Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tim Cook bị ông Trump 'trừng phạt'?

Không còn nhận thiện cảm tốt đẹp từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, CEO Tim Cook khiến tình hình Apple trở nền tồi tệ hơn.

Zing NewsZing News27/05/2025

Tim Cook, CEO Apple. Ảnh: Reuters.

Trước chuyến công du đến Trung Đông giữa tháng 5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà Trắng đã khuyến khích một số công ty Mỹ cử đại diện đi cùng. Nguồn tin từ New York Times cho biết CEO Tim Cook của Apple nhận được lời mời nhưng từ chối.

Quyết định của Cook dường như khiến ông Trump khó chịu. Trong chuyến đi từ Saudi Arabia đến UAE, tổng thống Mỹ có những phát biểu chỉ trích CEO Apple.

Ông Trump "có vấn đề" với Tim Cook

Phát biểu tại Riyadh (Saudi Arabia), ông Trump đánh giá cao Jensen Huang, CEO Nvidia, khi chấp nhận đến Trung Đông cùng phái đoàn Nhà Trắng. Sau đó, tổng thống chỉ trích Tim Cook.

“Ý tôi là Tim Cook không đến đây, nhưng ông thì có”, ông Trump phát biểu trong sự kiện có sự tham gia của các CEO như Larry Fink (BlackRock), Sam Altman (OpenAI), Jane Fraser (Citigroup) và Lisa Su (AMD).

Khi đến Qatar, Trump tiếp tục nói rằng bản thân “có một chút vấn đề với Tim Cook”. Ông đánh giá cao khoản đầu tư của Apple tại Mỹ, nhưng phàn nàn về địa điểm sản xuất iPhone.

“Tôi được biết ông đang xây dựng cơ sở sản xuất khắp Ấn Độ. Tôi không muốn ông xây nhà máy tại Ấn Độ”, ông Trump tuyên bố.

thue quan Donald Trump,  CEO Tim Cook,  iPhone san xuat My,  iPhone tang gia anh 1

Tim Cook và Donald Trump trong một cuộc họp năm 2019. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 23/5, Trump gây bất ngờ trước nhiều người trong chính quyền và ban lãnh đạo Apple khi dọa áp thuế 25% tất cả iPhone sản xuất ngoài nước Mỹ.

Tuyên bố này đưa Táo khuyết trở lại tầm ngắm của chính quyền Mỹ, chỉ một tháng sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn thuế quan 145% với smartphone nhập từ Trung Quốc.

Theo New York Times, lời đe dọa về thuế quan cho thấy tình thế đảo ngược của Cook. Từ vị thế một trong những lãnh đạo công nghệ được lòng tổng thống nhất, Cook giờ đây lọt vào “tầm ngắm” của Nhà Trắng. Điều này đặt câu hỏi liệu một trong những lãnh đạo thân cận của Trump trong ngành công nghệ có mất đi tiếng nói không.

Thách thức bủa vây Apple

Nu Wexler, người phụ trách Four Corners Public Affairs, cựu Giám đốc truyền thông chính sách tại Google và Facebook, cho rằng “mối quan hệ rất công khai” giữa Cook và ông Trump đã phản tác dụng.

“Điều này đặt Apple vào vị trí bất lợi bởi mọi động thái, kể cả sự nhượng bộ của ông Trump, đều được xem xét kỹ”, Wexler cho biết.

Ông nói rằng hiện tại, Trump dường như muốn áp đặt biện pháp mạnh cho Apple, hơn là chọn giải pháp dễ dãi như cắt giảm thuế quan.

Mức thuế mới của ông Trump được đưa ra sau khi Financial Times đưa tin Foxconn sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD, xây nhà máy sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Tổng thống cho biết mức thuế có hiệu lực từ cuối tháng 6, áp dụng cho tất cả smartphone sản xuất ở nước ngoài, kể cả Samsung.

thue quan Donald Trump,  CEO Tim Cook,  iPhone san xuat My,  iPhone tang gia anh 2

Người dùng mua iPhone tại cửa hàng Apple. Ảnh: Bloomberg.

Tuần trước, Cook đến Washington gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Xuất hiện trên Fox News, Bessent nhấn mạnh chính quyền coi sản xuất bán dẫn và linh kiện điện tử ở nước ngoài là “một trong những lỗ hổng lớn của chúng ta”, mà Apple có thể hỗ trợ giải quyết.

