Đây không chỉ là chính sách hỗ trợ, mà là một chiến lược phát triển toàn diện, kiến tạo không gian số với doanh nghiệp tư nhân là trung tâm.
Chính quyền hành động, doanh nghiệp bứt phá
Bằng quyết tâm tổ chức thực hiện cùng sự phối hợp liên ngành, hành trình chuyển đổi số (CĐS) của Huế đã đi vào đời sống thông qua các nền tảng cụ thể. Đến nay, TP Huế đang dần khẳng định vai trò là điểm sáng trong việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ
Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Không chỉ gói gọn trong bộ máy công quyền, CĐS được mở rộng sang khu vực doanh nghiệp (DN), nơi được xác định là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Lễ công bố hai nền tảng số (NTS) dành cho DN vào tháng 5 vừa qua, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND TP
Huế nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ DN tiếp cận các công cụ CĐS để nâng cao năng lực thích ứng và sức cạnh tranh luôn được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Hai NTS này không chỉ là sản phẩm công nghệ, mà còn là sản phẩm của cam kết chính quyền đồng hành cùng DN”.
Các NTS không hình thành từ một quyết định riêng lẻ, mà là kết quả của quá trình phối hợp đa ngành, triển khai bài bản theo lộ trình đã xác lập. TP Huế không dừng ở vai trò khởi xướng, mà tiến hành tổ chức vận hành với tư duy “có trọng tâm, có chiều sâu”.
Điểm đáng chú ý là các nền tảng không nhằm “phô trương công nghệ”, mà để giải quyết các bài toán thực tiễn: thiếu kênh tiếp cận chính sách, hạn chế công cụ số hóa nội bộ, thiếu minh bạch thông tin. Chính sự dịch chuyển tư duy từ quản lý sang phục vụ, từ ban hành chính sách sang đồng hành, vận hành tạo nên bước tiến đột phá trong cách chính quyền kiến tạo môi trường số cho
kinh tế tư nhân.
Từ nền tảng chung, các ứng dụng được thiết kế “may đo” phù hợp từng nhóm đối tượng. Hiệp hội DN TP Huế là đơn vị đầu tiên ứng dụng nền tảng “Làm việc số” trong điều hành nội bộ, bước tiến đáng kể về văn hóa quản trị, tăng hiệu suất, giảm lỗi thủ công, gắn kết hội viên với cơ quan quản lý.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Huế, với nhiều chức năng hữu ích, NTS dành cho DN trên ứng dụng Hue-S kỳ vọng sẽ là kênh đồng hành tin cậy của cộng đồng DN, đáp ứng được những nhu cầu trải nghiệm tiện ích số mọi lúc, mọi nơi của DN trong quá trình CĐS công tác điều hành, quản lý DN trên địa bàn toàn TP.
Các nỗ lực này đã góp phần cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Việc thiết kế công cụ CĐS cho DN từ tiếp cận chính sách, nâng cao năng lực điều hành đến cải thiện năng suất là hành động thiết thực hướng đến mục tiêu phát triển khu vực tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế của địa phương.
Chiến lược số cho kinh tế tư nhân
Hai NTS mới không đơn thuần là ứng dụng kỹ thuật, mà là “hạ tầng mềm” của đô thị thông minh và DN số. Doanh nghiệp không cần đi nhiều nơi, tra cứu nhiều cổng, tất cả được gom lại trên một nền tảng duy nhất.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở KH&CN TP Huế cho rằng, các DN nhỏ và vừa nên bắt đầu quá trình CĐS từ những tiêu chí cơ bản như: xây dựng hiện diện số, sử dụng hóa đơn điện tử, quản lý dữ liệu khách hàng. Để hỗ trợ thiết thực, cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo mang tính thực hành và cung cấp mẫu kế hoạch CĐS theo từng ngành nghề. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở KH&CN TP Huế cũng đề xuất phát triển công cụ đánh giá trực tuyến trên nền tảng Hue-S, giúp DN tự chấm điểm mức độ CĐS và nhận các khuyến nghị cải tiến phù hợp.
Đặc biệt, nền tảng này là một phần trong chiến lược phát triển Hue-S, ứng dụng lõi của chính quyền số từng bước hiện thực hóa đô thị thông minh từ cốt lõi, phục vụ người dân và DN thay vì chỉ phục vụ bộ máy. Lấy DN làm trung tâm, CĐS làm công cụ, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo, DN giờ đây trở thành chủ thể vận hành, đồng kiến tạo môi trường số cùng chính quyền.
Trước đó, trong buổi làm việc với Cục Công nghiệp CNTT (Bộ KH&CN), Sở KH&CN TP Huế đã đề xuất hỗ trợ kết nối DN công nghệ số địa phương với các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đồng thời triển khai mô hình thử nghiệm (sandbox) để ứng dụng các giải pháp công nghệ mới phục vụ đô thị thông minh, chính quyền số và bảo tồn văn hóa.
Sở cũng kiến nghị về việc xây dựng Khu CNTT tập trung gắn với chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung và hướng đến hình thành Trung tâm dữ liệu cấp vùng, cùng Trung tâm trí tuệ nhân tạo phục vụ chiến lược phát triển khu vực Bắc Trung Bộ. Những đề xuất này thể hiện rõ tầm nhìn hệ thống, dài hạn và phù hợp với năng lực thực tiễn của địa phương.
Huế không chọn lối đi ngắn hạn mà từng bước kiến tạo một hệ sinh thái bền vững, nơi DN tư nhân là trung tâm CĐS. Từ sản phẩm thật đến hành động thật, TP Huế đang từng bước đặt nền móng vững chắc để khu vực tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên số hóa, chủ động, tự cường và hội nhập toàn diện.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/-trao-tan-tay-cong-cu-so-ho-tro-doanh-nghiep-tu-nhan-but-pha/20250725104204184
Bình luận (0)