
Quyết tâm vượt khó
Hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Ninh Phước, Quế Lâm và Phước Ninh (huyện Quế Sơn cũ), xã Quế Phước có diện tích tự nhiên 359,11km2 và dân số hơn 14.100 người.
Thực tế trước đây, cả 3 xã sáp nhập thành xã Quế Phước vốn thuộc huyện Nông Sơn (cũ), sở hữu địa hình trải dài bị chia cắt, tiếp giáp miền núi. Điều này đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành cũng như phục vụ người dân.
Bà Tào Thị Tố Điểm, Chủ tịch UBND xã Quế Phước cho biết, sau khi vận hành chính thức, địa phương khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy; rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Ban hành kịp thời quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị chuyên môn.

“Chúng tôi nhanh chóng đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính được duy trì liên tục, không bị gián đoạn. Người dân đến làm việc, giải quyết thủ tục đều được phục vụ tận tình, chu đáo và bày tỏ sự hài lòng cao”, bà Điểm chia sẻ.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Quế Phước đặt mục tiêu đạt tổng giá trị sản xuất 414 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 55 triệu đồng/năm. Xã phấn đấu duy trì 13/13 thôn đạt chuẩn “Thôn văn hóa”; giảm 5-6 hộ nghèo. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 70% trở lên; 100% dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Địa phương phấn đấu xây dựng xã vững mạnh về quốc phòng, an ninh.
Ông Bùi Xuân Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quế Phước cho hay, địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm vẫn là nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Chính vì vậy, xã đang tập trung rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc để đáp ứng yêu cầu công tác; đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính… Khẩn trương tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, trang thiết bị từ các xã cũ theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý và phục vụ nhân dân.
“Thời gian đến, chúng tôi tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025 - 2030, góp phần xây dựng Đảng bộ xã Quế Phước ngày càng vững mạnh, toàn diện”, ông Trung khẳng định.
Còn nhiều trăn trở
Trên địa bàn xã Quế Phước, một trong những thôn khó khăn nhất là Ninh Khánh. Toàn thôn có khoảng 350 hộ dân, phần lớn sống bằng nghề nông và trồng rừng. Mùa mưa bão, nhiều tuyến đường trên địa bàn bị ngập lụt, sạt lở. Địa bàn thôn còn bị chia cắt bởi dòng sông Thu Bồn khiến việc đi lại, tiếp cận các dịch vụ công của người dân khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phước, ông Nguyễn Văn Lanh nói, trên địa bàn có 6 thôn (thuộc xã Ninh Phước cũ) nằm bên kia sông Thu Bồn với khoảng gần 6.000 dân. Xã Ninh Phước cùng 2 xã còn lại trước khi sáp nhập đều đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hạ tầng giao thông đối nội được kiên cố hóa, đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, giao thông đối ngoại giữa 3 xã cũ với nhau còn nhiều hạn chế, người dân xã Ninh Phước (cũ) phải di chuyển qua xã Nông Sơn (mới) mới đến trung tâm hành chính xã Quế Phước (trụ sở xã Phước Ninh cũ).
Tuyến giao thông đối ngoại quan trọng qua Quế Phước là quốc lộ 14H hiện quá hẹp, nhiều cầu có mặt cắt nhỏ, nền thấp nên thường xuyên bị mưa lũ băng ngập. Điển hình như cầu Khe Rinh, nước lũ sông Thu Bồn chưa lên báo động 2 đã băng qua, gây chia cắt lưu thông nhiều ngày.
Việc vận hành hệ thống thủy lợi thiếu ổn định do nhiều đập thủy lợi xây dựng đã lâu, đất đá bồi lắng dẫn đến chưa phát huy hết công suất. Hệ thống điện có thời điểm chập chờn.
Bà Tào Thị Tố Điểm cho biết thêm, địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất làm việc. Đơn cử, trụ sở chính của xã Quế Phước đang trưng dụng từ trụ sở UBND xã Phước Ninh (cũ) vốn xây dựng từ năm 2009, nay xuống cấp, không còn phù hợp với yêu cầu công tác trong giai đoạn mới. Nhiều máy móc thiết bị chuyên dụng vốn đã cũ và thiếu.

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn phải bố trí rải rác nhiều điểm như: nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trường mẫu giáo, trụ sở cũ của các xã Ninh Phước, Quế Lâm. Nhiều cán bộ, công chức phải di chuyển quãng đường dài đến cơ quan làm việc. Thực tế nêu trên gây khó khăn trong việc điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Về lâu dài, xã mới nằm ở đầu nguồn sông Thu Bồn rất cần sự quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng hiện thiếu và yếu. Trong đó, cần xây dựng cây cầu qua sông Thu Bồn, nối liền giữa thôn Phú Gia (xã Ninh Phước cũ) đến thôn Bình Yên (xã Quế Phước mới) để rút ngắn khoảng cách đi lại cho nhân dân tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn; tạo điều kiện để xã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới...
Nguồn: https://baodanang.vn/tran-tro-que-phuoc-3265132.html
Bình luận (0)