Tôi không ngờ mình có cơ hội trở lại Tây Nguyên khi tuổi ngoại bát tuần, trong tim thì vừa phải “cấy” một “vật lạ” phòng mạch máu trở chứng. Hồi còn trẻ trung, khi đất nước Nam-Bắc liền một dải, cùng với một số văn nghệ sĩ, tôi có may mắn được “ăn theo” đội quân cầm bút hùng hậu thuộc Quân khu 5 đi thăm Tây Nguyên với trưởng đoàn là nhà văn Nguyên Ngọc. Hơn bốn chục năm đã qua, chỉ còn nhớ đoàn xuất phát từ thành phố Đà Nẵng, trên một chiếc xe ca cỡ lớn, ghé thăm nhiều địa chỉ, ở đâu cũng được đón tiếp ân cần và trịnh trọng nữa. Thì đoàn nhà văn do người bạn chí thiết của Tây Nguyên cầm đầu mà!
Chuyến đi Tây Nguyên tháng 11/2022 lại xuất phát từ Bà Rịa trên chiếc xe giường nằm to kềnh, chạy suốt từ mờ sáng tới chập tối thì đến TP. Buôn Mê Thuột. Chuyến trở về cũng thế, xe chạy thâu đêm. Một chuyến đi chỉ vì việc riêng thôi, nhưng cũng là dịp để thử sức sau khi phải “chọc tim”, thử đi xe nằm đường dài ra sao mà được nhiều người chọn! Đến nay, qua trải nghiệm chuyến khứ hồi Bà Rịa-Buôn Mê Thuột cả nghìn km, thấy đi xe giường nằm cũng vui...
|
***
Chúng tôi đến Buôn Mê Thuột khi chiều đã muộn. Những đoàn tham quan có tổ chức thường nhắm đến những địa chỉ văn hóa đã được “xếp hạng” hẳn là khó có cơ hội được đến tận các ngõ ngách để biết những góc đời sống khuất nẻo ở một thành phố Tây Nguyên như tôi-kẻ “đi lẻ” theo việc riêng. Chiếc xe chở “họ nhà trai” đang đưa chúng tôi đến một nơi như thế. Xe rời đường phố lớn, rẽ vào lối nhỏ ngang dọc kiểu bàn cờ- nhiều đoạn chưa kịp lát bê tông, trời đã tối, nên chỉ biết hai bên um tùm cây lá. Có chiếc xe con của họ nhà gái dẫn đường mà suýt bị lạc!
Đến nơi, chưa hết bất ngờ về lối đi xuyên rừng “rắc rối” đến nhà cô dâu thì đã phải ngạc nhiên trước một vùng sáng rực rỡ, rộn rã tiếng nói cười vui như hội. Một chương trình văn nghệ tự phát trong đêm giữa “cánh rừng” tái lập ở ngoại vi TP. Buôn Mê Thuột mà “diễn viên” đều là dân miền Trung. Đêm nay không có cồng chiêng, bếp lửa, nhưng cảnh anh chị em “đồng hương” của tôi hồn nhiên theo nhau lên sân khấu múa hát tạo sức cuốn hút cả ông già ngoại tám mươi này nhập cuộc. Và ai đó-hình như là một thầy giáo quê Quảng Bình đang hát ca khúc đặc biệt dành cho chính vùng đất này cất lên. Đó là ca khúc “Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột” của nhạc sĩ Nguyễn Cường… Lúc này thì góc rừng đêm ở đây mới thật có không khí Tây Nguyên…
***
Đã đành, nếu đi du lịch, thành phố Tây Nguyên này thì rất nhiều nơi cần đến: Nào là Bảo tàng thế giới cà phê Buôn Mê Thuột, Làng cà phê Trung Nguyên, Cụm thác Dray Sap, Vườn Quốc gia Yok Đôn… Nhưng thời gian hạn hẹp, chúng tôi chỉ có thể dành buổi chiều dạo quanh thành phố, ít ra cũng để … chụp vài pô ảnh lên “Fây” khoe rằng đã lên tới xử sở “vua cà phê”! Cũng đã có ảnh chụp trước Bảo tàng Cà phê, bên cụm “Tượng đài chiến thắng Buôn Mê Thuột” và trước mô hình nhà rông có tên “Âm vang đại ngàn” ở trung tâm thành phố…
