Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thị trường tài chính Việt: Ổn định giữa thế giới bất định

Triển vọng thị trường tài chính Việt Nam năm 2025 vẫn tích cực, song cũng đi kèm với không ít thách thức, đặc biệt là từ môi trường quốc tế nhiều bất định. Việc hoạch định chính sách kịp thời, phù hợp và nhất quán sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình một thị trường tài chính ổn định, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững trong tương lai.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng22/04/2025

Ảnh: Nguyên Linh
Ảnh: Nguyên Linh

Ngày 22/4/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”. Báo cáo đã cung cấp một bức tranh tổng thể, minh bạch và khách quan, giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và cộng đồng tài chính có cái nhìn sâu sắc hơn về diễn biến và xu hướng phát triển của thị trường trong bối cảnh nhiều biến động.

Ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV - Ảnh: Nguyên Linh
Ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV - Ảnh: Nguyên Linh

Dấu hiệu phục hồi, song thách thức còn hiện hữu

Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng không đồng đều. Trong khi lạm phát thế giới có xu hướng hạ nhiệt, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, thì môi trường địa chính trị và cạnh tranh thương mại - công nghệ lại đặt ra nhiều rủi ro tiềm ẩn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thích ứng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Nguyên Linh
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Nguyên Linh

Với mức tăng trưởng GDP 7,09%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%, tín dụng tăng trưởng 15,08%, huy động vốn tăng 10,5% và tỷ giá duy trì trong vùng kiểm soát bất chấp áp lực tăng giá mạnh của đồng USD, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 đạt được sự ổn định tương đối và một số kết quả tích cực. Trong lĩnh vực ngân hàng, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt khoảng 299 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2023 - mức tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng và yêu cầu nâng cao vốn tự có.

Thị trường chứng khoán cũng có bước phục hồi tích cực khi chỉ số VN-Index tăng 12,11%, giá trị vốn hóa tăng 14,3% và thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Đáng chú ý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận sự phục hồi rõ ràng với tổng giá trị phát hành đạt 466,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 27,7% so với năm trước.

Tuy nhiên, những rủi ro và bất cập trong hệ thống tài chính vẫn hiện hữu. Xu hướng nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, áp lực tăng vốn của các tổ chức tín dụng ngày càng lớn…

Khối doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn khi niềm tin thị trường chưa phục hồi sau các vụ việc liên quan đến mảng đầu tư liên kết và ảnh hưởng của thiên tai (bồi thường thiệt hại do bão Yagi).

Cùng với đó là khung pháp lý, cơ chế thí điểm (sandbox) cho tài sản số, tài chính số và tiền kỹ thuật số còn chậm ban hành…

Triển vọng tích cực nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ bên ngoài

Năm 2025, bối cảnh quốc tế được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn, nhất là sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Các chính sách mới về thương mại, thuế quan, đầu tư quốc tế và quan hệ đối ngoại từ chính quyền mới có thể tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Riêng vấn đề thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ được xem là nhân tố then chốt ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2025.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Ảnh: Nguyên Linh
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Ảnh: Nguyên Linh

Trình bày Báo cáo, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, với kịch bản cơ sở (xác suất 60%) - giả định khả năng đàm phán thành công giúp mức thuế đối ứng giảm còn 20-25%, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt 6,5-7%.

Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%. Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5-6% năm 2025.

Tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2024; dự báo năm 2025 (Nguồn: TCTCK; Nhóm Nghiên cứu dự báo, tính toán)
Tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2024; dự báo năm 2025 (Nguồn: TCTCK; Nhóm Nghiên cứu dự báo, tính toán)

Với kịch bản cơ sở, lạm phát năm 2025 được dự báo ở mức 4-4,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% (do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm với giá bất động sản còn cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân).

NHNN tiếp tục được kỳ vọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm nhẹ theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Tỷ giá USD/VND dự báo còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3-4% trong cả năm.

Mặc dù vậy, thị trường tài chính năm 2025 vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm kiểm soát như: Những biến động bất ngờ, khó đoán định trên thị trường quốc tế (đặc biệt là vấn đề thuế quan của Mỹ) và tác động; áp lực TPDN đáo hạn vẫn khá lớn và rơi nhiều vào nhóm doanh nghiệp bất động sản; nợ xấu chịu nhiều áp lực tăng, đòi hỏi sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội để xử lý căn cơ hơn; rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn.

Với thị trường TPDN, sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ năm 2022, thị trường TPDN năm 2024 đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét cả về quy mô phát hành và tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, Báo cáo nhận định sự phục hồi này vẫn thiếu tính bền vững và cần cải thiện nhiều vấn đề. Trong ngắn hạn là áp lực từ lượng trái phiếu đáo hạn lớn, còn trong dài hạn là những vấn đề mang tính cấu trúc, như cơ cấu hay hình thức phát hành; cơ sở, cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư…

Một số khuyến nghị chính sách trọng tâm

Nhằm thúc đẩy phát triển ổn định và bền vững thị trường tài chính trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách cụ thể: (i) phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, giảm bớt gánh nặng cung ứng vốn trung – dài hạn lên hệ thống ngân hàng; (ii) thúc đẩy sự phát triển và sớm nâng hạng thị trường chứng khoán; (iii) gia tăng khả năng cung ứng và hấp thụ vốn của nền kinh tế; (iv) thúc đẩy phát triển bền vững, tài chính xanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản trị dữ liệu theo tinh thần Nghị quyết 57/2024/NQ-TW; (v) tăng cường cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính và phát triển bền vững.

Thị trường tài chính Việt: Ổn định giữa thế giới bất định

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường TPDN cần bao gồm cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, vấn đề cấp bách là giải quyết ổn thỏa tình trạng TPDN chậm trả và đáo hạn, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư; cũng như cần sớm cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành trái phiếu ra công chúng để khuyến khích doanh nghiệp phát hành nhiều hơn. Ngoài ra, nên bổ sung chính sách khuyến khích và công bố thông tin xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN), có phân nhóm tiêu chí yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.

Về dài hạn, 5 nhóm giải pháp chính được Nhóm nghiên cứu đề xuất, bao gồm: (i) Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu, bao gồm cả thị trường TPCP nhằm tạo chuẩn (benchmark) về lãi suất; (ii) Hoàn thiện hạ tầng cho thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo; (iii) Hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường; (iv) Đa dạng hóa và cải thiện chất lượng nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp; (v) Việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BIDV, ông Trần Phương cho biết, liên tục trong ba năm qua (2022-2024), BIDV đã đồng phối hợp với ADB tổ chức hội thảo thường niên về thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các định chế tài chính trong và ngoài nước, hiệp hội, viện nghiên cứu, giới truyền thông. Năm nay, tiếp nối thành công của 3 kỳ báo cáo trước, BIDV - với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của ADB - tiếp tục thực hiện Báo cáo: “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”. Cho đến nay, đây là báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng - Chứng khoán - Bảo hiểm.

“Chúng tôi tin rằng chuỗi báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, báo cáo cũng nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững”, ông Trần Phương nói.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-tai-chinh-viet-on-dinh-giua-the-gioi-bat-dinh-163167.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm