Thăm dò khảo sát là một trong những công việc rất quan trọng của ngành than. Muốn thành lập các dự án khai thác than, việc đầu tiên là phải tìm kiếm tiềm năng khoáng sản, tổ chức thăm dò, xác định trữ lượng, từ đó mới có cơ sở để triển khai hoạt động khai thác than, khoáng sản. Việc thăm dò khảo sát nhằm phát triển tài nguyên, nâng cấp trữ lượng, lập dự án các dự án mỏ và thường phải đi trước 10 năm để phục vụ việc gối đầu khi một dự án mỏ dần kết thúc. Nói cách khác, đây là khâu quan trọng hàng đầu, là yếu tố tiên quyết đối với sự thành công của công tác quy hoạch nói chung và các dự án khai thác nói riêng của ngành than.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thăm dò khảo sát gặp không ít khó khăn, nhất là liên quan đến việc chồng lấn với các quy hoạch đất rừng. Việc này, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nâng cấp trữ lượng, lập dự án đầu tư các dự án mỏ.
Thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018, TKV đã lập và trình Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thẩm định, cấp giấy phép thăm dò (GPTD) cho 7 Đề án, bao gồm: Mỏ Mạo Khê, mỏ Bắc Cọc Sáu, mỏ Hà Lầm, mỏ Hà Ráng, mỏ Suối Lại, mỏ Đồng Vông-Uông Thượng, mỏ Vàng Danh.
Bộ TN&MT đã thẩm định, cấp GPTD cho 3 Đề án, gồm: Mỏ Mạo Khê, mỏ Bắc Cọc Sáu, mỏ Hà Lầm. Đây là các dự án không có vướng mắc về chồng lấn giữa ranh giới Đề án thăm dò theo quy hoạch với ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ và đã kết thúc thi công, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò.
Đối với 4 Đề án thăm dò: Mỏ Hà Ráng, mỏ Suối Lại, mỏ Đồng Vông - Uông Thượng, mỏ Vàng Danh, do ranh giới các Đề án thăm dò theo Quy hoạch có một phần diện tích đã được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là “đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ”. Đối chiếu với quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 28 Luật Khoáng sản “Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất” là khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
Mặt khác, do vướng mắc đến kỳ quy hoạch theo Quy hoạch 403 - có hiệu lực đến năm 2020, nên Bộ TN&MT không có cơ sở để giải quyết cấp phép hoạt động khoáng sản. Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến kỳ quy hoạch, ngày 25/3/2021, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 1356/BTNMT-ĐCKS báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy hoạch và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Trên cơ sở đó, năm 2022, Bộ TN&MT đã cấp giấy phép thăm dò cho Đề án thăm dò mỏ Hà Ráng, mỏ Suối Lại đối với khối lượng không nằm trong ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ.
Đối với khối lượng nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ chưa được phép thi công, TKV đã thống kê báo cáo đầy đủ số liệu về diện tích rừng phòng hộ, diện tích rừng tự nhiên, hoàn thành công tác điều tra hiện trạng rừng đối với các Đề án có chồng lấn và báo cáo Bộ TN&MT. Tuy nhiên, do vướng mắc giữa các quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Khoáng sản, hồ sơ về Đề án thăm dò không đủ điều kiện để thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện cấp giấy phép thăm dò.
Ngày 24/8/2024, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, diện tích đường, nền khoan của các Đề án theo Quy hoạch của TKV đã được loại bỏ ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đủ điều kiện cấp giấy phép thăm dò cho các Đề án.
Đây là điều kiện thuận lợi để TKV được chấp thuận thi công khối lượng còn lại thuộc 2 Đề án thăm dò mỏ Hà Ráng, Suối Lại. Đồng thời, TKV đã tiếp tục lập và hoàn thiện trình Bộ TN&MT cấp phép cho các Đề án thăm dò mỏ: Đồng Vông - Uông Thượng; Nam Mẫu, khu Cánh Gà - mỏ Vàng Danh, Đông Lộ Trí, Núi Hồng.
Theo Ông Phạm Thanh Tuấn, Trưởng Ban Tài nguyên - TKV, do Quy hoạch 893 không phải là Quy hoạch khoáng sản, nên không có cơ sở để cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác than. Để giải quyết vướng mắc này, Bộ NN&MT, Bộ Công Thương và TKV đã có nhiều văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng QH893 để cấp GPTD, GPKT than. Đến ngày 8/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP cho phép Bộ NN&MT sử dụng QH893 để cấp GPTD, GPKT than.
Không chỉ gặp khó trong công tác cấp giấy phép thăm dò, một trrong những trở ngại ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các đơn vị thuộc TKV trong năm 2025 là vấn đề thủ tục cấp và gia hạn giấy phép khai thác.
"Theo Quy hoạch 893, giai đoạn 2020-2030, TKV cần thực hiện 20 Đề án thăm dò và 10 Dự án trên theo yêu cầu của HĐTV TKV phải được cấp giấy phép khai thác trong tháng 6/2025. Đến nay, TKV mới được Bộ NN&MT cấp GPTD cho 05/20 Đề án thăm dò theo QH 893 và Cục Địa chất và Khoáng sản đang tổ chức thẩm định các Dự án, xin ý kiến các cơ quan liên quan phục vụ cấp giấy phép khai thác" - ông Phạm Thanh Tuấn cho biết thêm.
Dù gặp nhiều khó khăn, song TKV vẫn cam kết với Chính phủ sẽ phấn đấu đạt sản lượng than sạch sản xuất trong năm 2025 là 39,5 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2024. Than tiêu thụ phấn đấu đạt 51,5 triệu tấn, tăng 2,5 triệu tấn so với năm 2024. Tổng doanh thu toàn ngành sẽ phấn đấu đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2024. TKV cũng phấn đấu sẽ nộp NSNN ở mức cao nhất và đặt mục tiêu tăng 12% giá trị đầu tư so với năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/tkv-no-luc-thuc-day-tien-do-de-nghi-cap-phep-cac-du-an-tham-do-va-khai-thac-than-3353734.html
Bình luận (0)