(Ông Hoài Nam, 54 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời:
Chào bác!
Tình trạng thiếu máu thiếu sắt làm giảm số lượng hoặc kích thước tế bào hồng cầu, dẫn đến giảm khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, mất năng lượng, suy nghĩ tiêu cực, giảm khả năng tập trung, tim đập nhanh khi gắng sức, da xanh xao, móng tay nhợt nhạt. Thiếu máu thiếu sắt giai đoạn đầu thường khó phát hiện vì các triệu chứng dễ bị bỏ qua.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt, trong đó chủ yếu là do chế độ ăn thiếu sắt, không đa dạng, hoặc kiêng khem quá mức. Những người ăn chay trường có nguy cơ thiếu sắt và vitamin B12. Ngoài ra, một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như cà phê.
Bác có thể cải thiện tình trạng này qua bổ sung bằng chế độ ăn uống như:
- Thực phẩm giàu sắt: Gan động vật là nguồn giàu sắt nhất, ngoài ra còn có thịt bò, gà, heo, cá.
- Ăn đa dạng các nhóm thực phẩm: Đảm bảo đủ 4 nhóm (tinh bột, đạm, rau, quả) trong bữa ăn hàng ngày.
- Rau và quả tươi: Cung cấp vitamin và khoáng chất hỗ trợ hấp thu sắt, đặc biệt là vitamin C. Ưu tiên các loại rau có nhiều sắt như cải xoăn, xà lách.
- Hạn chế thực phẩm ức chế hấp thu sắt: Cà phê, trà (đặc biệt là trà sữa, nước tăng lực) nên dùng cách xa bữa ăn bổ sung sắt. Sữa cũng nên uống cách bữa ăn chính khoảng 1.5 - 2 tiếng.
Lưu ý, nếu đã được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt qua xét nghiệm và có triệu chứng lâm sàng. Việc điều trị bằng viên sắt cần theo phác đồ của bác sĩ, thường kéo dài 3-6 tháng.
Tóm lại, việc có một chế độ ăn uống đa dạng, cân đối và đầy đủ chất sắt có thể phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thiếu máu thiếu sắt. Khi đã bị thiếu máu thiếu sắt, việc bổ sung sắt bằng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp với chế độ ăn uống khoa học.
Bác sĩ Bùi Hữu Lợi,
Chuyên khoa Nội tổng quát, Giám đốc Phòng khám đa khoa Ái Nghĩa Tam Phước
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202503/thieu-sat-co-gay-ra-hoa-mat-chong-mat-khong-db16a30/
Bình luận (0)