UBND TP.HCM vừa báo cáo Chính phủ đề án sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM mới rộng 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người, có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.
Trung tâm hành chính - chính trị của TP.HCM tại địa chỉ 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 và 2 cơ sở tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (ở đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP.Thủ Dầu Một) và Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ở đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa).
Đối với tổ chức Đảng, TP.HCM sau sáp nhập có 6 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, gồm: Đảng bộ UBND TP.HCM, Đảng bộ cơ quan Đảng, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Bộ đội biên phòng, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP.HCM và 168 Đảng bộ cấp xã.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Bình Dương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Đảng bộ TP.HCM mới trên cơ sở sắp xếp 3 địa phương; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Không bầu lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, xã sau sáp nhập
Theo đề án, chính quyền địa phương 2 cấp TP.HCM và cấp xã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất ngày 15.9.
Cụ thể, các đại biểu HĐND cấp tỉnh của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM hợp thành HĐND của TP.HCM mới, tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội, trưởng các ban HĐND và ủy viên UBND không phải tổ chức bầu cử mà được Thường trực HĐND TP.HCM chỉ định, bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND TP .CM mới. HĐND TP.HCM có 4 ban: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Đô thị.
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Trung ương hiệp y thống nhất với Thành ủy TP.HCM quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam của thành phố mới, công nhận danh sách Ủy viên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (lâm thời).
Đối với cấp sở, đề án đưa ra phương án tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của TP.HCM mới trên cơ sở sắp xếp nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của 3 địa phương.
Theo đó, TP.HCM có 15 sở và cơ quan tương đương, Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với cấp xã, đại biểu HĐND các xã thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính cấp xã mới theo số lượng, phương án sắp xếp và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng các ban HĐND và ủy viên UBND không tổ chức bầu cử mà do Thường trực HĐND cấp xã chỉ định, bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã (mới thành lập). HĐND cấp xã có 2 ban: Pháp chế và Kinh tế - Xã hội.
Chính quyền địa phương cấp xã mới hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất ngày 15.8.
Riêng các phường thuộc TP.HCM, trước mắt không tổ chức HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031 thực hiện theo luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Kết thúc nhiệm vụ người hoạt động không chuyên trách
Đề án cũng đưa ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ, công chức) khi sáp nhập xã và không tổ chức cấp huyện.
Cụ thể, cán bộ, công chức cấp huyện, thành phố được chuyển về cấp xã và giữ vai trò nòng cốt; cán bộ, công chức cấp xã cũ chuyển vào biên chế cấp xã mới, kết thúc nhiệm vụ và không sử dụng người hoạt động không chuyên trách.
Khi sáp nhập tỉnh, TP.HCM mới tạm thời giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn.
Trên cơ sở định hướng của Trung ương, TP.HCM sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giảm biên chế, đúng tỷ lệ do Trung ương quy định.
Đối với trụ sở, TP.HCM mới sẽ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức phù hợp với nhu cầu thực tế và theo quy định của pháp luật; bảo đảm khai thác hiệu quả tài sản công hiện có. Nghiên cứu để bố trí, lựa chọn trụ sở của các cơ quan dư thừa sử dụng làm trụ sở cho các cơ quan chuyên môn hoặc thành điểm trường phục vụ giáo dục, cơ sở y tế.
Đối với tài sản công dôi dư nếu có, các tỉnh thành xây dựng phương án tiếp tục bố trí, sử dụng, thực hiện điều chuyển cho cơ quan, đơn vị khác hiện còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức hoặc tổ chức thanh lý tài sản, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Trong vòng 3 năm, UBND TP.HCM cam kết hoàn thành việc sắp xếp, xử lý tài sản công theo đúng quy định.
Nguồn: https://ttbc-hcm.gov.vn/tp-hcm-van-hanh-bo-may-moi-sau-sap-nhap-truoc-15-9-1018618.html
Bình luận (0)