Hôm đó là một ngày cuối năm 2022. Không phải là “ngày kỷ niệm”, nhưng nhiều cựu chiến binh đã trở lại thăm chiến trường xưa. Phải! Để có chiến công mở đầu ngày 9/3/1975, như tôi được biết, bản kế hoạch chiến lược sau 7 lần chỉnh sửa, đến ngày 26/8/1974 được hoàn chỉnh với hướng đánh chính là Tây Nguyên; sau đó, được trình lãnh đạo Đảng duyệt tại một phiên họp kéo dài của Bộ Chính trị vào tháng 10/1974. Như vậy là có thể cũng vào thời điểm tôi đến Buôn Mê Thuột, chỉ khác đó là năm 1974, trong những khu rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên, các cánh quân lớn đã rầm rộ và lặng lẽ vào trận, tiến công và nghi binh, để ngày 9/3 làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Mê Thuột…
Những điều này, đã có không ít sách báo nói đến. Một điều khá bất ngờ là tôi gặp được một nhân chứng để có “góc nhìn” từ phía đối phương. Anh là một người con quê Quảng Bình, thành viên bất ngờ nhập đoàn họ nhà trai sau khi chúng tôi đến Buôn Mê Thuột. Anh N. là công dân của Tây Nguyên đã hơn nửa thế kỷ. Nhà anh tại một đường phố gần trung tâm. Là bà con thân thiết, nhưng tất cả họ nhà trai trên xe lần đầu biết đến anh! Với tôi, càng như thế, nhưng thật lạ, anh trò chuyện với tôi cởi mở, không hề e ngại. Thân phụ anh bị Pháp bắt lính khoảng trước năm 1950, khi Quảng Bình còn là vùng bị địch “tạm chiếm”; vậy nên sau Hiệp nghị Genève 1954, ông cuốn cả gia đình vô Huế, rồi vô Sài Gòn, lên Gia Lai… Ôi chao!
Chuyện mấy đời người, cả một thế hệ, trải dài hơn bảy thập kỷ kể sao cho hết. Thấy tôi có vẻ quan tâm tìm hỏi di tích trận đánh ngày 9/3/1975 mở đầu Tổng tiến công Xuân 1975, anh mỉm cười và chẳng e dè kể rằng: “Lúc đó, tôi là trung úy lính dù, liền cởi bỏ quân phục, trốn vào rừng; hôm sau bò ra, may gặp một sĩ quan Bắc Việt, tôi không giấu giếm gì; và khi tôi nói mình biết lái xe, thế là ông ta thu nhận cho đi cùng…Nhưng khi trở về địa phương, cũng phải đi cải tạo…” Giọng anh nhỏ nhẹ. Gần nửa thế kỷ đã qua rồi! Mà gia đình anh biết cách làm ăn, vùng đất thì ưu đãi con người, nên cuộc sống không giàu sang nhưng cũng dễ chịu. Có phải vì thế mà đến nay, anh chưa một lần trở lại quê nhà bên dòng Kiến Giang? Hay anh còn chút mặc cảm...
Tôi và mấy người em khuyên anh đừng ngại ngần chi hết, bây giờ không còn ai nhắc chuyện cũ nữa đâu. Anh cứ bay ra Đồng Hới, gọi điện là có xe đón đưa anh về quê… Và thật vui, người con Quảng Bình phải xa quê một cách bất đắc dĩ vừa trở lại quê hương sau hơn nửa thế kỷ, ngạc nhiên và cảm động khôn xiết trước khung cảnh Quảng Bình đổi mới ngoài sức tưởng tượng của anh… Nhắc chuyện một người ở phía khác như anh N. tôi bỗng nghĩ rằng ai đó gọi họ là “bên thua cuộc” có lẽ không đúng. Chỉ bọn xâm lược là thua cuộc, con dân tộc Việt Nam đều là “bên thắng cuộc”…
Ghi chép của Nguyễn Khắc Phê
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202503/thang-ba-lai-nho-ve-tay-nguyen-2225261/
Bình luận (0)