là tấm lòng yêu nước thương dân, ý thức trách nhiệm cao với đời của người “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”. Nguồn lực là nhân tài, mới có tư cách, mới “mở bài” tư tưởng chỉ đạo hành động phù hợp, đúng đắn, để góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước.

Cùng niềm khát khao lý tưởng đó, trong “Bài ca lưu biệt”, cụ Huỳnh viết: “Này núi Ấn, nọ sông Đà/ Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt”. Lúc từ biệt các chiến hữu để ra Côn Đảo, khí chất hào sảng của cụ thật đáng khâm phục. “Này núi Ấn, nọ sông Đà”- Câu thơ dạt dào tình yêu, niềm tự hào và lòng thủy chung gắn bó với quê hương xứ Quảng. Chữ “ta” vang lên thật đĩnh đạc, rắn rỏi, bay bổng hùng tâm tráng chí của kẻ sĩ, dù đương gặp “tiết gian nan”. Đấng trượng phu - nhân vật trữ tình trong bài hát nói nổi tiếng này luôn vững tin một ngày mai sẽ trở về “thêu dệt” lại non sông gấm vóc.

Tác phẩm “Bài ca lưu biệt” còn thể hiện nhãn quan sáng suốt, bình thản khi nhìn nhận thời cuộc của cụ Huỳnh: "Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết/ Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan". Chính vì vậy, trong bất kỳ cảnh ngộ nào, người chí sĩ vẫn vững vàng, bất khuất. Chúng ta, những con người của thời đại này học được gì từ khí tiết của "Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an/ Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn"? Chủ động trước mọi hoàn cảnh, bản lĩnh vững vàng trước thử thách “tùy ngộ nhi an” để làm chủ  đời mình, cho cuộc sống giàu ý nghĩa?

Những ngày tháng Tư, tôi bồi hồi nhớ về cụ Mính Viên. Tôi yêu vô cùng tên hiệu đó. Vì đấy là gốc gác quê kiểng, là tình yêu và tâm hồn lộng gió thời đại của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Về nhà lưu niệm cụ Huỳnh, tôi có cảm giác “Người vẫn còn đây, trong ngọn gió đồng...”. Xin được thắp nén tâm nhang cho người con ưu tú của đất nước.

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/tham-nha-luu-niem-cu-huynh-4005840/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm