Phó Tổng Biên tập Phụ trách báo SGGP Nguyễn Khắc Văn giới thiệu về công trình báo chí dữ liệu

Góp phần xây dựng “trí nhớ số” của thành phố

Công trình báo chí dữ liệu đặc biệt “TP.HCM 50 năm” là kết quả của quá trình tìm tòi, nghiên cứu và chuyển đổi số toàn diện kho tư liệu đồ sộ gồm hơn 17.000 số báo xuất bản từ năm 1975 đến nay. Đây là lần đầu tiên một cơ quan báo chí địa phương thực hiện việc số hóa có hệ thống toàn bộ hành trình đưa tin, bình luận, phản ánh đời sống chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, đô thị... của một đô thị đặc biệt như TP.HCM.

Bằng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng dữ liệu lớn và các công cụ khai thác nội dung thông minh, Báo SGGP không chỉ số hóa kho tư liệu báo in mà còn tái hiện hành trình phát triển 50 năm của TP.HCM một cách sinh động, trực quan qua hình thức longform tương tác, infographic, video clip, ảnh tư liệu và nhiều hình thức trình bày hiện đại.

Bạn đọc có thể tiếp cận công trình này qua địa chỉ: https://www.sggp.org.vn/50nam – một chuyên trang tích hợp công nghệ tìm kiếm mạnh mẽ, giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên cả máy tính lẫn thiết bị di động.

Theo ông Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP: Toàn bộ nội dung công trình đều được biên tập, hiệu chỉnh theo tiêu chuẩn học thuật, đồng thời bảo đảm tính xác thực, khách quan, bám sát diễn biến lịch sử và phản ánh trung thực vai trò, đóng góp của TP.HCM trong suốt hành trình 50 năm xây dựng và phát triển.

Đánh giá cao nỗ lực này, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Mạnh Cường, khẳng định: “Đây là công trình báo chí dữ liệu quy mô lớn, có chiều sâu và ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. Không chỉ là một sản phẩm kỷ niệm, công trình còn thể hiện năng lực chuyển đổi số của Báo SGGP - một trong những tờ báo trụ cột của thành phố.”

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường cùng Ban Biên tập báo SGGP ấn nút ra mắt công trình báo chí dữ liệu 

Ông Cường cho rằng, việc Báo SGGP tiên phong xây dựng “trí nhớ số” cho TP.HCM có thể là hình mẫu để các cơ quan báo chí khác trong cả nước tham khảo, đặc biệt trong bối cảnh ngành báo chí đang đối mặt với thách thức về lưu trữ, khai thác và đổi mới phương thức tiếp cận công chúng.

Từ trang báo giấy đến không gian số

Báo Sài Gòn Giải Phóng phát hành số đầu tiên ngày 5/5/1975, chỉ vài ngày sau thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ đó đến nay, SGGP không chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM mà còn là “nhật ký đô thị” trung thực, sinh động nhất về các giai đoạn phát triển, chuyển mình của thành phố năng động bậc nhất cả nước.

Theo đại diện Ban Biên tập, công trình lần này cũng là dịp để đội ngũ người làm báo SGGP hôm nay tri ân những thế hệ đi trước - những nhà báo từng bám trụ tại các vùng chiến sự, đưa tin trong gian khổ, lưu giữ từng trang báo bằng mực đen giấy vàng, để hôm nay trở thành một phần ký ức số có giá trị bền vững.

Trong thời gian tới, Báo SGGP tiếp tục hoàn thiện công trình với mục tiêu phát triển thành nền tảng tra cứu - dữ liệu báo chí chuyên sâu, tích hợp thêm các chủ đề mở rộng như: Quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế vùng, câu chuyện khởi nghiệp, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM.

Không đơn thuần là số hóa, công trình còn hướng đến mục tiêu dân chủ hóa tri thức, đưa dữ liệu báo chí đến gần hơn với công chúng. Với mỗi bài viết, hình ảnh hay video được tích hợp, người đọc không chỉ “đọc lại” lịch sử mà còn “cảm nhận” và “hiểu sâu” những chặng đường thành phố đã đi qua.

Liên Minh (Ảnh: báo SGGP)

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/tp-ho-chi-minh-50-nam-nhung-dau-an-tu-hao-qua-trang-bao-sai-gon-giai-phong-152939.html