“Tổng thống Trump luôn thể hiện rõ mong muốn đưa hoạt động sản xuất về nước, vốn là yếu tố rất quan trọng với an ninh quốc gia và nền kinh tế, gồm chất bán dẫn và các sản phẩm bán dẫn”, phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai cho biết. Dù vậy, ông nói rằng chính quyền Mỹ vẫn có “mối quan hệ tốt đẹp” với Apple.

Trên thực tế, đây không phải thách thức duy nhất của Apple trong thời gian qua. Hồi tháng 4, Apple đã thua cuộc trong vụ kiện liên quan đến App Store. Thẩm phán thậm chí cáo buộc công ty “lừa dối trắng trợn” và Cook đã có “nước đi sai lầm”, tuyên bố Apple phải thay đổi cách vận hành kho ứng dụng.

Jony Ive, người được mệnh danh “phù thủy thiết kế Apple”, gia nhập OpenAI vào tuần trước để phát triển thiết bị có thể thay thế iPhone. Trong tháng 3, Apple gây mất uy tín khi hoãn phát hành Siri phiên bản mới, còn kính thực tế tăng cường Vision Pro thất bại về doanh số sau một năm lên kệ.

Mục đích của ông Trump

Giá trị thương hiệu Apple tăng hơn 2.500 tỷ USD dưới triều đại Cook, trung bình 500 triệu USD/ngày từ năm 2011. Apple vẫn là cỗ máy kiếm tiền hiệu quả, tạo ra gần 100 tỷ USD lợi nhuận hàng năm.

Với việc ông Trump tái đắc cử, Cook đang đứng trước nhiệm vụ khó khăn để lấy lòng chính quyền mới. Năm 2019, ông Trump từng nói Cook là “nhà lãnh đạo tuyệt vời bởi ông ấy gọi cho tôi, còn người khác thì không”.

Cook vẫn thỉnh thoảng phản đối các dự án của tổng thống. Trả lời phỏng vấn trên Fortune năm 2017, CEO Apple giải thích rằng công ty rất muốn sản xuất tại Mỹ, nhưng Trung Quốc có nhiều kỹ sư với tay nghề tốt hơn. Cook cũng xuất hiện trên MSNBC sau đó vài tháng, chỉ trích chính sách nhập cư của tổng thống.

Đến nay, mối quan hệ giữa Cook và Trump lại căng thẳng. Ông Trump rất kiên quyết để nhanh chóng chuyển hoạt động sản xuất công nghệ cao sang Mỹ, và Apple trở thành mục tiêu chính.

Với những chủ trương khác của chính quyền Mỹ như hủy bỏ sáng kiến đa dạng trong tổ chức (DEI), quan điểm của Cook có phần mềm mỏng.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 2, Cook nói rằng Apple vẫn cam kết “kim chỉ nam về phẩm giá và sự tôn trọng mọi người”, sẽ tiếp tục “tạo ra văn hóa gắn bó” nhưng có thể phải thay đổi để phù hợp bối cảnh.

thue quan Donald Trump,  CEO Tim Cook,  iPhone san xuat My,  iPhone tang gia anh 3

Apple là một trong những công ty lọt tầm ngắm của ông Trump từ khi công bố thuế quan đến nay. Ảnh: Telegraph India.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại mới là vấn đề lớn hơn của Apple. Công ty không còn chú trọng cam kết sản xuất iPhone, iPad hoặc MacBook tại Mỹ, thay vào đó chuyển sang tăng cường lắp ráp iPhone ở Ấn Độ.

Apple cố gắng "lấy lòng" Trump khi tuyên bố đầu tư 500 tỷ USD tại Mỹ trong 4 năm tới. Cook cũng nhấn mạnh Táo khuyết sẽ sản xuất 19 tỷ chip từ Mỹ trong năm nay, dự kiến sản xuất máy chủ AI tại Houston.

Dù vậy, chừng đó vẫn chưa đủ. Mong muốn sản xuất iPhone tại Mỹ lớn đến mức ông Trump sẵn sàng áp thuế iPhone thêm 25%.

Theo New York Times, chi phí này không lớn đến mức gây tổn hại hoạt động kinh doanh của Apple, nhưng ông Trump hoàn toàn có thể tăng thuế để đạt mục đích.

"Nếu họ muốn bán iPhone tại Mỹ, tôi muốn nó được sản xuất tại Mỹ. Họ có thể làm điều đó", tổng thống tuyên bố.

Nguồn: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-tim-cook-post1556127.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm